Khi người dân Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm: Mừng hay lo?
Những ngày qua, báo đài dồn dập đưa tin về việc người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến 56 người chết.
Vụ cháy chung cư mini kinh hoàng xảy ra Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội khiến người dân cả nước còn chưa hết bàng hoàng và đau xót; cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ. Nhưng còn những sang chấn tâm lý lâu dài của người trong cuộc, người thân, kể cả những tài sản thiệt hại trong vụ cháy... sẽ như thế nào?
Nếu thường xuyên theo dõi thông tin, chúng ta sẽ thấy, những vụ cháy lớn, nhỏ vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi ở Việt Nam. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về của cải còn nặng hơn là ngoài thiệt hại về tài sản còn mất mát tính mạng, thương vong về con người. Tuy nhiên, những tin tức về tai nạn cháy nổ này cũng có thể không mấy ai quan tâm hoặc dễ dàng bỏ qua. Chỉ đến khi vụ cháy chung cư Hà Nội xảy ra, con số thương vong quá lớn thì mọi người mới giật mình, hoảng hốt.
Hóa ra lâu nay, người ta đang đùa giỡn với thần chết mà không hay hoặc biết mà không sợ.
Sau những vụ cháy xảy ra, nhất là các vụ cháy lớn thì nhà quản lý lại tiến hành các cuộc “Tổng kiểm tra, rà soát…”. Truyền thông cũng đưa tin về vấn đề này rồi sau đó, mọi việc lại lắng xuống. Một số người nước ngoài quan tâm đến xã hội và con người Việt Nam từng có nhận xét nửa đùa nửa thật: “Người Việt Nam thật dũng cảm, không sợ chết. Người ta thậm chí rất xem thường tính mạng, trên lĩnh vực nào cũng vậy!”.
Sau vụ cháy kinh hoàng này thì người dân Hà Nội đã hối hả, chạy đua lắp thang thoát hiểm, nói lên nhiều điều “vừa mừng vừa lo”. Mừng vì người dân đã có ý thức hơn việc phòng cháy và thoát hiểm, coi trong mạng sống mình và người thân hơn nhưng lo vì bấy lâu nay, việc thoát hiểm chưa bao giờ được đưa vào quy chuẩn luật pháp lẫn nhận thức người dân.
Nhà nào, chung cư nào cũng có vấn đề. Các nhà quản lý thì lúng túng, trì trệ trong việc khắc phục khiếm khuyết trong công tác phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm. Người dân thì khắc phục theo kiểu tự phát “Trăm hoa đua nở”, “Mạnh ai nấy làm”. Chỉ có các công ty, người kinh doanh trang thiết bị phòng, chữa cháy và thoát hiểm là được hưởng lợi nhiều nhất.
Thêm nỗi lo khác là kiến trúc đô thị bị biến dạng, méo mó vì những kiểu thoát hiểm “chuồng cọp” bủa vây nhà ở và văn phòng làm việc và biết đâu với cách xây dựng như hiện tại thì hệ thống thoát hiểm là “cầu nối” cho bọn trộm cắp, kẻ xấu đột nhập.
Ngoài ra, những cầu thang thoát hiểm này liệu đã tính đến độ bền thiết bị khi phải phơi ngoài mưa nắng hay chưa? Kế đến, các thang thẳng đứng thường dành cho thợ chuyên nghiệp và cũng phải có dây an toàn hoặc khung bảo vệ. Bình thường, thang này chưa chắc đã dễ sử dụng huống hồ lúc xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn. Khi đó, người già và trẻ em rất khó sử dụng. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều trang thiết bị tự chế, chưa được kiểm định…
Từ trước đến nay, các thiết kế và nghiệm thu nhà thường không có không gian thoát hiểm nên không thể cơi nới them, chính vì vậy, những cầu thang thoát hiểm này là kết quả của việc…lắp đại và hiệu ứng tâm lý dây chuyền; kiểu tự trấn an hơn là hiệu quảthực tế?
Theo kinh nghiệm thực tế của người viết, nếu thiếu không gian làm cầu thang thì việc trang bị cáp ròng rọc theo tỉ lệ đầu người là giải pháp hiệu quả.
Ngày 27.9, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu: “Việc xây dựng thang sắt thoát hiểm gắn bên ngoài tòa nhà chỉ là giải pháp tạm thời, cần có đánh giá độ an toàn và tính phù hợp với mỗi điều kiện công trình khác nhau. Đồng thời, người dân cần có tư vấn của cơ quan, cá nhân có chuyên môn để xây dựng thang thoát nạn đúng quy chuẩn, phát huy hiệu quả”.
Chính vì vậy, cần thiết phải có những hướng dẫn chi tiết để người dân thực hiện, khắc phục liền việc sống chung với thần chết trong những ngôi nhà không lối thoát hiểm; phải chuẩn và luật hóa việc phòng cháy cụ thể. Nếu cần, tạm thời đóng cửa các nhà cao tầng, chung cư mini nếu chưa khắc phục được lối thoát hiểm. Thậm chí là đưa nội dung phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm vào chương trình giáo dục nhà trường và các tổ chức đoàn thể.
Phải xử lý nghiêm khắc những kẻ chống lưng, vi phạm và cả những người thờ ơ, vô trách nhiệm trong công tác quản lý vì tất cả những điều này đều liên quan trực tiếp đến sinh mạng người dân.
Những việc này không chỉ ở riêng Hà Nội mà của cả nước. Phải làm đồng bộ và khẩn trương “cứu người như dập lửa”. Bằng mọi cách và mọi giá, không bao giờ để diễn ra thảm họa và những cái chết tức tưởi như trong vụ cháy chung cư mini vừa qua ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.