Khi người dân hiến đất xây trường
Đó là các ông, bà Lê Thị Út, Lê Văn Tài, Nguyễn Văn Lương… ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Những người dân này đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường học.
Trước giải phóng, xã Đức Bình Đông là vùng rừng thiêng, nước độc, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Sau này, người miền xuôi lên, người miền Bắc vào khai hoang phục hóa, định cư nên cư dân ngày càng đông đúc. Những năm gần đây nhờ có nhiều biện pháp lãnh đạo quyết liệt, kế hoạch thực hiện đúng đắn, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, Đức Bình Đông không ngừng phát triển, trở thành điểm sáng của huyện miền núi Sông Hinh.
Cụ bà nghèo bán bánh mì hiến hàng ngàn mét vuông đất
Trưởng thôn Tân Lập Phan Bá Hùng vừa đi đường vừa kể chuyện. Ông cho hay để xây dựng được các công trình phúc lợi phục vụ chung ở địa phương như trường học, trạm y tế, đường bê tông… cần có sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, nhất là vấn đề đất đai. Trong xu thế giá cả đất đai ngày càng cao, nhất là những khu vực có địa thế thuận lợi, người dân coi đó là tài sản đáng giá.
Chính vì vậy mà xã Đức Bình Đông đã chủ động phối hợp với các ban ngành xây dựng kế hoạch, quy trình chặt chẽ, vận động người dân tham gia hiến đất vì sự nghiệp chung của toàn dân. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, song nhiều hộ dân ở xã Đức Bình Đông vẫn sẵn sàng hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi cho toàn dân.
Chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Út trong ngôi nhà cấp bốn đã cũ, nếu không muốn nói là đã xuống cấp. Bà Út cho hay, bà sinh ra trong một gia đình và địa phương có truyền thống cách mạng, lại có chồng là thương binh nặng, đã mất. Bà có 9 người con, trong đó 7 người đã xây dựng gia đình riêng. Hiện bà sống trong ngôi nhà này cùng hai người con nhiễm chất độc da cam. Hàng ngày, bà bán bánh mì để mưu sinh và nuôi hai con tật nguyền, cuộc sống khá vất vả. Bản thân bà Út vốn là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mang trong mình tinh thần cách mạng cao cả, luôn hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung của tập thể.
Năm 2011, khi biết được chủ trương của địa phương vận động nhân dân hiến đất để xây dựng trường học, bà Lê Thị Út đã chủ động bàn với con cháu tự nguyện hiến đất gia đình đang sản xuất cho Nhà nước ngay tại phiên họp vận động đầu tiên của thôn Tân Lập. Bà Út nói: “Gắn bó với mảnh đất này, tôi nhận thấy rất rõ những thiệt thòi, khó khăn của con em miền núi, đồng bào nghèo. Khi chồng tôi còn sống, ông ấy cũng đã có nguyện vọng mong muốn hiến đất xây dựng trường lớp để con cháu có cơ hội được học hành, vươn lên…”. Bà Út còn cho biết, ban đầu trong gia đình cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng sau khi được bà Út thuyết phục thì mọi người đều đồng thuận. Dẫu vẫn còn nghèo nhưng gia đình bà đã hiến 1.300m2 xây dựng trường THCS, 2.000m2 xây dựng trường mầm non mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào.
Cùng với gia đình bà Út, trong thôn Tân Lập còn có hai gia đình khác là ông Lê Văn Tài và ông Nguyễn Văn Lương cũng tự nguyện hiến đất xây dựng trường. Theo đánh giá của người dân, 1ha đất rừng nơi đây trị giá đến 500 triệu đồng. Từ nguồn đất này, Trường THCS Đức Bình Đông và Trường mầm non Đức Bình Đông được khởi công xây dựng. Trong đó Trường THCS Đức Bình Đông có khuôn viên hơn 9.000m2, Trường mầm non Đức Bình Đông có hơn 10.000m2, đủ quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, trường khá khang trang, có cổng, tường rào, vườn hoa, cây cảnh, khu vui chơi, các lớp học bề thế…
“Từ ngày có trường mới, phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo đều phấn khởi; phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tích cao, chất lượng giáo dục của nhà trường nâng lên rõ rệt”, thầy Nguyễn Hồng Sử, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Bình Đông cho biết.
Trường mới ở ngay khu trung tâm hành chính xã là điều kiện thuận lợi cho địa phương; bà con nhân dân yên tâm đưa con, cháu đến trường, yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Khi Đảng và nhân dân cùng chung chí hướng
Có được những tấm lòng tử tế của những người dân lao động, xuất phát trước hết từ chủ trương đúng của Đảng và chính quyền, cách vận động khéo léo của các ban ngành đoàn thể địa phương với mục đích vì tương lai con em chúng ta. Những con người biết và dám hy sinh quyền lợi riêng tư để đóng góp vật chất, tinh thần xây dựng quê hương.
Việc làm của những người dân nơi đây như những cây rừng nhỏ biết chụm lại để hình thành nên những cánh rừng lớn. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ông Nông Văn Tình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nói trong phấn khởi: “Công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Đức Bình Đông đã về đích năm 2018; đó là nhờ sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xã. Đặc biệt, nhờ có những con người tiên phong đã sẵn sàng hiến đất, hiến công, vật chất và tiền bạc như gia đình bà Lê Thị Út, ông Lê Văn Tài, ông Nguyễn Văn Lương… Khi có sự đồng thuận của người dân thì mọi việc dù khó đến mấy cũng có thể làm được”. Chị Phạm Thị Hồng Mây, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết thêm, có được hai ngôi trường mới, khang trang, học sinh và phụ huynh ai cũng phấn khởi. Các bậc cha mẹ yên tâm đưa con đến trường để lao động sản xuất.
Sự đóng góp của người dân đã góp phần không nhỏ vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Đức Bình Đông nói riêng và cả tỉnh Phú Yên nói chung. Như lời Bác Hồ đã dạy: “Việc gì cũng phải bàn với dân, dân sẽ cho ý kiến hay”, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi việc ắt thành công.
Người dân nhận thức rõ giá trị lớn của đất, nhưng vì mong muốn con cháu được đi trên những con đường đàng hoàng, học tập ở ngôi trường tử tế, được sinh sống trong điều kiện thuận lợi, nên họ sẵn sàng hiến đất. Một trong những người nêu gương, đi đầu trong việc hiến đất là bà Lê Thị Út ở thôn Tân Lập.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/230888/khi-nguoi-dan-hien-dat-xay-truong.html