Khi người già muốn đăng ký kết hôn

Pháp luật khuyến khích, tạo điều kiện cho nam, nữ yêu thương nhau và hướng tới xây dựng hạnh phúc gia đình khi đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Một người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) nghiên cứu tài liệu tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình do Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại xã Thanh Sơn. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Một người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) nghiên cứu tài liệu tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình do Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại xã Thanh Sơn. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống vẫn xảy ra tình huống những người già muốn tiến tới hôn nhân nhưng bị con cháu phản đối nên không biết cách xử lý sao cho hợp lý.

* “Già rồi mà đăng ký kết hôn làm gì!”

Ông Y. (64 tuổi, ngụ H.Định Quán) và bà X. (68 tuổi, ngụ H.Tân Phú) dù thuở còn trẻ ai cũng có gia đình nhưng khi về già, ông Y. mất vợ, bà X. góa chồng, 2 người phát sinh tình cảm và muốn tiến tới hôn nhân. Vì thương yêu nhau thật tình, mong muốn tuổi già sớm dựa vào nhau nên khi ông Y. và bà X. có ý định ra chính quyền làm thủ tục kết hôn thì gặp trở ngại, dị nghị từ phía con cháu. Những người này cho rằng, ông bà già rồi cứ vậy dựa nhau mà sống, đăng ký kết hôn thêm phiền phức.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; hôn nhân tự nguyện; không ai bị mất năng lực hành vi dân sự; không thuộc trường hợp luật cấm (như kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…) thì đủ điều kiện kết hôn và sẽ được cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, nơi nam hay nữ cư trú làm thủ tục đăng ký kết hôn.

“Một khi ông Y. và bà X. đối chiếu với các quy định về điều kiện kết hôn trên mà thấy hội đủ các điều kiện thì ra UBND cấp xã nơi ông hoặc bà cư trú đăng ký kết hôn. Lúc đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ hướng dẫn cụ thể và làm thủ tục đăng ký kết hôn cho ông bà theo đúng quy định pháp luật” - luật sư Lưu Hồng Khanh hướng dẫn.

Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, những người trên 60 tuổi kết hôn hay nam hơn nữ hoặc nữ hơn nam chục tuổi lấy nhau không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, dù xã hội hiện tại phát triển, tiến bộ nhưng vẫn còn không ít người có tư tưởng lạc hậu về hôn nhân, gia đình nên phản đối hoặc vì lý do họ không hiểu đúng pháp luật về hôn nhân và gia đình nên công kích, hoài nghi. Đó là tư tưởng lạc hậu, sai trái nên cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề, hôn nhân tự nguyện, hợp pháp, đúng pháp luật không những tôn thêm giá trị hạnh phúc vững bền cho nam, nữ mà còn góp phần hạn chế những phát sinh tranh chấp về nhân thân, tài sản về sau.

* Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kết hôn

Theo Luật Hộ tịch năm 2014, giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn. Theo đó, giấy chứng nhận kết hôn có giá trị pháp lý xác nhận quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam, nữ là hợp pháp. Từ đó, pháp luật sẽ có căn cứ trong việc xác lập, bảo vệ, bảo đảm các quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, quan hệ về nhân thân, tình cảm, quan hệ con cái, tài sản và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các luật có liên quan.

Luật sư Nguyễn Khoa Quyền (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, vợ chồng có giấy chứng nhận kết hôn thì pháp luật bắt buộc vợ chồng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhau (như: thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình…), đối với con cái (như: chăm sóc, giáo dục, tôn trọng…), xác định mối quan hệ nhân thân (ông bà, anh chị, chú bác bên vợ hoặc chồng…).

Còn đối với trường hợp nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì các quyền trên bị hạn chế hoặc không được pháp luật công nhận.

Chính vì sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hay pháp luật chưa công nhận mối quan hệ đó là vợ chồng thì không ít người rơi vào trường hợp éo le như: chồng chết không được vợ cũ của chồng (chưa ly hôn) đứng ra tổ chức mai táng; sống với nhau nhưng không có quyền về tài sản khi chồng chết vì người chồng này chưa ly hôn với vợ cũ và không để lại di chúc cho tài sản; không được bạn đời yêu thương, chăm sóc khi ốm đau, bệnh tật, gặp khó khăn…

Theo luật sư Nguyễn Khoa Quyền, đó là những vấn đề có thực phát sinh trong cuộc sống mà trong quá trình hành nghề ông đã nhiều lần tư vấn cho họ khi các bên có phát sinh tranh chấp. Do mối quan hệ của họ không hợp pháp, không được pháp luật công nhận nên đôi lúc những quyền, nghĩa vụ vợ chồng dù rất nhỏ đối với nhau như các trường hợp nêu trên, pháp luật vẫn không có cơ sở để bảo vệ cho họ được.

“Cho nên, dù nam, nữ lớn tuổi hay còn trẻ, khi hội đủ các điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc họ đi đăng ký kết hôn để chứng minh quan hệ vợ chồng hợp pháp là luôn cần thiết, đúng đắn, văn minh, có trách nhiệm với nhau, xã hội. Đồng thời, việc đăng ký kết hôn đó sẽ giúp cho hai bên có đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhau về tài sản, nhân thân” - luật sư Nguyễn Khoa Quyền bộc bạch.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202205/khi-nguoi-gia-muon-dang-ky-ket-hon-3118643/