Khi người hâm mộ 'cuồng' thần tượng
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, phần nào đang tiếp tay cho sự biến tướng, lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng.
Cuồng thần tượng
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, đặc biệt là việc “phủ sóng” của các loại hình giải trí thì việc yêu thích, thậm chí thần tượng các nghệ sĩ nổi tiếng giờ đây đã trở thành một nhu cầu phổ biến của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, thông qua các nền tảng xã hội, khoảng cách, sự tương tác giữa những người nổi tiếng và công chúng giờ đây đã được rút ngắn. Thống kê các trang mạng xã hội thì hiện nay nhiều nghệ sĩ của Việt Nam có số lượng người theo dõi đã lên tới con số hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu. Đơn cử như Instagram, 4 cái tên có lượng người theo dõi cao nhất (trên 5 triệu lượt) hiện nay là Sơn Tùng M-TP, Ngọc Trinh, Chi Pu, Trấn Thành. Trong khi đó, với Facebook, 6 gương mặt dẫn đầu là Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Mỹ Tâm, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Isaac. Thông qua sự kết nối này, nhiều nghệ sĩ cùng sự đồng hành của những người hâm mộ đã tạo một cộng đồng lan tỏa các hoạt động ý nghĩa, làm việc tốt, việc thiện.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và các hành động tích cực thì xu thế mở của các nền tảng mạng xã hội cũng đang tiếp tay cho sự biến tướng, lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng. Trong những năm qua, những cuộc “khẩu chiến” trên các nền tảng xã hội giữa những người hâm mộ để bảo vệ thần tượng của mình đã không còn là chuyện hiếm. Ở đó, bất kể sự việc chưa phân định đúng - sai, đã kiểm chứng hay chưa, không ít người vẫn cao giọng phán xét theo quan điểm lệch lạc. Cũng đã có không ít vụ việc do đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết đã thúc đẩy sự việc đi đến khó kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Mới đây nhất là trường hợp một nghệ sĩ bị vướng lùm xùm trong vấn đề minh bạch từ thiện nhưng người hâm mộ sẵn sàng bảo vệ thần tượng bằng mọi cách, kể cả tấn công, chửi rủa bất cứ ai dám chê thần tượng của mình.
Hiện tượng thể hiện tình yêu “mù quáng” với thần tượng còn được thể hiện rõ hơn khi các nghệ sĩ nổi tiếng sang Việt Nam biểu diễn. Bên cạnh hình ảnh hàng nghìn người chen lấn, gào thét để được gặp mặt thần tượng “bằng da, bằng thịt” là vô số những câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Quan ngại hơn là với nhiều nghệ sĩ khi mắc phải sai lầm nghiêm trọng thì những người hâm mộ vẫn mù quáng để “chiến đấu” bảo vệ. Đơn cử như vụ việc của ca sĩ Jack bị tố cáo chuyện có con nhưng không chịu thừa nhận, có lối sống không lành mạnh, hành vi cư xử thiếu văn minh. Thế nhưng kể cả khi vụ việc được phơi bày thì một nhóm người hâm mộ ca sĩ này đã công khai đăng clip trên TikTok với nội dung “Nếu Jack sai, chúng em sẽ sai cùng anh”, “Một ngày là thần tượng mãi mãi là thần tượng”… Hay mới đây nhất việc một số nghệ sĩ tự phong mình là những “ông hoàng, bà chúa” dù bị đại đa số khán giả phản đối những vẫn có một số người hâm mộ trung thành bảo vệ cho danh xưng “ảo” này của thần tượng.
Hệ lụy khó lường
Văn hóa thần tượng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đại bộ phận giới trẻ hiện nay. Thực tế, thần tượng một ai đó không hề xấu, nhưng quan trọng là giới trẻ cần có nhận thức và hiểu biết để phân biệt được đúng sai, tốt xấu từ chính những người mà mình hâm mộ. Thế nhưng, hiện nay nhiều bạn trẻ tôn thờ thần tượng một cách mù quáng, từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ học “cày view” cho sản phẩm mới của thần tượng, rồi mất ăn mất ngủ, làm mình làm mẩy khi không được bố mẹ cho tiền mua album hay các sản phẩm liên quan đến “ông hoàng, bà chúa” trong lòng mình. Đáng buồn hơn, vì tình yêu với thần tượng, nhiều người hâm mộ có sự xáo trộn tâm lý, không thiết tha với cuộc sống, ảo tưởng về bản thân, thậm chí phải nhập viện vì sức khỏe suy sụp.
Nhìn nhận về thực trạng này, GS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và tuyên truyền) bày tỏ, việc thần tượng một ai đó là điều tốt nếu khán giả tỉnh táo, biết đặt niềm tin một cách đúng đắn. Văn hóa thần tượng không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn là động lực để các bạn trẻ phấn đấu, noi gương làm những điều có ích. Chính những thần tượng, người có tài năng, phẩm chất tốt sẽ là tấm gương để những người hâm mộ không ngừng cố gắng và hoàn thiện mình tốt hơn. Ngược lại, việc “phát cuồng” vì thần tượng sẽ tạo ra những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh, phản văn hóa và gây ra những hậu quả khôn lường.
Cũng theo GS.TS Phạm Ngọc Trung, đã đến lúc cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc những nghệ sĩ có lối sống buông thả, là mầm mống cho hành vi thần tượng mù quáng. Ngay cả những người không mang danh nghệ sĩ nhưng có sức ảnh hưởng như TikToker, streamer... cũng cần chịu sự quản lý của các quy định này. Ngoài ra, gia đình, nhà trường phải quan tâm sát sao đến con em mình, hạn chế việc các em nhỏ quá say mê, “nghiện” mạng xã hội dễ “sa lầy” vào những văn hóa thần tượng “ảo” từ đó dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-nguoi-ham-mo-cuong-than-tuong-5719838.html