Khi người lính khoác hai màu áo

28 năm gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe cho các phạm nhân tại Trại tạm giam số 2 (CATP Hà Nội) là từng ấy thời gian Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải ở bệnh xá nhiều hơn ở nhà. Làm việc trong một môi trường rủi ro, khả năng lây nhiễm cao, nhưng vượt trên khó khăn, vất vả, anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Dùng trái tim cảm hóa phạm nhân

Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1996, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải về nhận công tác tại Trại giam Văn Hòa (nay là Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội). Anh kể: “Lúc đó trại rất đông phạm nhân, nhưng cán bộ y tế chỉ có 2 người. Mình vừa là bác sĩ, vừa là y tá… kiêm hộ lý. Sau đó, đồng chí Bệnh xá trưởng đi học, vậy là chỉ còn mình quay cuồng suốt 9 năm. Nhà ở ngay Hà Đông, nhưng nhiều lúc mấy tháng trời mình không thể về, nhiều Tết đón luôn Giao thừa trong trại”.

Hai đận gian truân nhất trong gần 30 năm công tác mà bác sĩ Nguyễn Thanh Hải nhớ mãi là đợt bùng nổ số bệnh nhân HIV từ năm 1998-2005 và dịch Covid-19 mới đây. Ở Trại tạm giam số 2, những phạm nhân nghiện ma túy không ít, trong đó có cả người nhiễm HIV và đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Họ thường mắc phải nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cơ hội dẫn đến lở loét, lao phổi, zona, nấm miệng, tiêu chảy... Những năm 1998, ngành y tế chưa có thuốc điều trị HIV, chủ yếu là điều trị triệu chứng, cả bệnh xá chỉ có 3 cán bộ y tế trong khi phạm nhân “nhiễm hát” (HIV) tăng vùn vụt. Bệnh của họ nặng và chuyển sang giai đoạn AIDS rất nhanh, nhưng có khi đưa đến vài bệnh viện cũng không có nơi nào dám tiếp nhận. Có những người hấp hối, anh đã ở bên cạnh chăm sóc họ đến giây phút cuối đời. Nếu không vì tình người, trách nhiệm với công việc, rất khó ai có thể bám trụ đến ngày hôm nay.

Gần 30 năm công tác là từng ấy thời gian bác sĩ Nguyễn Thanh Hải gắn bó với Trại tạm giam số 2 nhiều hơn ở nhà

Gần 30 năm công tác là từng ấy thời gian bác sĩ Nguyễn Thanh Hải gắn bó với Trại tạm giam số 2 nhiều hơn ở nhà

Đến tận bây giờ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải vẫn nhớ trường hợp một phạm nhân nhiễm HIV quê Đông Anh rơi vào trong tình trạng nguy kịch đến mức không ai dám nhìn và đến gần vì ghê sợ. Thế nhưng, một mình bác sĩ vẫn tận tình lau rửa vết thương và cứu chữa cho anh ta. Sau 2 tháng tích cực điều trị, chăm sóc, vết thương cuối cùng cũng lành, sức khỏe của phạm nhân dần hồi phục. Chứng kiến sự tận tâm của bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, dù biết mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng phạm nhân vẫn vô cùng cảm động khi bác sĩ đã ở bên anh ta lúc khó khăn nhất.

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai

Đối tượng nhiễm HIV có tới 70% liên quan đến ma túy. Khi vào trại, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải lại phải cai nghiện cho các đối tượng này. Sau cắt cơn là những ngày phạm nhân vật vã, ốm yếu, bác sĩ vẫn luôn túc trực ở bên họ để chăm sóc. Do trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân HIV nên bác sĩ Nguyễn Thanh Hải đã 6 lần bị phơi nhiễm. “Có lần đang truyền dịch cho phạm nhân HIV thì người này chống đối giật kim ra đâm vào tay mình. Có khi đang cấp cứu cho phạm nhân thì sơ ý, kim tiêm dính máu đâm vào người… Về phòng đóng cửa tự test, có lần lên kết quả dương tính mình cũng lo lắm vì ngày đó chưa có thuốc chống phơi nhiễm. Nhưng may mắn sau 6 tháng xét nghiệm lại cho kết quả âm tính. Nhưng đó là cá nhân mình thôi, chứ đồng đội của mình nhiều anh em không được may mắn như thế” - bác sĩ Nguyễn Thanh Hải ngậm ngùi cho biết.

“Người ta có thể chịu được công việc vất vả ở đơn vị, nhưng cái khó vượt qua nhất chính là khi con ốm, vợ đau, bố mẹ đi viện mà mình cũng không thể ở bên cạnh chăm sóc. Thú thực, đôi lúc cũng cảm thấy buồn bởi với tay nghề của mình, nếu ra làm ngoài có thể thu nhập cao, lại không đến mức quá vất vả, có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nhưng rồi mình vẫn gắn bó với bệnh xá của trại vì xác định, đã chấp nhận dấn thân thì phải làm tròn trách nhiệm của cả ngành công an lẫn ngành y”.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải

Đợt dịch Covid-19 vừa qua cũng là một giai đoạn khốc liệt ngoài sức tưởng tượng của bác sĩ Nguyễn Thanh Hải khi Trại tạm giam số 2 được chọn là khu điều trị cho toàn bộ phạm nhân của Hà Nội bị mắc Covid-19. Hàng ngày lượng phạm nhân nhiễm SAR-CoV-2 đổ về rất đông, cao điểm có gần 1.000 trường hợp, trong khi mỗi ca trực chỉ có 8 cán bộ y tế. Anh nhớ có năm đúng 30 Tết mà cả ngày chỉ được ăn 1 bữa lúc 15h chiều vì hôm đó có một trường hợp tử vong. Ba tháng liền bác sĩ Nguyễn Thanh Hải không về nhà, bản thân anh bị nhiễm virus nhưng cũng không được nghỉ ngơi vì còn bao nhiêu bệnh nhân cần điều trị. Lượng bình ôxy được cấp hạn chế nên anh phải vận dụng các mối quan hệ xin thêm để điều trị cho bệnh nhân nặng.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải bảo: “Mình không phải là người duy tâm, nhưng luôn nghĩ giúp phạm nhân lúc này thì sẽ có người khác giúp mình lúc khác. Năm ngoái, có một tử tù bị lao rất nặng, mình kiên trì chữa trị cho anh ta, thậm chí còn bỏ tiền túi mua đạm và thuốc để truyền. Sau đó, phạm nhân được giảm xuống chung thân và chuyển trại. Trước khi đi, anh ta bảo: “Bố đã sinh ra con 1 lần nữa”. Có lần khi đang trực đêm, một phạm nhân bị khó thở được quản giáo đưa đến. Sau khi khám mình chẩn đoán phạm nhân bị tràn dịch màng phổi và lập tức tiến hành hút dịch. Nếu không hút kịp thời phổi sẽ xẹp, gây ngừng tim đột ngột và tử vong. Sau đó mình điều trị cho bệnh nhân khỏi lao phổi”. Trầm ngâm một lát, anh tiếp: “Cái khó là bệnh xá ở đây chỉ tương đương với trạm y tế xã nên danh mục thuốc được cấp cũng chỉ là thuốc cấp cho trạm y tế. Nhưng nhiều bệnh nhân cần phải dùng thuốc của Bệnh viện Bạch Mai cơ. Thế mới bảo, bệnh xá ở đây là tuyến đầu nhưng đồng thời cũng là tuyến cuối, người bệnh chỉ biết bấu víu vào bác sĩ. Có phạm nhân đến giây phút cuối đời cũng chỉ có bác sĩ ở bên, lúc đó mình coi họ như người thân. Nhiều can phạm yếu nói không nổi đã dùng ánh mắt thay cho lời cảm ơn vì mình ở bên họ tới hơi thở cuối cùng”.

Khắc ghi lời thề Hippocrates

Nhiều can phạm án nặng, thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng để được đi bệnh viện nhằm mưu toan trốn trại, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải khám và đánh giá chưa cần thiết phải đi viện rồi cho họ thuốc. Nhưng cứ đến nửa đêm là họ lại giả bộ kêu la khiến anh phải chạy đi chạy lại tới sáng. Có phạm nhân còn tự gây thương tích để tìm cách trốn trại, ranh ma hơn có người ngậm thuốc đánh răng trong miệng rồi giả vờ lên cơn co giật, sùi bọt mép. Thậm chí có phạm nhân còn nuốt đuôi thạch sùng khiến cho bụng căng chướng để được ra khỏi trại lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên tất cả những trò ma mãnh này đều không qua được mắt bác sĩ.

Gần 30 năm công tác là từng ấy thời gian bác sĩ Nguyễn Thanh Hải gắn bó với Trại tạm giam số 2 nhiều hơn ở nhà. Có những đợt anh biền biệt vài tháng, hoặc 1 tháng chỉ qua nhà được 1-2 lần. “Người ta có thể chịu được công việc vất vả ở đơn vị, nhưng cái khó vượt qua nhất chính là khi con ốm, vợ đau, bố mẹ đi viện mà mình cũng không thể ở bên cạnh chăm sóc. Hiện chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn phạm nhân. Đa số họ nhiều tiền án tiền sự, nghiện ma túy, mắc đủ các thứ bệnh như tiểu đường, tim mạch, lao kháng thuốc, phạm nhân nữ mang thai, biểu hiện tâm thần… trong khi cán bộ y tế lại vô cùng thiếu và luôn trong tình trạng quá tải. Thú thực, đôi lúc cũng cảm thấy buồn bởi với tay nghề của mình, nếu ra làm ngoài có thể thu nhập cao, lại không đến mức quá vất vả, có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nhưng rồi mình vẫn gắn bó với bệnh xá của trại vì xác định, đã chấp nhận dấn thân thì phải làm tròn trách nhiệm của cả ngành công an lẫn ngành y” - bác sĩ Nguyễn Thanh Hải tâm sự.

Vượt lên trên tất cả những khó khăn, thua thiệt, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải nói riêng và những thầy thuốc trong các cơ sở giam giữ của Bộ Công an nói chung luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình chỉ với một niềm tin: Sự chăm sóc tận tình của người thầy thuốc sẽ giúp xua bớt những khoảng tối và giúp cho các cuộc đời lầm lỡ có niềm tin phục thiện.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-nguoi-linh-khoac-hai-mau-ao-post568713.antd