Khi người lính tỏa sáng
Là người lính trưởng thành ở Trường Sơn những năm tháng chiến tranh, với bản chất 'bộ đội cụ Hồ', dù trên chiến trường hay thương trường, Anh hùng Phan Văn Quý, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) luôn vượt qua mọi khó khăn, vươn lên và tỏa sáng. Khi đã thành đạt, ông không quên đồng đội cũ và tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện.
“Tuấn mã Trường Sơn” và người Anh hùng 23 tuổi
Doanh nhân Phan Văn Quý sinh năm 1954, ở Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Phan Văn Quý nhập ngũ cuối năm 1971 khi đang học cấp 3 trường huyện, sau đó được cử đi học lái xe và được điều động về Tiểu đoàn 76 thuộc Trung đoàn 11 ô tô vận tải. Đây là một trong hai trung đoàn ô tô vận tải quân sự đầu tiên của quân đội ta trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Có thể nói, thời gian chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là thời kỳ để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Vững vàng tay lái nên chỉ làm phụ xe một thời gian ngắn, chàng trai trẻ được giao lái chính chiếc xe tải Zil 157 DD4432-TS1 (loại xe 3 cầu do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ). Đây là loại xe có tính năng việt dã cao, thích hợp với loại đường quân sự làm gấp, địa hình đèo dốc, trơn lầy và sông suối trên tuyến Trường Sơn.
Phan Văn Quý nổi tiếng từ rất sớm. Ngày 24/3/1977, báo Quân đội nhân dân số 5714 đăng tải bài viết của cố Đại tá Nguyễn Đức Huy - nguyên Cục phó Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần khen ngợi anh như sau: “Trải qua mấy năm vững vàng tay lái, Phan Văn Quý không những đạt kỷ lục về năng suất vận chuyển, về lái xe an toàn mà còn nêu một gương sáng giữ gìn xe tốt… Vì sao Phan Văn Quý làm được như vậy? Biểu hiện trước hết ở ý thức, trách nhiệm chính trị, làm chủ chiếc xe, làm chủ cung đường, làm chủ mọi lúc, mọi nơi, làm chủ bản thân mình. Phan Văn Quý biết làm chủ kỹ thuật… Phan Văn Quý là một chiến sĩ vận tải gương mẫu về kỷ luật…”.
Với chiến sĩ lái xe Trường Sơn, mỗi chuyến vận chuyển đều là một trận chiến đấu, đòi hỏi từ cán bộ chỉ huy đến lái xe phải tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất và nắm chắc quy luật hoạt động, các thủ đoạn đánh phá của máy bay địch. Từ đó có kế hoạch, biện pháp tổ chức chỉ huy linh hoạt, sáng tạo, vượt qua trọng điểm mới giành được thắng lợi.
Do vị trí quan trọng của Đường 20 nên đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt, hình thành nhiều trọng điểm liên hoàn như Xuân Sơn, Trạ Ang, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm… Trên tuyến đường này, Phan Văn Quý và đồng đội đã bao lần bị máy bay địch phát hiện săn đuổi dọc đường, phải vượt qua bao “cửa tử” để chở quân, chở hàng về đích.
Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng về chính trị, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần kể, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trên tuyến đường này là lần giao hàng cho kho KĐ1-Binh trạm 32.
Sau khi giao hàng, Phan Văn Quý cùng đơn vị được lệnh chở thương binh từ mặt trận về hậu phương. Đoàn xe vừa ra đến khu vực trọng điểm đèo Phu La Nhích thì trời gần sáng, bị máy bay địch phát hiện đánh ngăn chặn.
Trong tiếng bom rơi, đạn nổ, trong khói lửa mù mịt, Phan Văn Quý dù bị thương vào đầu nhưng vẫn bình tĩnh quan sát, phán đoán, giữ vững tay lái điều khiển xe vào đường mang cá để tránh và giấu xe. Sau đó, anh cùng với chiến sĩ giao liên lần lượt giúp đỡ 25 thương binh rời xe xuống nơi ẩn nấp. Hết đợt oanh tạc của máy bay địch, Phan Văn Quý lại cùng đội hình xe tiếp tục chở thương binh về phía sau đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Phan Văn Quý không chỉ là chiến sĩ lái xe kiên cường, dũng cảm, đạt năng suất cao trong các mùa vận chuyển, chiến dịch mà còn là người dẫn đầu trong phong trào “Giữ tốt-Dùng bền-An toàn-Tiết kiệm” của đơn vị.
Dù đã cùng anh vượt qua nhiều cung đường, từ Đường 14, 15, 16, 18, 20, 22 và nhiều trọng điểm ác liệt như Phu La Nhích, ngầm Ta Lê, Xê Ka Máng…, vận chuyển các loại hàng phục vụ chiến đấu, đến Đường 7, Đường 8 chở bể và ống dẫn xăng dầu nhưng xe vẫn hoạt động tốt, hình thức vẫn đẹp. Hiện chiếc xe này đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội, nhằm lưu giữ quá khứ hào hùng của dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác vận tải quân sự, Phan Văn Quý đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng như: Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Quân kỳ quyết thắng. Ngày 20/10/1976, Phan Văn Quý được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 23 tuổi, là anh hùng trẻ tuổi nhất của Bộ đội Trường Sơn.
Tỏa sáng trên thương trường
Sau hai lần khởi nghiệp thất bại trước đó, tháng 7/2001, Phan Văn Quý và một số đồng đội sáng lập Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Phẩm chất của người lính thêm lần nữa lại tỏa sáng trên mặt trận mới, chiến trường mới, không kém phần gian khổ, khốc liệt: Thương trường.
Trên mặt trận này, Phan Văn Quý luôn điềm tĩnh, cẩn trọng, chắc chắn, kỹ càng trước khi quyết định một chủ trương. Khi đã làm, với bản lĩnh của người thủ lĩnh, ông nỗ lực, quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.
Chủ tịch Phan Văn Quý tâm sự, sự sai lầm trong trận đánh dễ phải đánh đổi bằng xương máu của đồng đội. Trong kinh doanh, cái khốc liệt là sự cạnh tranh, là những cơn “sóng ngầm” mà không dễ nhận biết được. Thất bại không chỉ làm điêu đứng doanh nghiệp mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác. Vì thế, quan điểm của tôi là xây dựng Tập đoàn Thái Bình Dương phát triển nhưng phải ổn định và bền vững.
Sau 20 năm thành lập, Tập đoàn Thái Bình Dương đã phát triển trở thành tập đoàn đa ngành, với số vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, với các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chính gồm Công nghiệp, Tổng thầu và Bất động sản. Quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh được phát triển tại ba miền, với nhiều doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp.
Để xây dựng được tập đoàn phát triển vững mạnh như bây giờ, người lính-doanh nhân Phan Văn Quý đã phải mạnh dạn trong mọi hành động, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới để đầu tư, triển khai thực hiện dự án tại Việt Nam. Một mặt, để thu hút đầu tư, tăng cường nội địa hóa theo chủ trương của Nhà nước. Mặt khác, để học tập kinh nghiệm và hướng tới chuyển giao công nghệ.
Trong điều hành hoạt động của tập đoàn, Chủ tịch Phan Văn Quý rất tâm đắc với việc vận dụng hoạt động quân sự trong việc quản lý điều hành. Đây là một trong những nét độc đáo, là nhân tố quan trọng làm nên thành công của tập đoàn. Ông chủ trương xây dựng tập đoàn theo hướng: Tổ chức tinh gọn, tuân thủ pháp luật, có quy chế, quy định chặt chẽ, khi triển khai phải nghiêm minh từ người đứng đầu trở xuống. Vì thế, mặc dù là một tập đoàn đa ngành, dự án trải dài khắp nước nhưng bộ máy nhân sự rất gọn nhẹ, vận hành hiệu quả.
Chủ tịch Phan Văn Quý cũng học kinh nghiệm đặt trạm, tuyến trên các cung đường của Bộ đội Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh vào việc xác định vị trí đầu tư các công trình, dự án. Đó là cách bố trí liên hoàn giữa các điểm trên trục giao thông Bắc - Nam, vừa đáp ứng đầy đủ tiêu chí đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, vừa thuận tiện cho quá trình cơ động, kiểm tra, tiết kiệm tối đa chi phí trong công tác quản lý.
Doanh nhân làm công tác xã hội từ thiện
Ông Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương không những đóng góp hơn 100 tỷ đồng mà còn có tầm nhìn dài hạn như thành lập các pháp nhân, bộ máy quản lý như Hội Gia đình Liệt sĩ Việt Nam, Quỹ Phòng tránh thiên tai, Quỹ Tâm Tài Nghệ An và gần chục các chương trình khác để triển khai các dự án thiện nguyện.
Hơn chục năm qua, Quỹ Phòng tránh thiên tai vẫn hoạt động hiệu quả và được ghi nhận là một trong những tổ chức khá thành công trong giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân các khu vực thường xuyên bị lũ lụt.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Gia đình Liệt sĩ Việt Nam đã tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho hàng nghìn gia đình tìm kiếm thông tin liệt sĩ, hỗ trợ kinh phí giám định ADN nhiều hài cốt liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, học bổng cho con cháu liệt sĩ…
Ở mặt trận nào cũng vậy, ông Phan Văn Quý luôn gìn giữ và phát huy bản lĩnh của người lính, không ngại khó khăn thử thách, đầu tư vào những lĩnh vực khó, trên hết vì sự phát triển tổng thể, đóng góp cho xã hội. Ông quan niệm, cộng đồng có phát triển thì doanh nghiệp mới được nâng tầm.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doanh-nhan/khi-nguoi-linh-toa-sang-589323.html