Khi người mù đi 'xem' phim

Thập niên 50, ở Việt Nam đã có những rạp chiếu bóng khá quy mô tại Hà Nội, nhưng gây ấn tượng hơn cả đối với đông đảo bà con khắp đất nước thời bao cấp lại là những đoàn chiếu bóng lưu động, đi khắp chiều dài đất nước, cõng cả phim và thiết bị lên núi cao để phục vụ bà con. Những buổi chiếu bóng ngoài trời như thế đã thực sự là những bữa tiệc tinh thần đặc sắc xây đắp nên tâm hồn người Việt Nam suốt một chặng đường dài.

Những người sinh ra từ những năm 1940 đến 1980 đều có ký ức đẹp về những buổi chiếu bóng, hoặc rạp phim. Những ký ức đẹp đó hoàn toàn có thể tạm lãng quên, nếu như chúng ta không khơi gợi lại. Chính vì thế, chương trình Quán Thanh Xuân với chủ đề xem chiếu bóng (hay chớp bóng) vừa được truyền hình trực tiếp ngày 7/7/2019 trên kênh VTV1 đã đem đến cho nhiều người xem nỗi xúc động sâu xa, như bỗng dưng tìm lại được một mảnh tâm hồn yêu thương của mình đã thất lạc.

Anh Trần Thanh Sơn – một nhân chứng của rạp chiếu bóng lưu động chia sẻ trong Quán Thanh xuân

Anh Trần Thanh Sơn – một nhân chứng của rạp chiếu bóng lưu động chia sẻ trong Quán Thanh xuân

Anh Trần Thanh Sơn – một nhân chứng của rạp chiếu bóng lưu động – đã chia sẻ một kỷ niệm chấn động cách nay vài chục năm, về một khán giả xem phim ấn tượng nhất. Đó là một bà già đã mù mắt, nhưng vẫn cùng cháu gái đi xem phim. Tất nhiên bà không thể nhìn thấy những gì diễn ra trên màn ảnh rộng, nhưng không sao cả, bà vẫn hết sức chăm chú và gương mặt ánh lên xúc cảm thay đổi khi cháu gái bà tường thuật lại cho bà nghe những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Thực ra bà già mù đang nghe phim thì đúng hơn. Nỗi khao khát thưởng thức phim ảnh lớn hơn cả hoàn cảnh bất thường, vượt lên cả khuyết tật bản thân, để vẫn có thể chạm vào môn nghệ thuật thứ bảy một cách thần diệu lạ lùng đến thế.

Câu chuyện của anh Trần Thanh Sơn cho khán giả xem Quán Thanh xuân hôm nay một bài học cuộc sống thật hữu ích: “Không có gì là không thể”. Sự khao khát thưởng thức nghệ thuật phim truyện như thế, hoàn toàn là điều kiện lý tưởng nhất cho phim truyện phát triển rực rỡ, và ngược lại, phim truyện lại nâng tâm hồn con người bay cao, bất chấp hoàn cảnh éo le đến thế nào. Chính khán giả thời ấy lại là lớp khán giả lý tưởng của phim truyện.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải lại kể câu chuyện ý nghĩa về những lo toan đẹp đẽ trong thời kỳ bao cấp còn nhiều khốn khó. Thời bao cấp, mọi nhu yếu phẩm phục vụ đời sống con người thiếu thốn, phải phân phối, tính toán thật kỹ lưỡng. Cha anh là một trong những người làm công việc sắp xếp chế độ cho cán bộ nhân viên, ngoài những mục như gạo, thịt, đường, vải, dầu… thì còn chế độ rất dễ thương là đi xem phim 1 lần/tháng. Như vậy, món ăn cho tinh thần vào thời bao cấp cũng đã được xem trọng, được coi như yếu tố không thể thiếu, giúp cho đời sống con người được cân bằng. Và cũng chính điều đó, khiến ngành làm phim được phát triển, người làm phim có được mảnh đất tốt thi triển những tác phẩm nung nấu của mình, đầu tư toàn bộ tâm sức để làm phim.

Hiện nay, kinh tế gia đình và đất nước phát triển khá hơn, mọi người được tự do quyết định hình thức giải trí của mình, không cần phải có chế độ phân phối được đi xem phim một lần/tháng, thế nhưng, chắc gì mỗi người đã có thể chăm sóc tâm hồn, tinh thần của mình được đủ như thời khó đã qua? Bạn có chắc rằng mỗi năm mình đi xem phim ở rạp được 12 lần? Nỗi khao khát lớn lao được xem phim chiếu bóng, như trong câu chuyện kể của anh Trần Thanh Sơn về một bà già mù đi “xem” phim, phải chăng đã dần mai một?!

Việt Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khi-nguoi-mu-di-xem-phim-542308.html