Khi người S'tiêng biết giữ rừng

Mấy chục năm về trước, những cánh rừng là mái nhà 'che bộ đội' và cũng là ma trận 'vây quân thù' giúp bộ đội ta kháng chiến thành công. Ngày nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập rộng hơn 25.600 ha không chỉ là lá phổi xanh cho toàn tỉnh mà còn là nơi che chở, nuôi lớn nhiều người con S'tiêng tại chỗ. Việc thành lập các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, chủ yếu là đồng bào S'tiêng ở xã Bù Gia Mập thời gian qua, trong đó có lực lượng cựu chiến binh tham gia, đã tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ những cánh rừng mãi xanh. Không chỉ vậy, nguồn thu từ hoạt động này còn góp phần giảm nghèo bền vững trên tuyến biên giới.

Rừng “nuôi” đồng bào S’tiêng

Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, từ nhỏ Điểu Sư (SN 1988) đã được thụ hưởng nhiều lộc rừng. Lớn lên từ những sản vật của rừng, Điểu Sư càng trân trọng và yêu quý rừng. Năm 2011, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh xin gia nhập vào tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Điểu Sư lý giải: Ngoài yêu mến muốn bảo vệ cánh rừng già của quê hương, việc tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng sẽ có một phần kinh phí giúp tôi hỗ trợ gia đình trang trải cuộc sống. Hiện mỗi quý, tôi cùng các thành viên trong tổ được nhận từ 5-6 triệu đồng. Số tiền này đã động viên, khích lệ góp phần giảm nghèo cũng như bảo vệ lá phổi xanh của huyện biên giới Bù Gia Mập.

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt tuần tra bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt tuần tra bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Bảo vệ rừng đồng nghĩa với việc phải đấu tranh với lâm tặc, đối diện với hiểm nguy, vất vả, nhưng tình yêu rừng và rừng cũng là nguồn sống đã tiếp thêm động lực để anh Điểu Sư vượt qua. Anh kể lại sự cố mình gặp phải: Đó là gần 12 giờ đêm một ngày giữa năm 2018, trong một lần tổ gồm 7 thành viên đi tuần, chúng tôi phát hiện có nhóm lâm tặc cắt cây phá rừng. Đấu tranh với lâm tặc, trong lúc đêm tối, không may tôi bị lâm tặc đâm trúng bụng phải đưa đi cấp cứu và điều trị gần 1 tháng.

Vết thương không ngăn nổi những bước chân dứt khoát của Điểu Sư trên những cánh rừng. Theo thời gian, anh càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm đi rừng, bảo vệ những cánh rừng cùng nhiều loài sản vật quý, chiến thắng những thủ đoạn tinh vi của lâm tặc.

Khi nhận thức được giá trị mà rừng mang lại cho cộng đồng, gia đình, các hộ dân trong thôn đều tham gia vào các tổ nhận khoán cộng đồng bảo vệ rừng. Nhờ đó, các thành viên trong tổ có thêm từ 5-6 triệu đồng mỗi quý, sau khi trừ chi phí ăn uống, đi lại, cũng đủ để gia đình xoay xở.

Nhà tôi không có vườn rẫy. Thay vì ở nhà chờ, lâu lâu mới được gọi đi làm thuê thời vụ với thu nhập bấp bênh, từ năm 2006, tôi đã chủ động tham gia Tổ nhận khoán bảo vệ rừng do ông Điểu Gắt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bù Gia Mập làm tổ trưởng, vừa có thu nhập vừa được làm một việc rất ý nghĩa là góp sức bảo vệ rừng. Chúng tôi luôn sẵn sàng đi dài ngày, ngủ đêm trong rừng.

Ông ĐIỂU LONG,
thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Lư

Cùng nhau giữ rừng

Nhờ rừng nuôi sống, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Bù Gia Mập càng ý thức trách nhiệm phải bảo vệ rừng hơn. Bởi thế, hằng tháng các tổ nhận khoán bảo vệ rừng phối hợp hạt kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra trên lâm phần vườn quốc gia, tuần tra dài ngày ở các khu vực có nguy cơ cao về khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng. Hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… đã giảm đáng kể. Kết quả này có được nhờ vào tinh thần đoàn kết, phối hợp đóng góp của cộng đồng nhận khoán, trong đó có không ít vai trò của những cựu chiến binh xã Bù Gia Mập, như ông Điểu Gắt, ông Điểu Vi Rút…

Ông Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Ông Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Ông Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, là cựu chiến binh, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở xã Bù Gia Mập. Nhiều lần đi rừng đối mặt với nguy hiểm nhưng ông không nao núng mà luôn tiên phong, gương mẫu tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Ông trở thành tấm gương, là trung tâm đoàn kết, tập hợp đồng bào DTTS tại chỗ tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, chúng tôi đã lồng ghép, tăng cường tuyên truyền về hoạt động bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng… trong các cuộc họp dân, sinh hoạt chi hội. Qua đó, ngày càng nhiều hộ dân, hội viên cựu chiến binh đăng ký tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện tổ chúng tôi đã có gần 70 hộ tham gia.

Ông ĐIỂU GẮT,
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bù Gia Mập, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Lư

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ

Thông thường mỗi tháng, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng quốc gia Bù Gia Mập ở xã Bù Gia Mập phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ca, chuẩn bị đầy đủ hành trang cho một chuyến đi rừng kéo dài 3-4 ngày, thậm chí nhiều ngày hơn. Song những ngày tết đến hay dịp lễ hội của đất nước, thời điểm mà lâm tặc thường lợi dụng sơ hở để cưa cây, săn bắt động vật quý hiếm từ rừng… chu kỳ bảo vệ rừng quốc gia cũng theo đó tăng tần suất với độ dài các ca trực kíp.

“Trong những đợt như vậy, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng đều bố trí, sắp xếp lực lượng dày hơn với cường độ làm việc cao hơn. Chúng tôi đồng loạt tăng lượng thành viên đi tuần tra từ 7-10 người/ca lên 15-16 người/ca trực. Thời gian trực cũng kéo dài từ 5-10 ngày tùy tình hình. Và chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng, kiểm lâm để bảo vệ rừng chặt chẽ, hiệu quả hơn” - ông Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt thông tin.

Ông Điểu Vi Rút quả quyết, cứ càng gần đến ngày tết, việc bảo vệ rừng càng được tăng cường, thắt chặt hơn từ truy quét các loại tội phạm phá rừng cho đến phòng, chống cháy rừng. Các ca được giao trực trong dịp tết vẫn vui vẻ đón tết giữa rừng. “Nhưng chúng tôi không để anh em thiếu hương vị ngày tết của dân tộc giữa rừng già. Các tổ nhận khoán bảo vệ rừng, bên cạnh được hỗ trợ 500 ngàn đồng mua bánh trái, đã trích quỹ bảo vệ rừng mua lương thực, thực phẩm, bánh chưng, bánh tét. Thậm chí các tổ còn mổ heo, tổ chức ăn tết trong rừng để các thành viên đón năm mới đầy đủ, sung túc, nhưng vẫn giữ tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”…

Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang quản lý hơn 25 ngàn ha rừng tự nhiên. Hiện nay, 100% diện tích rừng được giao cho 10 cộng đồng dân cư và 6 lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể đứng chân trên địa bàn nhận khoán bảo vệ. Rừng giao khoán đều được bảo vệ rất tốt, đồng thời góp phần ổn định thu nhập cho đại đa số đồng bào DTTS tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/129919/khi-nguoi-s-tieng-biet-giu-rung