Khi người ta nhẫn tâm trục lợi trên nỗi sợ hãi của đồng loại
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu 'hỗn mạc thủy ngư', nghĩa là 'đục nước bắt cá'. Thành ngữ Việt Nam có một câu tương tự: 'thừa đục nước thả câu'. Cả hai câu này đều có chung một ý nghĩa là: Lợi dụng tình thế bất lợi của đối phương mà đoạt lấy lợi ích về phía mình.
1. Trong những ngày qua, dịch virus corona diễn biến hết sức phức tạp. Khi các chuyên gia y tế đang theo dõi chủng virus mới để đưa ra những tư vấn xác đáng nhằm hỗ trợ các quốc gia và khu vực có người nhiễm bệnh thì hàng loạt các tin đồn xuất hiện làm nhiễu loạn thông tin.
Ngay tại Việt Nam, trong khi nhiều người dân đang chờ đợi hướng dẫn và cảnh báo từ cơ quan chuyên môn về diễn biến của dịch cúm Vũ Hán thì có vô số kẻ lợi dụng sự lo lắng của đông đảo người dân, đã dùng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, làm cộng đồng hoang mang về tin tức của dịch bệnh.
Hầu hết các đối tượng này đều tỏ ra "thạo tin", tung tin đồn rùng rợn, sai lệch về bệnh dịch nhằm tìm kiếm lượng người theo dõi khổng lồ. Từ đó phục vụ mục đích bán hàng online và các mục đích bất lương khác.
Từ Lạng Sơn tới Quảng Ninh, từ Hải Phòng tới Huế, từ Vũng Tàu tới Cần Thơ...liên tiếp các tin đồn thất thiệt. Các đối tượng tung tin đồn nhảm liên tục bị xử phạt. Nhưng dường như lợi ích từ tung tin đồn nhảm vẫn quá lớn khiến nhiều đối tượng vẫn sẵn sàng đánh vào trí tò mò và nỗi lo sợ của đám đông để thu lợi.
Lợi dụng nỗi sợ hãi của đám đông để thu lợi, không gì khác ngoài chuyện "thừa đục nước thả câu".
2. Sân bay - Một điểm nóng về đầu mối phát sinh dịch bệnh. Tại đây, một cặp khẩu trang được TASECO bán với giá 35 nghìn đồng - gấp hàng chục lần giá thông thường tại các hiệu thuốc trong nội thành. Khách chê đắt thì thôi, có quyền không mua. Từ chối mua tất nhiên đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đánh vào sự sợ hãi để bán hàng với giá cắt cổ, không gì khác ngoài chuyện "đục nước thả câu".
3. Rạng sáng qua, trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1 (giờ Hà Nội) ở Geneva, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
Sau bản tin này, trong ngày 31/1/2020, giá cả mặt hàng khẩu trang tại các tỉnh, thành phố tăng chóng mặt, thậm chí gấp 10, 20 lần giá ngày thường.
Nhiều hiệu thuốc đầu mối diễn ra cảnh mua tranh bán cướp từng hộp khẩu trang. Các hiệu thuốc nhỏ lẻ thì diễn ra tình trạng khan hàng khẩu trang và nước rửa tay sát trùng. Trong khi đó Bộ Y tế khẳng định có đủ nguồn cung cấp khẩu trang y tế.
Vậy thực tế nào dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế? Nhiều nhà thuốc nói thẳng là do đám con buôn lợi dụng thời điểm mặt hàng khẩu trang có nhu cầu lớn để găm hàng, tạo ra hiện tượng sốt hàng để tăng giá.
Trong khi nhiều nhà mạnh thường quân, các nhà thuốc giàu lòng nhân ái vẫn đang kêu gọi, phát khẩu trang miễn phí, giúp đỡ cộng đồng thì vẫn có những người cùng một màu da, tiếng nói lại có dã tâm kiếm lời trên nỗi đau và hoang mang của đồng bào mình.
Găm hàng đẩy giá khẩu trang trong thời điểm này thực sự là việc làm vô lương tâm. Lợi dụng sự sợ hãi của đồng loại để trục lợi, chỉ có thể dùng mấy chữ "đục nước béo cò" để nói về đám con buôn vô nhân tính.