Khi người ta xả giận trên mạng
Theo một khảo sát, trước đây trung bình mỗi năm có từ 9 tới 12 cuộc thi người đẹp, trong đó gồm 2 cuộc thi cấp quốc gia, 2 cuộc thi cấp quốc tế và 3 tới 5 cuộc thi hoa khôi hoặc đôi khi sẽ hơn một chút. Và riêng trong năm 2022 đã có 25 cuộc thi người đẹp được đăng ký xin phép cơ quan chức năng, nhưng sau đó 3 cuộc thi xin không tổ chức.
Phải chăng có một con số khổng lồ công chúng quan tâm sâu sắc tới các cuộc thi nhan sắc mà người ta tổ chức nhiều đến vậy?
Câu hỏi dường như đã được trả lời sau khi cô gái trẻ Đoàn Thiên Ân, đại diện Việt Nam không thể đi sâu hơn tại hành trình Miss Grand International 2022 (Hoa hậu Hòa bình quốc tế). Cư dân mạng người Việt ngay sau đó đã tràn vào các tài khoản mạng xã hội Instagram, Facebook của thành viên ban tổ chức cuộc thi để xả giận, mạt sát một vài cô gái từ nhiều quốc gia tham gia cuộc thi hoa hậu kể trên, kêu gọi nhau bỏ theo dõi trang mạng xã hội của họ.
Sau khi bị cộng đồng mạng Việt mắng mỏ, chê bai, Người đẹp Engfa Waraha, Miss Grand Thailand, Á hậu 1 cuộc thi nói trên đã phải lên tiếng theo phong cách “Hòa bình” trên trang Facebook cá nhân. Có lẽ cô đã dùng cách dịch thuật trên Google để chuyển ngữ rồi đăng tải lúc nửa đêm.
"Tôi không giận vì người Việt Nam nói xấu mình. Chế giễu tôi vì tiếng Anh. Xúc phạm tôi chỉ vì cô ấy không thích đánh giá kết quả của cuộc thi Miss Grand. Và tôi không dập khuôn rằng người Việt Nam không dễ thương. Bởi vì tôi có những người rất đáng yêu đối với tôi ở Việt Nam. Tôi không thể ngăn cản kiểm soát tâm trí và cảm xúc của mình. Tôi không ghét bạn và tôi sẽ không làm những gì bạn đã làm với tôi. Tôi đã đến Việt Nam một lần. Mọi người đều rất chào đón và tốt với tôi. Và tôi yêu họ và tôi yêu Việt Nam. Cảm ơn những người hâm mộ Việt Nam của tôi. Vẫn có những người yêu thương và ủng hộ tôi. Tôi yêu các bạn”.
Đây là trường hợp hiếm hoi người nước ngoài có động thái đối đáp công khai với cư dân mạng người Việt thiếu văn minh khi bị tấn công trên nền tảng mạng xã hội. Ông Nawat Itsaragrisil, chủ tịch công ty tổ chức sự kiện hoa hậu này tiếp tục có động thái đồng tình với ý kiến của một bài viết có nội dung “Việt Nam sẽ tự tổ chức Miss Grand International 2023 mà không có sự hỗ trợ nào, như cách trừng phạt dành cho người hâm mộ Việt Nam”.
Từ nhiều năm qua, hiện tượng người dùng mạng Việt tấn công các vị khách nước ngoài khá phổ biến, gây ra nhiều tranh cãi về tính văn minh trên môi trường Internet. Thậm chí người ta còn không thể nhớ đã có bao nhiêu vị trọng tài bóng đá trên thế giới phải vội vàng khóa cứng tài khoản mạng xã hội bởi bị người hâm mộ Việt “phủ đầu” bằng ngôn từ bậy bạ sau một số trận đấu với đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Đầu năm 2019, sau rất nhiều khó khăn, cầu thủ đội tuyển Việt Nam Đoàn Văn Hậu đã chính thức kí hợp đồng với CLB SC Heerenveen (Hà Lan), điều này khiến các cổ động viên Việt Nam vô cùng phấn khích. Tuy nhiên, ngoài những bình luận chúc mừng, thì cũng không thiếu những lời lẽ khiếm nhã. Bản hợp đồng được kỳ vọng rất nhiều ở vị trí hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu. Vượt qua vòng khám sức khỏe thành công, tuyển thủ người Việt Nam đã có bản hợp đồng giá trị 1 năm, kèm theo điều khoản được mua đứt với thời hạn 3 năm. SC Heerenveen đã phải trả cho CLB Hà Nội mức phí chuyển nhượng lên tới 1,5 triệu euro, cùng mức lương 22.000 euro cho Văn Hậu.
Sự kiện này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những người hâm mộ bóng đá trong nước. Chỉ trong 3 ngày từ khi biết tin cầu thủ Thái Bình sẽ gia nhập SC Heerenveen, trang fanpage của CLB Hà Lan này đã tăng lượt theo dõi một cách chóng mặt. Lượng theo dõi câu lạc bộ trước đó chỉ hơn 7 vạn người, sau 3 ngày con số tăng lên hơn gấp đôi ở con số 18 vạn. Lướt xem danh sách người theo dõi rất dễ dàng nhầm lẫn đây là một đội bóng của Việt Nam. Song hành với đó, các cổ động viên Việt Nam đã không tiếc thời gian tương tác sôi động trên đó thì cũng có nhiều bình luận khiếm nhã, phản cảm, chửi tục trên fanpage nước bạn khi cầu thủ này ngồi ghế dự bị thay vì được ra sân trong vài trận đấu. Đỉnh điểm, họ dùng biện pháp kỹ thuật chặn luôn người dùng Việt như cách tìm sự bình yên trước đó.
Một vị tỉ phú Mỹ nổi tiếng hiền lành, thường làm từ thiện qui mô lớn trên toàn cầu, đó là Bill Gates và ông cũng đã từng là nạn nhân của cộng đồng mạng Việt khi minh họa bài viết về tình trạng năng lượng tại Việt Nam bằng bức ảnh dây điện nhằng nhịt. Sau khi Bill Gates đăng tải bức ảnh kể trên, như thường lệ, một bộ phận người dùng Facebook đã vào trang cá nhân của vị tỉ phú để tỷ thí, chửi rủa, cãi vã và gọi nhau điểm danh như động thái không hài lòng với con số hơn 30 ngàn tương tác thiếu thiện chí. Một số người đã chỉ trích Bill Gates vì cho rằng hành động này là bêu xấu Việt Nam. Thật khó hiểu.
Với sự ra đời của điện thoại thông minh, mạng xã hội, cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện hơn, như có thể giao tiếp với nhau mà không bị giới hạn về thời gian và không gian, việc truyền tải thông tin cũng trở nên nhanh hơn và khoảng cách thông tin dần được thu hẹp. Chúng làm thay đổi hoàn toàn hành vi con người, trong đó có cả cách hành xử, đối thoại với nhau đôi khi quá nặng tính tiêu cực, thiếu tính nhân văn đang lan tràn trên mạng Internet.
Có thể nhìn nhận một vài ví dụ kể trên như là hành vi thiếu văn hóa, ai cũng có quyền phát ngôn, nhưng dù bức xúc, phản đối thời đại số cần thiết hơn cả là phải có trách nhiệm đúng mực, đúng lúc, đúng nơi. Mạng xã hội ngày nay là một phần không thể thiếu trong đời sống trên toàn thế giới không chỉ riêng Việt Nam. Sự tương tác qua một không gian ảo nhưng nó phản chiếu được hành động, ứng xử của người dùng nó, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thật. Những hành vi tấn công, chửi bới, nói tục trên môi trường mạng như trên có thể nói đang làm tổn hại nhiều đến hình ảnh người Việt Nam.