Khi người trẻ hiện đại hóa tuồng cổ bằng cách làm độc đáo
Môn nghệ thuật cổ bỗng gần gũi với giới trẻ qua thước phim tài liệu 'Đoạn trường vinh hoa' và vở tuồng 'Sơn Hậu' hơn 200 tuổi được 'trẻ hóa' bằng hiphop, nhạc điện tử...
Kết hợp các yếu tố nghệ thuật hiện đại với loại hình nghệ thuật truyền thống là một cách để thu hút sự chú ý của mọi người, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi vào những giá trị tưởng chừng đã phai nhạt.
Gần đây, khán giả được theo dõi "Đoạn trường vinh hoa" - bộ phim tài liệu nhưng đậm chất điện ảnh truyền tải câu chuyện sâu sắc về đam mê tuồng cổ và số phận con người.
Bên cạnh đó còn có “Sơn Hậu - Beyond the mountain” - một màn trình diễn kết hợp giữa nhạc điện tử và những động tác nhảy hip hop mạnh mẽ với trên nền tuồng cổ "Sơn Hậu" vốn ra đời từ cuối thế kỷ 18, ngay tại một sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội.
Kể đời nghệ sỹ tuồng bằng điện ảnh trực tiếp
Sử dụng lối làm phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, hai nhà làm phim trẻ Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn đã sống cùng Phương Ánh - một trong những đoàn tuồng cổ hiếm hoi còn lại ở khu vực miền Tây Nam Bộ suốt 18 tháng để ghi lại cuộc sống của họ, kết tinh thành bộ phim tài liệu dài 50 phút, thuộc khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt.
Tìm theo từ khóa “#doantruongvinhhoa” trên Facebook, có thể thấy, khán giả chia sẻ rất mạnh mẽ và nhiệt tình về bộ phim.
Bên cạnh sự khâm phục dành cho 2 người trẻ, trăn trở về lẽ sống của bản thân mình, các nhận xét xoay quanh chuyện đời của những gánh hát tuồng, niềm đam mê khó diễn tả hết thành lời của những nghệ sỹ tuồng.
Trailer của "Đoạn trường vinh hoa":
Điện ảnh trực tiếp là lối làm phim khai thác tối đa hiện thực, hạn chế tối đa sự can thiệp của đạo diễn. Ngược lại với phong cách làm phim tài liệu trước kia, tự những thước phim sẽ kể chuyện cho người xem, thay vì dùng hình ảnh để minh họa cho lời bình, theo định nghĩa trên blog của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhờ những thước phim chân thực tới trần trụi, nhưng vẫn đẹp từ màu sắc, bố cục tới thông điệp khiến người xem chìm trong suy tư của sự đối lập giữa những oai phong, lộng lẫy của các nhân vật tuồng trên sân khấu và cuộc sống mưu sinh chật vật của họ sau cánh gà.
Theo đuổi phương thức làm tài liệu điện ảnh trực tiếp, Cường chia sẻ rằng chính các nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm (“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”) hay Trần Phương Thảo và Swann Dubus (“Đi tìm Phong”)... là những “bậc thầy” mà Cường chịu ảnh hưởng, học tập theo khi làm “Đoạn trường vinh hoa.”
Nhưng, phim của Cường và Thanh dường như ghi điểm cộng khi có đầu tư vào xử lý màu sắc, âm thanh trong phim. Đây cũng là một yếu tố gây thú vị, mang đến cảm giác mãn nhãn với người xem.
Khi xử lý hậu kỳ, Thanh cho biết anh và Cường đã thống nhất chỉnh cho màu sắc trong phim thể hiện rõ rệt hai sắc thái của “vinh hoa” và của “đoạn trường” [ý nói những nỗi đau, khổ cực-pv]. Đối với những cảnh diễn xuất trên sân khấu, độ rực của màu được đẩy lên cao, tạo cảm giác ấm, phần nào hứng khởi, phấn khích và ngược lại những cảnh phía sau cánh gà (những cảnh quay phản ánh thời điểm khó khăn, cảnh trong bệnh viện lại có phần xỉn màu hơn, lạnh hơn...).
Cùng với đó, phông chữ được dùng trong bộ phim cũng chính là những con chữ trên những tờ phướn khi xưa của gánh hát. Không rõ ai đã sáng tạo ra, hai nhà làm phim đã quyết định số hóa bộ phông này để sử dụng đồng bộ cho cả phim lẫn các sản phẩm truyền thông sau đó.
“Phông chữ này mang tính thời đại rất cao, gợi sự xưa cũ và mang theo một câu chuyện, một đời sống riêng, quý giá như bất cứ thành viên nào trong bộ phim của bọn mình,” Thanh chia sẻ.
"Trẻ hóa" tuồng cổ bằng hip hop, nhạc điện tử
Cũng là sự kết hợp giữa hai người trẻ sinh năm 1990, “Sơn Hậu - Beyond The Mountain” là vở diễn lấy cảm hứng từ vở tuồng truyền thống cùng tên - “Sơn Hậu,” do Nguyễn Quốc Hoàng Anh (đạo diễn, nhạc sỹ trình diễn nhạc điện trong vở diễn) và Hà Nguyên Long (đạo diễn nghệ thuật).
Cùng với hai bạn trẻ là đoàn diễn viên tuồng kỳ cựu của khu vực miền Bắc gồm các nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Ánh Dương, Hồng Khiêm, Đặng Văn Thủy, nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn, diễn viên tuồng kỳ cựu Đặng Bá Tài... Đặc biệt là sự xuất hiện của hai vũ công hip hop Nguyễn Trung Hiếu, Đặng Quang Đông.
Trước đây, Hà Nguyên Long cùng nghệ sỹ Đặng Bá Tài đã có dự định mang vở “Sơn Hậu” đi biểu diễn tại Pháp. Do dịch COVID-19, kế hoạch phải tạm dừng. Khi gặp nhau, Long tham gia vào dự án "See the sound" của Hoàng Anh (một dự án phát triển tương lai của truyền thống), đưa "Sơn Hậu - Beyond the moutain" thành bước đầu tiên của dự án này.
Thay vì biểu diễn trong nhà hát với hệ thống âm thanh, đèn và không gian ổn định, “Sơn Hậu - Beyond the mountain” diễn ra ngay tại sân chơi cho trẻ em tại khu tập thể B2 ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Không gian dường như chật chội với những thiết bị âm thanh, đèn đóm, dây điện nhưng vở diễn gây thích thú và tò mò cho cư dân ngay từ những ngày ê-kíp tập luyện.
Có người mang máng nhận ra bóng dáng vở tuồng họ đã từng xem trước đây, có người lạ lẫm hoàn toàn với nội dung bởi thường bỏ qua mọi vở tuồng, chèo họ thấy khi chuyển kênh TV... Nhưng lần này thì khác, hầu như những cư dân đã đến đều ngồi lại tới cuối.
Cái giữ họ ở cái tới cuối buổi là sự sống động với diễn xuất đậm chất tuồng, xen giữa là 2 phần trình diễn hiphop lạ mắt, thú vị, gây tò mò trên nền âm thanh điện tử tô thêm sự kỳ bí song không kém phần mới mẻ. Những gì tưởng chừng nhàm chán, xa lạ, già cỗi, nay xuất hiện đầy ấn tượng ngay tại sân chơi trẻ con, tại khu chung cư nơi họ sinh sống.
Nghệ sỹ ưu tú Đặng Bá Tài (vai Khương Linh Tá trong “Sơn Hậu - Beyond the mountain”) cho biết: Vốn từ xưa, các vở tuồng đều diễn ra tại sân đình, bãi đất trống… chứ không có sự sắp đặt, dàn dựng phông, nền trên sân khấu. Yếu tố không gian và thời gian trong tuồng rất linh động, ở cảnh này, các nhân vật có thể đang bàn mưu trong thành, ở cảnh tiếp theo, các nhân vật có thể đang chạy trốn trong rừng, tất cả chỉ trong cùng một không gian biểu diễn ban đầu.
Dựa vào tính chất linh động đó, Hoàng Anh đưa vào vở diễn hai nhân vật đến từ tương lai, hai kiếp sau đến từ chiều không gian khác của các nhân vật trong vở diễn (thủ vai bởi hai vũ công hiphop). Chính họ là người mang đến những ngôn ngữ chuyển động mới từ hiphop trong vở diễn.
Đại diện ê-kip cho biết đây là yếu tố sáng tạo của đoàn với mong muốn nhắc nhở con người ở cuộc sống hiện đại về những vấn đề chưa bao giờ cũ: Chuyện phản nghịch, bất trung hay những giá trị tốt đẹp về tinh thần trung quân ái quốc, tình nghĩa con người sâu sắc.
Một trích đoạn vở diễn với vũ công nhảy hip hop:
Rõ ràng, bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong nghệ thuật, các nghệ sỹ đã đem đến cho công chúng cái nhìn mới mẻ về tuồng cổ, giúp công chúng trẻ tiếp cận môn nghệ thuật truyền thống một cách dễ dàng hơn.
Cả hai sản phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ, khiến tuồng đáng để chú ý, để trở lại trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại theo một cách tự nhiên nhất./.
"Đoạn trường vinh hoa" là một trong số các phim tài liệu độc lập được công chiếu ngoài rạp. Hiện nay, các suất chiếu tại cụm rạp của BHD đã tạm hết, đoàn phim thu về hơn 100 triệu đồng, tương ứng gần 2.000 vé bán ra. Đây là thành tích ấn tượng đối với phim tài liệu khi đưa vào thương mại.
Toàn bộ số tiền được ê-kíp gửi cho đàn tuồng Phương Ánh để giúp các nghệ sỹ trong đoàn trang trải cuộc sống.
"Sơn Hậu - Beyond the mountain" cũng đang được kỳ vọng sẽ tái diễn ở nhiều nơi. Ê-kíp cho biết họ đang sắp xếp để có thêm nhiều đêm diễn nữa, phục vụ nhu cầu của khán giả và mong muốn của chính những diễn viên trong đoàn.