Khi người trẻ kể chuyện dân gian bằng âm nhạc
Trong thời đại số hóa, khi các dòng nhạc hiện đại như rap, pop, EDM thống trị bảng xếp hạng, tưởng chừng những làn điệu dân ca sẽ bị lãng quên. Thế nhưng, một thế hệ nghệ sĩ trẻ đang lặng lẽ 'kể chuyện dân gian' bằng chính âm nhạc của mình, mới mẻ và đầy sáng tạo...
Ca sĩ Phương Mỹ Chi đang gây sốt trên mạng xã hội sau khi liên tiếp ghi dấu ấn tại Sing! Asia 2025 với những màn trình diễn dân ca đương đại đầy sáng tạo. Như “Lý Bắc Bộ” (mashup), “Rock hạt gạo” - kết hợp giữa âm hưởng dân gian và rock hiện đại. Đặc biệt là “Buôn trăng”, lấy cảm hứng từ thơ Hàn Mạc Tử (Đây thôn Vĩ Dạ), kết hợp múa Vovinam và trang phục truyền thống như áo tứ thân, nón quai thao nhận được rất nhiều lời khen từ khán giả. Hay “Bóng phù hoa” (DTAP sáng tác), cảm hứng từ truyện cổ “Người con gái Nam Xương”…

Phương Mỹ Chi chiến thắng ở tứ kết Sing! Asia 2025 với ca khúc “Bóng phù hoa“. Ảnh: NSCC
Đây không chỉ là thành tích cá nhân của nữ nghệ sĩ tại Sing! Asia mà còn là bước tiến đáng kể của dòng nhạc dân gian trên sân khấu lớn - nơi lâu nay vốn nghiêng về các thể loại âm nhạc hiện đại. Phương Mỹ Chi cho thấy âm nhạc truyền thống, nếu được thể hiện bằng cảm xúc chân thành và sáng tạo đúng cách, hoàn toàn có thể vượt qua biên giới, chinh phục khán giả quốc tế.
Sinh năm 2003 tại TPHCM, Phương Mỹ Chi nổi lên như một hiện tượng khi mới 10 tuổi với phần trình diễn ca khúc “Quê em mùa nước lũ” trong chương trình "Giọng hát Việt nhí". Cô bé nhỏ nhắn với giọng hát ngọt ngào, truyền cảm đã chạm tới trái tim của hàng triệu khán giả.
Kể từ đó đến nay, hành trình nghệ thuật của Phương Mỹ Chi không ngừng mở rộng. cô vẫn trung thành với dòng nhạc dân ca, cải lương - một lựa chọn không mấy dễ dàng trong bối cảnh thị trường âm nhạc bị chi phối bởi pop, EDM, Kpop hay nhạc thị trường. Đó là một minh chứng cho bản lĩnh và niềm đam mê bền bỉ của một nghệ sĩ trẻ luôn ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Phương Mỹ Chi không chạy theo trào lưu, mà chọn cho mình con đường riêng - lặng lẽ nhưng bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng thấm sâu. Những sản phẩm âm nhạc của cô, từ album, MV cho đến các sân khấu biểu diễn, đều cho thấy sự trau chuốt về mặt nghệ thuật, sự đầu tư về cảm xúc và tinh thần đổi mới để dân ca không bị “đóng khung”, mà sống động, gần gũi hơn với khán giả trẻ hôm nay.
Chính vì thế, những ca khúc dân ca qua giọng hát của cô tiếp cận được nhiều người trẻ. Trên nền tảng YouTube, Spotify, TikTok…, những ca khúc Phương Mỹ Chi thể hiện thu hút hàng triệu lượt xem - điều trước đây rất hiếm thấy với các thể loại âm nhạc truyền thống.
Không thể phủ nhận, trong kỷ nguyên số, việc đưa một sản phẩm âm nhạc dân gian đến gần với khán giả trẻ là một kỳ công, không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn cần sự hiểu biết về văn hóa, thị hiếu và công nghệ. Và đó là điều Phương Mỹ Chi đã và đang làm rất tốt.
Hơn cả một nghệ sĩ biểu diễn, “chị Bảy” đang thực sự làm vai trò của một "người kể chuyện dân gian" đương đại. Cô khiến khán giả trẻ vốn lớn lên giữa âm nhạc điện tử và video clip rực rỡ - phải dừng lại, chậm một nhịp để lắng nghe những giai điệu âm nhạc truyền thống, để nhận ra dân ca không hề lạc hậu, mà rất đẹp, rất gần gũi. Qua đó tình yêu quê hương, lòng biết ơn cha mẹ, và sự trân trọng truyền thống như được khơi dậy trong trái tim mỗi người.
Cùng với Phương Mỹ Chi, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng đang góp phần gìn giữ và sáng tạo trên nền tảng nghệ thuật truyền thống. Từ những bạn trẻ hát chèo trên mạng xã hội, các nhóm tái hiện cải lương qua minishow online, đến các dự án đưa quan họ, xẩm, hát ru vào gameshow, vlog, phim tài liệu… Họ cho thấy một tinh thần tiếp nối đầy chủ động và sáng tạo.
Việc các bạn trẻ lựa chọn truyền tải những làn điệu dân ca qua nền tảng số, kết hợp yếu tố hiện đại trong cách thể hiện, kỹ thuật dựng phim hay phối khí âm nhạc, là minh chứng cho việc âm nhạc truyền thống hoàn toàn có thể chinh phục công chúng, nhất là người trẻ, nếu người nghệ sĩ biết cách làm mới bằng ngôn ngữ của thời đại. Nhờ những người nghệ sĩ trẻ như Phương Mỹ Chi, dân ca, cải lương và những giá trị âm nhạc xưa cũ đang sống lại trong không gian mới - không phải bằng hoài niệm, mà bằng sáng tạo, tình yêu và trách nhiệm.
Nghệ thuật truyền thống đang trở thành nền tảng để thế hệ trẻ khẳng định bản sắc, phát triển cá tính nghệ thuật và kết nối với cội nguồn văn hóa dân tộc. Âm nhạc truyền thống giờ đây được tái hiện bằng lăng kính hiện đại, gần gũi với đời sống nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần nguyên bản. Qua đó, nghệ thuật truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.
Khi một ca khúc dân ca được chia sẻ hàng triệu lần, khi lớp trẻ ngồi hát Lý cây bông thay vì chỉ mê Kpop, đó là khi chúng ta thấy âm nhạc truyền thống không chỉ còn tồn tại, mà đang được tiếp nối bằng sức sống mới.