Khi người trẻ làm nông nghiệp

Hữu cơ, vi sinh và cơ giới hóa đang được xem là xu hướng của nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Phương pháp này khắc phục được những nhược điểm của lối canh tác cũ chi phí cao, kém hiệu quả. Hiện nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh đam mê làm kinh tế nông nghiệp đã sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng biệt dựa trên nền tảng kiến thức khoa học - kỹ thuật và thực tiễn lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ủ cá tạp làm phân vi sinh

Khu vườn 5 ha với địa thế bằng phẳng được anh Phạm Văn Quân (SN 1989) ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long trồng bơ xen sầu riêng musang king. Sau giai đoạn kiến thiết cơ bản, anh Quân tập trung vào chăm sóc dinh dưỡng để chuẩn bị cho giai đoạn kinh doanh, trong đó hữu cơ, vi sinh là hướng đi chủ đạo. Trong một lần lướt mạng xã hội, anh Quân tìm được một nhóm người trẻ yêu thích nông nghiệp theo hướng này nên tìm hiểu và làm theo mô hình ủ cá tạp tạo phân bón vi sinh.

Nhờ phân bón vi sinh nên những cây bơ tuy mới 3 năm của hộ anh Phạm Văn Quân đã cho trái sai

Nhờ phân bón vi sinh nên những cây bơ tuy mới 3 năm của hộ anh Phạm Văn Quân đã cho trái sai

Anh Quân cho biết: “Phương pháp tạo ra nguồn phân bón vi sinh rất đơn giản. Tôi đặt mua các loại cá tạp, cá hư tại chợ đầu mối về ủ với men vi sinh. Tùy theo nhu cầu, có thể ủ vào bể chứa, thùng phuy hay căng bạt chứa đều được. Sau 15-20 ngày, cá sẽ phân hủy thành phân bón với lượng đạm rất cao. Ban đầu, tôi áp dụng với con gà vì gà nuôi trong một chuồng lớn thì nguy cơ phát sinh nhiều bệnh, nếu khử trùng bằng thuốc hóa học sẽ không tốt cho sức khỏe của gà. Quá trình xịt sát khuẩn bằng phân vi sinh, tôi thấy chuồng và từng con gà đều sạch sẽ, không có bọ, mạt, gà có sức đề kháng tốt hơn. Sau đó, tôi chuyển sang áp dụng vào chăm sóc cây trồng. Tùy diện tích, tuổi đời của cây và tần suất bón mà có thể pha chế với liều lượng phù hợp để tưới cây. Cách làm này hạn chế được rất nhiều chi phí đầu vào, vì loại cá này rẻ, dễ mua. Trong khi nó lành tính, tạo cho đất nguồn dinh dưỡng dồi dào, tơi xốp”.

Anh Phạm Văn Quân (giữa) giới thiệu phương pháp ủ cá làm phân vi sinh tại rẫy của mình

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh vườn, anh Quân tâm đắc khoe những cây bơ tuy còn nhỏ nhưng lá xanh đậm, khỏe mạnh và đặc biệt là trái lúc lỉu, da căng bóng. Cùng sự chăm bón bằng phân vi sinh ủ từ cá tạp, những cây sầu riêng đủ dinh dưỡng cũng vươn lên xanh tốt, tràn đầy sức sống.

Phân vi sinh được tạo ra từ cá có độ thẩm thấu vào đất rất nhanh, không mất thời gian để hòa tan như phân hóa học, điều đó giúp cây hấp thụ được ngay. Hơn nữa, loại phân này không có dư lượng độc tố, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do vậy, từ khi ủ phân bằng cá đến nay, gia đình không dùng bất cứ loại phân hóa học nào.

Anh Phạm Văn Quân, xã Phước Tín, thị xã Phước Long

Lấy cỏ làm bạn, cơ giới làm phương tiện

Việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Anh Nguyễn Minh Hiếu vận hành máy phát cỏ đứng bằng bánh xích

Việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Anh Nguyễn Minh Hiếu vận hành máy phát cỏ đứng bằng bánh xích

Đến xã Phước Tân, huyện Phú Riềng thăm vườn sầu riêng của anh Nguyễn Minh Hiếu (trú phường Long Thủy, thị xã Phước Long), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì vườn xanh mát, sạch sẽ, thân thiện như lạc vào công viên. Hằng ngày, toàn bộ diện tích 5 ha chỉ cần 2-3 người chăm sóc. Công việc chủ yếu là xới đất, phát cỏ, rửa cây khi có sương muối, mưa trái mùa hoặc xịt dưỡng bông đậu trái và thu hoạch. Anh Hiếu cho biết: Việc chăm sóc vườn cây bằng cơ giới không chỉ giảm chi phí công lao động, năng suất làm việc vượt trội mà đặc biệt hạn chế được nhiều rủi ro về thời tiết. Cụ thể, chỉ riêng việc phát cỏ anh đã sắm tới 3 máy với nhiều tính năng khác nhau. Máy phát cỏ bánh xích đứng chuyên phát ở những địa hình dốc, tốc độ nhanh. Máy được sử dụng bằng động cơ dầu nên tiết kiệm khá nhiều nhiên liệu. Ngoài ra, khi cắt cành, máy có thể cắt vụn, nát cành làm phân, thay vì phải thu gom, đốt như truyền thống. Đối với máy cắt cỏ thấp cũng bằng bánh xích. Máy này phù hợp với địa thế bằng phẳng, phát cỏ trong các góc hẹp, nhất là các gốc cây mà máy lớn không tiếp cận được. Ngoài ra, máy còn có thể điều chỉnh được việc cắt cỏ ở tầm cao, trung bình hay sát mặt đất. Riêng máy phát công suất lớn, được sử dụng đa số ở khoảng trống giữa 2 hàng cây. Máy vận hành tốc độ cao, phát được nhiều loại cỏ hỗn hợp và thường sử dụng nhiều nhất vào mùa mưa.

Việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Anh Nguyễn Minh Hiếu vận hành máy phát cỏ ngồi bằng bánh xích có nhiều tác dụng trong góc hẹp, gốc cây

Ngày xưa, nông dân coi cỏ như kẻ thù, việc xử lý cỏ dại gặp nhiều khó khăn, nhất là địa hình đồi dốc. Tuy nhiên ngày nay, với việc cơ giới hóa sản xuất thì cỏ lại rất đáng quý. Giờ cỏ trong vườn đối với tôi như người bạn. Cỏ giữ độ ẩm, chống rửa trôi, xói mòn đất. Những chỗ nào đất chưa tốt, mình lấy cỏ làm phân hữu cơ rất có giá trị.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, phường Long Thủy, thị xã Phước Long

Anh Hiếu cho rằng, sầu riêng là loại cây khó tính, rất nhạy cảm với thời tiết, khí hậu. Trong đó, rủi ro nhiều nhất là thời điểm cây đang ra bông, đậu trái gặp những trận mưa trái mùa nhiều axít hay khi có sương muối đột xuất. Trong những trường hợp như vậy, nhà nông chỉ có một khoảng thời gian “vàng” để xử lý. Việc phun thuốc bằng tay sẽ không thể khắc phục, đặc biệt với những cây cao, tán rộng. Do vậy, sử dụng xe phun là lựa chọn hợp lý. Anh Hiếu đang sử dụng 1 xe phun công suất lớn, khối lượng chứa đến 2.000 lít với hệ thống dây, vòi rất linh hoạt. Máy có khả năng phun được ở tầm cao hơn 10m. Trong điều kiện vườn được thiết kế thẳng hàng, lối, xe phát huy được công năng, hiệu quả cao.

Để có được các mô hình sản xuất nông nghiệp như anh Hiếu, anh Quân, đòi hỏi người nông dân không chỉ có kiến thức khoa học - kỹ thuật, niềm đam mê mà phải có mục tiêu sản xuất rõ ràng. Riêng mô hình của anh Hiếu cần phải có nguồn vốn để đầu tư. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút các nguồn vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ những mô hình có tính khả thi cao. Chúng tôi đã và đang áp dụng phương pháp tuyên truyền theo hướng nhà nông trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhà nông. Không chỉ là tổ chức các chuyến đi tham quan, chúng tôi còn tổ chức hội thảo, phân tích cụ thể các mô hình hay để nông dân tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/73/134621/khi-nguoi-tre-lam-nong-nghiep