Khi người trẻ mê sử
Vấn đề tồn tại rất lớn của các trang, các nhóm viết về lịch sử Việt Nam hiện nay chính là nó đang được điều hành bởi những người có tình yêu với sử nhưng lại không tiếp cận lịch sử ở tâm thế nghiên cứu khoa học, mà thay vào đó là tâm thế của những kẻ sưu tầm và kể chuyện...
Hãy thử tìm kiếm cái tên "Việt sử kiêu hùng" trên facebook, bạn sẽ được dẫn đến một trang (page) có khoảng 80 ngàn người theo dõi và ưa thích. Và nếu xem qua các nội dung trong đó, bạn sẽ thấy nó có lượt ưa thích (likes) và bình luận không hề nhỏ. Tối thiểu mỗi một đăng tải cũng có khoảng 1000 lượt likes và rất nhiều lượt chia sẻ.
Trong "Việt sử kiêu hùng", nội dung gần nhất nói về Lý Thường Kiệt và được thể hiện bằng video khá đẹp. Có thể nói, đó là một cách làm giúp người xem có một trực quan sinh động hơn với câu chuyện sử. Với một phương tiện dễ gần như thế, câu chuyện sử sẽ dễ thấm vào trí nhớ người đọc hơn.
"Việt sử kiêu hùng" chỉ là một trong khá nhiều các nhóm (group), trang (page) trên facebook dùng lịch sử Việt Nam làm chủ đề. Mỗi nhóm, mỗi trang có một cách thể hiện khác nhau, song điểm chung là sự hấp dẫn của chúng qua phương tiện thể hiện đã giúp lôi kéo rất nhiều người trẻ tìm đến với lịch sử Việt Nam. Ở vào giai đoạn mà chúng ta cảm thấy âu lo về chuyện học sinh chán môn sử, những tín hiệu ấy từ mạng xã hội hẳn sẽ mang lại những lạc quan đáng kể.
Song, vấn đề tồn tại rất lớn của các trang, các nhóm viết về lịch sử Việt Nam hiện nay chính là nó đang được điều hành bởi những người có tình yêu với sử nhưng lại không tiếp cận lịch sử ở tâm thế nghiên cứu khoa học, mà thay vào đó là tâm thế của những kẻ sưu tầm và kể chuyện.
Điều đó lại dẫn tới một nguy cơ tiềm ẩn rất lớn là các dữ kiện lịch sử sai lệch được đưa ra, và được cổ vũ bởi một số đông. Số đông ấy vốn dĩ như một tờ giấy trắng trước lịch sử Việt Nam. Và khi họ trở thành tín đồ của một nhóm hay trang viết về lịch sử nào đó, họ sẽ tin vào dữ liệu mà trang hay nhóm đó đưa ra, kể cả là dữ liệu sai.
Điều này đã và đang tạo ra những tranh cãi rất lớn trong cộng đồng những người yêu sử. Và song song với những trang, nhóm viết về lịch sử của giới trẻ, đã bắt đầu có những trang mang tính "bắt lỗi", mà điển hình là trang "Phòng chống nạn xào nấu sử".
Gần như mỗi khi có một bài nào mới viết, một nội dung video nào mới được làm của các trang, nhóm khác mà có vấn đề về dữ kiện, lập tức "Phòng chống nạn xào nấu sử" sẽ có bài mổ xẻ thẳng thắn, mà gần đây nhất là bài mổ xẻ bài viết về Nguyễn Du của trang "Sử Talk".
Được biết, nhóm điều hành (admin) của "Phòng chống nạn xào nấu sử" là những người có học thức, có trình độ chuyên môn về lịch sử đúng theo tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học. Thậm chí, họ còn rất giỏi về Hán - Nôm và do đó, mỗi trang, nhóm bị họ mổ xẻ đều cảm thấy ngại. Phản ứng lại, có những trang, nhóm khá cầu thị nhưng cũng có trang, nhóm huy động "cổ động viên" của mình tạo ra một màn đấu đá ra trò trên mạng.
Trong những đấu đá trên mạng giữa những người trẻ mê lịch sử, thậm chí còn có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Điển hình, một KOL (nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội) chuyên viết về sử trẻ tuổi từng bị bóc mẽ là hay sao chép từ tài liệu của người khác, sao chép thậm chí từ cả wikipedia để đưa vào bài viết của mình. Và khi nhân vật KOL ấy chối cãi, chính anh ta đã bị những đối thủ của mình gài bẫy bằng việc chỉnh sửa nội dung trên wikipedia ở đúng hạng mục đang được quan tâm. Và khi KOL kia hồn nhiên chép nguyên một đoạn từ wikipedia để đưa vào bài viết của mình với lời văn bóng bẩy, anh ta đã bị nhóm đối thủ vạch trần lỗi "sử dụng dữ kiện lịch sử cẩu thả".
Tất cả những câu chuyện ấy cho chúng ta thấy, thực chất lịch sử vẫn có sức mê hoặc rất lớn với người trẻ nếu như phương pháp tiếp cận (ngôn ngữ, hình thức thể hiện…) thực sự gần gũi với họ, đáp ứng đúng mong muốn của họ.
Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, những người có uy tín, có chuyên môn, có kiến thức và dữ liệu lịch sử dường như không khơi đúng mạch nguồn ấy. Trong khi đó, giới trẻ lao vào lịch sử một cách quá hồn nhiên mà quên mất rằng, lịch sử vẫn là một môn khoa học chứ không phải chỉ là những câu chuyện kiểu dã sử.
Chính việc không có những chuẩn mực đúng theo khẩu vị của mình định hướng cho mình, người trẻ mới bị rơi vào thế lệch lạc về sử, mà điển hình là dự án game Sử hộ vương ồn ào gần đây với những tạo hình nhân vật thực sự không ai hiểu nổi.
Văn Đoàn
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khi-nguoi-tre-me-su-557309/