Khi người trẻ thích xỏ khuyên

Xỏ khuyên lên các bộ phận trên cơ thể là một xu hướng làm đẹp mới đang thu hút không ít người trẻ.

Một khách hàng đang được xỏ khuyên mũi

Một khách hàng đang được xỏ khuyên mũi

Tự tin hơn

Năm 2019, chị Hồ Thị Lan Anh (20 tuổi) ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) bắt đầu học và làm nghề xỏ khuyên cơ thể. Chị cho biết xỏ khuyên còn gọi là piercing, có nguồn gốc lâu đời trên thế giới. Ở mỗi nền văn hóa, việc xỏ khuyên mang một ý nghĩa khác nhau.

Xỏ khuyên là châm kim vào vùng da hoặc sụn trong cơ thể để mở lỗ và gắn vào đó trang sức làm từ thép không gỉ, bạc hoặc các chất liệu khác. Khi du nhập về Việt Nam, xỏ khuyên dần trở thành một hình thức làm đẹp được nhiều người trẻ hưởng ứng, coi đây là một cách thể hiện cá tính. Các vị trí được giới trẻ lựa chọn để xỏ khuyên khá đa dạng như tai, lông mày, môi, mũi, rốn, sau gáy, thậm chí cả xương quai xanh, ngón tay, lưỡi, ngực...

Tại cơ sở phun xăm thẩm mỹ, xăm hình và xỏ khuyên Nga Tín trên đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương), chị Nguyễn Thị Thúy Nga (26 tuổi), chủ cơ sở đang tư vấn cho một học sinh mặc áo đồng phục đến mua khuyên xỏ mũi. Theo chị Nga, người đến tư vấn và xỏ khuyên ngày càng đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp. Chị Nga học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội 5 năm (2012-2017). Thích xăm nghệ thuật và xỏ khuyên cơ thể, năm 2013 chị đã học nghề này. Sau khi tốt nghiệp, chị về Hải Dương mở cửa hàng.

Xỏ chiếc khuyên rốn cách đây 2 năm, đến nay chị Nguyễn Thị H. (26 tuổi) ở xã Lê Lợi (Chí Linh) đã có 7 lỗ đeo khuyên ở rốn và tai. Chị H. chia sẻ: "Sau khi xỏ khuyên, bạn bè ai cũng khen đẹp nên tôi xỏ thêm khuyên ở vành tai, hơi đau thời gian đầu nhưng trông rất cá tính".

Cũng như chị H., chị Ngô Thị Diệu L. ở huyện Nam Sách cho biết: "Thấy nhiều bạn bè xỏ khuyên nên năm ngoái tôi cũng làm theo. Năm nay xỏ thêm ở vành tai, tôi thấy xỏ khuyên tự tin hơn vì mình đẹp hơn nhiều".

Má cũng trở thành nơi được nhiều người lựa chọn để xỏ khuyên

Má cũng trở thành nơi được nhiều người lựa chọn để xỏ khuyên

Tránh làm đẹp trở thành... làm xấu

Các bước xỏ khuyên khá nhanh và đơn giản. Người thợ chỉ cần chấm định hình lỗ xỏ trên vùng da của khách hàng, dùng panh kẹp kéo phần da định xỏ khuyên ra để giữ cố định, cắm kim chuyên dụng vuông góc với mặt da để xỏ kim qua phần da đó. Cuối cùng là luồn khuyên vào thay thế kim y tế. Toàn bộ các công đoạn này chỉ mất vài giây. Trước khi thực hiện người thợ phải đeo găng tay và tiệt trùng tất cả các dụng cụ như panh kẹp, kéo, kim y tế, khuyên bằng cồn. Thợ xỏ dùng kim chuyên dụng bằng kim loại hoặc nhựa để xỏ cho khách. "Bí quyết là chọn kim có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn khuyên để lỗ xỏ vừa khít với khuyên, như vậy khách sẽ không đau và chảy máu", chị Nga nói.

Thời gian các lỗ xỏ khuyên khô miệng từ 2-4 tuần, khi lành hoàn toàn thành sẹo có thể mất đến vài tháng hoặc 1 năm. Tùy cơ địa người xỏ khuyên mà lỗ xỏ có thể mưng mủ, chảy nước trong thời gian đầu nếu không được vệ sinh cẩn thận. Chị Lan Anh cho rằng sau khi xỏ khuyên, khách hàng cần kiêng ăn gạo nếp, rau muống trong một thời gian ngắn để vết xỏ không lồi sẹo.

Hiện nay, dịch vụ xỏ khuyên cơ thể có giá từ 150.000-250.000 đồng/lần với khuyên bằng thép không gỉ, 200.000-450.000 đồng/lần với khuyên bằng bạc. Cơ sở của chị Nga xỏ khuyên cho từ 20-30 người/tháng, chị Lan Anh thực hiện dịch vụ này cho từ 10-20 người/tháng. Cơ sở của chị Diệu Linh mới mở 2 tuần nay đã có hơn chục khách hàng đến xỏ khuyên, chủ yếu từ 15-30 tuổi. Lượng khách đến xỏ khuyên tăng cao vào mùa hè so với các thời điểm khác trong năm, chủ yếu là nữ xỏ khuyên rốn để mặc các loại áo tắm, trang phục đi biển.

Giá cả phải chăng, thể hiện "chất chơi", sự sành điệu, nhưng dịch vụ này có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ và sức khỏe. Bác sĩ chuyên khoaI Hoàng Thị Lan, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương cho biết việc xỏ lỗ xuyên qua da ở vị trí nào cũng có nguy cơ đối với sức khỏe do phải dùng dị vật sắc nhọn đâm vào da, phá hủy lá chắn bảo vệ cơ thể. Người xỏ khuyên có thể phải đối diện nhiều nguy cơ như mang sẹo lồi, nhiễm trùng da, dị ứng... Một trong những vị trí xỏ khuyên có nguy cơ cao là ở vùng lưỡi do phần này gồm nhiều mao mạch, thường xuyên ăn uống nên dễ nhiễm trùng, dị ứng kim loại làm lưỡi sưng, đau, ảnh hưởng đến giọng nói, thương tổn các dây thần kinh lưỡi. Nguy cơ lớn hơn cho người xỏ khuyên là nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng máu do người thực hiện không tiệt trùng dụng cụ, cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Dù chưa tiếp xúc với trường hợp nào bị biến chứng nặng nhưng bác sĩ Lan đã tư vấn cho nhiều khách hàng bị sẹo lồi do xỏ khuyên qua vành tai. "Một số bệnh nhân có cơ địa đặc thù, việc xỏ khuyên ở vùng cơ thể nào cũng có thể tạo thành sẹo lồi. Chế độ ăn uống chỉ hỗ trợ chứ không thay đổi nguy cơ tạo sẹo lồi, vì vậy trước khi quyết định xỏ khuyên cơ thể, khách hàng cần trang bị kiến thức cho mình, tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện để tránh làm đẹp lại trở thành... làm xấu hoặc nguy hại đến sức khỏe", bác sĩ Lan chia sẻ.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/khi-nguoi-tre-thich-xo-khuyen-151877