Khi nguồn giống tới tay nông dân

Hỗ trợ người nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên của Di Linh bởi huyện có rất đông bà con người dân tộc thiểu số bản địa sinh sống. Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ cây trồng đến được tận vườn cho bà con, Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức giám sát 'Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trực tiếp và trợ giá cây trồng' theo các quyết định của tỉnh.

Hỗ trợ nông dân tái canh cà phê. Ảnh: D.Quỳnh

Hỗ trợ nông dân tái canh cà phê. Ảnh: D.Quỳnh

Ông K’Brèm, Trưởng thôn KLong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh cho biết, huyện hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc tái canh cà phê. Với mỗi sào tái canh theo kiểu trồng mới, bà con được hỗ trợ 2 triệu đồng để trục gốc cà phê. Giống cà phê cũng được hỗ trợ, bà con chủ động tìm vườn giống đạt chuẩn, đến tận nơi xem xét hiệu quả sau đó đặt hàng, tiền giống cà phê được hỗ trợ khá nhiều. Vì vậy, thôn KLong Trao 1 nhiều nhà đã lục tục chặt bỏ, trục bỏ những gốc cà phê cũ năng suất thấp, thay bằng giống cà phê mới cho năng suất cao hơn nhiều. Không chỉ hỗ trợ giống cà phê, nhiều gia đình còn được hỗ trợ giống bơ booth, bơ 034 để trồng xen vào vườn, tăng thu nhập cho người nông dân.

Qua giám sát thực tế, ông Trương Văn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá, huyện Di Linh đã thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ đầu tư trực tiếp và trợ giá giống cây trồng trên địa bàn huyện. Di Linh xác định, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng và định hướng quy hoạch nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, có tác dụng vừa tạo cây che bóng cho vườn cây, vừa phát triển sản xuất theo hướng bền vững của các nông hộ. UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo sát sao, từ khâu thông báo đối tượng thụ hưởng, lựa chọn nhà cung cấp cây giống cho tới việc kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện. Bà con được thông tin rộng rãi, nắm được định mức hỗ trợ, giá tối đa và các hạng mục cây trồng được phép đầu tư trên địa bàn để chọn lựa cho gia đình. Các hộ được nhận hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã khu vực II, hộ là người dân tộc ít người và một số hộ khó khăn khác.

Cụ thể, Di Linh đã hỗ trợ đầu tư trực tiếp bằng tiền mặt cho 1.736 hộ/6.977 khẩu, với tổng số tiền là 558.160.000 đồng.

Chương trình trợ giá giống cây trồng với tổng kinh phí thực hiện 199.940.000 đồng đã hỗ trợ 3.236 cây giống bơ ghép (loại bơ Booth 7); 1.345 cây mắc ca ghép cho các hộ nghèo theo quy định.

Số kinh phí và cây giống trên đã được bà con đầu tư trực tiếp vào vườn cũng như xuống giống, mang lại hy vọng khi cây ra trái, tăng thu nhập cho các gia đình.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng đánh giá nhiều điều Di Linh cần tiếp tục cải thiện để chương trình trợ giá giống cây trồng ngày càng hiệu quả. Đó là cần hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tốt hơn, tránh để tình trạng cây trồng xen bị chết và kém phát triển. Nhiều nông hộ trồng bơ, do kỹ thuật chưa rành nên để cây chết khá nhiều, lãng phí cây giống và công chăm sóc. Cần xây dựng mô hình điểm ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con tự xem xét, tự thay đổi từ chính thực tế, không đầu tư quá dàn trải dẫn đến hiệu quả chưa cao. Khi cấp cây giống cần lắng nghe nhu cầu của bà con để điều chỉnh thích hợp, tránh tình trạng nhu cầu của bà con trồng giống này, Nhà nước lại cấp giống cây khác.

Đoàn giám sát cũng nhận xét, kinh phí đầu tư trực tiếp khá nhiều bà con dành cho sinh hoạt gia đình mà chưa đầu tư thực sự vào vườn ruộng. Vì vậy, đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp cần tích hợp với các chính sách khác hiện đang có hiệu lực trên địa bàn thành một chính sách lớn để hỗ trợ cao hơn, tập trung hơn cho hộ nghèo, nhằm đáp ứng được nhu cầu về đời sống, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Điều Di Linh thực hiện tốt chính là sự minh bạch trong hỗ trợ, bà con đều nắm được thông tin một cách rõ ràng, đồng thuận cao. Và phát huy tính minh bạch, tiếp tục cải thiện hiệu quả hỗ trợ, chương trình sẽ giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Di Linh có thêm thu nhập từ vườn nhà.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/khi-nguon-giong-toi-tay-nong-dan-2974412/