Khi nhà văn 'bẻ lái' vẽ tranh mèo

Cầm bút vẽ, nhất là vẽ mèo, quả thực tôi thấy, chơi với màu vô cùng thú vị. Màu sắc và sự tưởng tượng của nhà văn đã dẫn dụ tôi vào một sự ảo tưởng cuồng vĩ.

Một chiều hè năm 2018, ông xã điêu khắc gia của tôi đi bơi sông về, vội vã tìm một cái hộp giấy rồi nhẹ nhàng mở chiếc lá khoai môn khum khum tựa cái mũ điệu đà ra khoe. Ôi, một con mèo bé tẹo tèo teo, chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái, chưa mở mắt, đen thủi đen thui. Tôi liền đi lấy một lọ thuốc nhỏ mắt, pha sữa đặc Ông Thọ, rồi cạy miệng con mèo, nhỏ sữa vào. Ấy thế mà nó sống, lớn lên từng ngày. Hóa ra nó không đen thủi đen thui mà có cái sọc trắng ở giữa mặt. Ngực nó màu trắng và hai chân trước cũng trắng. Khi đói, nó quấn chặt lấy chân tôi gào lên đòi ăn như đứa trẻ. Nếu tôi lờ đi là lập tức nó sẽ cắn nhẹ vào chân.

Khi nhà văn “bẻ lái” vẽ tranh mèo

Khi nhà văn “bẻ lái” vẽ tranh mèo

Trước khi vào câu chuyện vẽ tranh mèo, tôi muốn lý giải vì sao là nhà văn mà bất chợt “bẻ lái” cầm cọ. Tôi vốn là một đứa trẻ “tăng động”, một thanh niên “tăng động”, một trung niên “tăng động” và giờ đương nhiên là một bà già “tăng động”. Khi tôi nghỉ hưu, ông xã điêu khắc gia mua toan màu và bút vẽ, đặt trước mặt tôi rồi bảo: “Vẽ đi”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhưng hiểu ý của chồng là muốn tạo cho tôi công ăn việc làm để tiêu pha thời gian hiu hắt dài vô tận.

Tôi là nhà văn viết theo mùa. Tôi thường viết vào tiết cuối xuân hoặc đầu hè. Việc viết báo thì đương nhiên, đăng ký đề tài xong phải triển ngay. Sau khi viết xong một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết, đầu óc tôi trống rỗng. Khi đó, tôi sẽ nhảy múa hát ca, trồng cây trồng hoa, chơi với chó mèo… hoặc cà khịa với chồng con. Những người thân bên cạnh tôi thường bị vạ lây bởi cái sự trống rỗng đó.

Thì tôi vẽ, lá lá hoa hoa, cũng có vẻ thuận tay. Cái thời học Tổng hợp Sinh, khi đi thực địa, chúng tôi phải vẽ tả thực một loài thực vật nào đó, lá cành rễ… Chơi với màu rất thích. Tôi có thể ngồi từ 3 đến 5 giờ để chấm chấm từng chấm mầu li ti. Xong rồi đứng lên ngắm bức tranh vừa vẽ xong, thở dài, bởi nhìn tác phẩm hoa lá của mình chẳng ra hình thù gì cả. Chán chơi với màu, tôi nằm võng đung đưa đọc sách. Con mèo đốm trắng không nhảy lên võng đòi nằm cùng như mọi khi, nó ngồi trên chiếc ghế dài bên cạnh. Mặt nó rất buồn. Rồi nó co mình lăn đi lăn lại. Cái mặt nó vẫn buồn. Tôi ôm nó đi bác sĩ, mới biết nó bị đau bụng. Hôm đó, tôi ở bên nó rất lâu. Tôi cầm cọ vẽ nó. Đó là bức tranh mèo đầu tiên, tháng 8/2018.

Thực ra tôi yêu mèo. Tôi đã viết về mèo trong tác phẩm Cẩm Cù:

“… Và cái nơi nó thích ngồi nhất là cái bờ tường ngăn cách hai nhà. Nó nằm im lìm, lim dim đôi mắt.

Nó là kẻ thù của hai nhà hàng xóm. Nhưng ngày đó người ta còn nể nhau lắm nên không vì con chó, con mèo mà chửi nhau được. Nhưng con mèo này nó đã làm cho tôi không bao giờ dám ăn thịt bò đặc biệt nữa.

Cái món thịt bò đặc biệt khi mẹ mang lên mâm là nó đã chín, nóng và thơm phưng phức mùi tỏi, mùi hành. Chưa bao giờ tôi được chiêm ngưỡng khi nó còn tươi. Một hôm khi mẹ con tôi đang đổ cám cho lợn thì thấy con mèo lim dim phơi nắng ở bức tường ngăn. Rồi, phốc, thấy nó nhảy sang sân nhà bên phải. Phốc, thấy nó nhảy lên tường, miệng công miếng thịt to tướng đỏ lòm với cái dây trăng trắng. Phốc, nó nhảy xuống sân, đến cạnh chỗ mẹ con tôi ngồi và nhả miếng thịt ra. Tôi đã nhìn thấy một miếng thịt rất lạ: To như cái lá chang có màng trắng bao quanh, cái cuống to như cuống lá sen…”.

Con mèo đen trắng vô tình đến với gia đình tôi buổi chiều hè năm ấy được tôi đặt tên là Bờm. Bờm nghịch ngợm và có vẻ rất hạnh phúc. Hai màu trắng và đen của Bờm đẹp đến lạ, đen nhánh và trắng muốt. Tôi luôn bắt được các tư thế “mẫu chuyên nghiệp” của Bờm và lập tức cầm cọ. Tôi dựng hình khá nhanh nhưng đi vào chi tiết thì dường như bất lực. Thường thì định thế này, lại ra thế khác. Tẩy tẩy xóa xóa, màu chồng màu. Ông chồng điêu khắc gia mang cái đầu tượng bảo tôi nên học cơ bản. Tôi không chịu và cứ một mực làm theo ý mình. Hệt như cái lúc tôi đến với văn chương khi đang là giảng viên trường Y. Tôi cứ viết. Con chữ ào ra thì tôi viết, không hình dung nổi thế nào là “tứ” là “cốt”. Sau này khi học Viết văn Nguyễn Du, tôi mới sáng tỏ nhiều điều.

Cầm bút vẽ, nhất là vẽ mèo, màu sắc và sự tưởng tượng của nhà văn đã dẫn dụ tôi vào một sự ảo tưởng cuồng vĩ.

Cầm bút vẽ, nhất là vẽ mèo, màu sắc và sự tưởng tượng của nhà văn đã dẫn dụ tôi vào một sự ảo tưởng cuồng vĩ.

Tại sao tôi không muốn học vẽ bài bản? Đơn giản vì tôi thích sáng tác theo cảm xúc. Tôi chỉ muốn nghịch với màu, trong sáng như một đứa trẻ. Vì yêu mèo, tôi cũng vẽ tự nhiên như vậy.

Những năm gần đây, nhiều họa sĩ chuyển sang viết văn như họa sĩ Đỗ Phấn, họa sĩ Lê Thanh Minh… Các anh ấy là họa sĩ nổi tiếng và khi chuyển sang viết văn cũng rất chuyên nghiệp. Cũng nhiều nhà văn, nhà thơ chuyển sang hội họa. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có một triển lãm hoành tráng, những bức tranh khổ to với biết bao triết lý nhân sinh, màu và sự vờn màu vô cùng chuyên nghiệp. Nhà văn Trần Thị Trường cũng đã mở 2 triển lãm cá nhân. Tranh của chị được công chúng đón nhận. Nhà văn Nguyễn Đình Chính cũng từng mở vài triển lãm cá nhân… Còn những nhà văn, nhà thơ chỉ vẽ để thỏa mãn niềm yêu của mình về điều gì đó thì lên đến con số vài chục. Cầm bút vẽ, nhất là vẽ mèo, quả thực tôi thấy, chơi với màu vô cùng thú vị. Màu sắc và sự tưởng tượng của nhà văn đã dẫn dụ tôi vào một sự ảo tưởng cuồng vĩ. Và khi vẽ xong rồi, lý trí quay trở lại, vẫn chưa rõ đâu là hồn cốt. Việc cầm cọ có lẽ là do cảm xúc bất chợt chép lại những tâm trạng của loài thú cưng có thính giác đặc biệt này.

Y Ban

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-nha-van-be-lai-ve-tranh-meo-a589375.html