Khi nhà văn làm thơ

Khi một nhà văn làm thơ, thơ của họ thường hòa quyện chất trữ tình và tự sự. Khi một nhà tiểu thuyết lịch sử viết thơ, dòng chảy lịch sử, văn hóa sẽ lấp lánh, nhân văn trong những ngôn từ thi ca đẹp đẽ... Tôi đã thầm nhận xét có vẻ võ đoán như vậy khi đọc thơ của nhà văn quân đội, Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Hãy nghe anh viết về nơi anh làm việc, ngôi nhà thứ hai đặc biệt của mình:

Hương cây thơm vừa trăm năm
Thơm vào chiến trường khói lửa
Mái vòm tinh sương sóc nhỏ
Nâu tròn mắt biếc hạt na

Nhớ người đi vào mây trắng
Trang văn nao nức lửa đèn
Nhớ người từng đêm lạnh vắng
Sông Hồng như lửa đang nhen

(Nhà số 4)

Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Chắc nhiều người yêu văn chương như tôi, ngưỡng mộ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đã dung dưỡng bao thế hệ nhà văn đa tài, bản lĩnh “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận) này. Đa phần họ giỏi toàn diện, viết hay cả văn và thơ, chưa kể mảng lý luận phê bình cũng rất giỏi. Họ lặng lẽ cháy mình trong đêm, thắp sáng những trang văn, lan tỏa năng lượng tích cực, những giá trị chân - thiện - mỹ cho đời, cả thời chiến và thời bình. Nhà văn Phùng Văn Khai cũng là một trong những người truyền lửa như vậy.

Tôi cứ băn khoăn hoài, là một nhà văn quân đội, tham gia quản lý một tạp chí lớn, đa tài và năng động, tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả điện ảnh, truyền hình, không biết anh lấy thời gian, sức lực ở đâu để cho ra đời bao truyện ngắn, bút ký, bao bộ tiểu thuyết lịch sử dài hơi, các công trình nghiên cứu, sưu tầm, lại còn thơ ca nữa! Sức làm việc thật khỏe và thể tài sáng tác thật phong phú! Riêng tiểu thuyết lịch sử, từ 2015 đến nay, trong vòng bảy năm, nhà văn Phùng Văn Khai cho ra mắt 6 cuốn tiểu thuyết với bạn đọc: “Phùng Vương”(2015); “Ngô Vương” (2018); “Nam Đế Vạn Xuân” (2020), “Triệu vương phục quốc” (2020), “Lý Đào Lang Vương “(2021), “Lý Phật Tử định quốc” (2021).

Mới bốn mươi chín tuổi đầu đã phát hành tới 21 đầu sách, giành nhiều giải thưởng văn chương, dễ mấy ai có được! Và những ngày cuối năm Hổ bận rộn, bạn đọc lại đón nhận tập thơ của nhà văn Phùng Văn Khai, cùng chia sẻ những phút giây lắng lại trong tâm hồn một người lính nhiệt huyết, làm việc, hoạt động xã hội không ngưng nghỉ nhưng rất đỗi giản dị, giàu yêu thương với cuộc đời và nghĩa tình với đồng đội, người thân, bầu bạn! Anh từng tâm sự. Với anh, “thơ là một vẻ đẹp tươi tắn nhất của cuộc sống, đem lại những sắc màu, tình cảm sâu đậm của con người”.

Đọc thơ Phùng Văn Khai, bạn đọc sẽ cảm nhận được tiếng lòng anh với quê hương đất nước, người thân, thấy vẻ đẹp của cha ông, các danh nhân văn hóa, những trang sử hào hùng của dân tộc khúc xạ qua những vần thơ mộc mạc giản dị của anh. Có những bài thơ ngân vang như khúc tráng ca, có lời thơ tâm tình, sâu lắng, có lời thơ mang tính sử thi, có lời thơ phảng phất nụ cười... Chất trữ tình đan cài chất tự sự; thơ tự do phóng khoáng bên cạnh lục bát ngọt ngào...

Bạn đọc như được đắm mình trong không gian văn hóa lịch sử dân tộc, mênh mang ru mình theo dòng sông Mẹ đỏ nặng phù sa và máu Tổ tiên bao đời:

Kính cẩn dọn mình chiêm bái lau sông
Ngày chim Lạc vút bay từ cỏ hoa thơm thảo
Ngày Bà Trưng vung gươm giông bão
Những Thái thú Bắc triều run rẩy dưới chân voi...

Hay cảm xúc vỡ òa theo “Sông òa vỡ năm cửa ô người về như thác/ Bờ vai em nghiêng sóng sánh nước sông lên” (Khúc sông Hồng); sẽ reo vui cùng gió, cỏ cây sông Hồng:

Vẫn là lau sông Hồng đấy thôi
Phần phật bay mừng Vạn Xuân - Trấn Quốc
Đinh - Lý - Trần - Lê... nối nền độc lập
Lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm.

(Lau sông Hồng)

Theo dòng sông Mẹ, những người con trai con gái bao đời đã đi mở đất, mở nước, đem hạt giống tình yêu đi gieo trồng những mùa vụ tốt tươi, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Từ quá khứ:

... Hạt mẩy cựa mầm thơm giếng cổ
Chồi non tí tách bóng trăng loang
Ta từ buổi biệt tường rêu cũ
Hạt giống gieo xa mở mùa màng

(Hạt giống)

Đến hiện tại:

Những người con Hà Nội đến Trường Sa
Mang hạt mướp, hạt rền, mùng tơi, rau sam, rau muống
Cát mặn san hô giọt mồ hôi lắng xuống
Thành cây thành làng ở Trường Sa

Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Mặt trời mọc bình yên chân cột mốc
Cây cau mẹ trao anh trồng góc sân chùa Nam Yết
Hoa nở trắng thì thầm lá xanh giữa trời xanh

(Những người con Hà Nội ở Trường Sa)

Theo dòng cảm xúc của tác giả, bạn đọc qua thơ anh cảm nhận được bước chân tiền nhân, những người gieo hạt giống đẹp, giữ gìn và mở mang bờ cõi, trao truyền những giá trị văn hóa dân tộc ngàn đời. Ta ngược sông Hồng, lên miền Biên ải, Quỷ Môn Quan, nắm Bàn tay anh lính biên phòng. Ta về miền Trung nghiêng mình trước Mộ gió, rồi dọc dài thiên lý về miền đất phương Nam, trước mênh mông Sen Tháp Mười, cúi đầu tưởng nhớ những anh hùng nghĩa liệt quên mình vì nước:

Ta quỳ xuống trước mộ người tuấn kiệt
Quỳ trước sen Gò Tháp giữa sương khuya
Quỳ trước máu xương mấy nghìn tráng sĩ
Đã một đi không hẹn buổi quay về

(Đêm sen Gò Tháp)

Tập thơ mới của nhà văn Phùng Văn Khai.

Tập thơ mới của nhà văn Phùng Văn Khai.

Trên hành trình cảm xúc ấy, bạn đọc sẽ bắt gặp hình bóng quê hương yêu dấu, gặp những người mẹ, người chị một đời vất vả hy sinh, đẹp như những đóa sen: “Con thấy sóng ở trong mắt mẹ/ dòng sông nào không chở nặng phù sa” (Thơ tặng mẹ); “Lau ngàn lau trắng ngàn bông/ Trắng lây sang cả người trông đợi người/ Chiến tranh hai đận xa rồi/ Xô nghiêng chiều chậm rối lời cỏ xưa/ Năm nao giáp Tết Giao thừa/ Chị tôi cũng thức nghe mưa một mình" (Mưa); "Cô tôi quét lá đa làng/ Lặng mong một bóng đò ngang cuối trời” (Cô tôi). Có những câu thơ khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam buồn mà đẹp đến nao lòng:

Người ta hẹn lá trầu xanh
Chị tôi mười sáu như cành hoa lê
Xôn xao lối cỏ bờ đê
Trai làng ngơ ngẩn tóc thề chị tôi

Đời người như cánh buồm xuôi
Chị tôi lội ngược một thời xuân xanh
Mấy ngày một cuộc chiến tranh?
Mấy lần trăng khuyết trăng lành trăng vơi?

Anh không về nữa, chị tôi
Hai mươi năm hóa ra người ngẩn ngơ
Trầu xanh xanh đến bao giờ
Chị tôi tóc bạc bây giờ trầu xanh...

(Chị tôi)

Lịch sử dân tộc mấy ngàn năm qua bao bước thăng trầm. Đọc thơ Phùng Văn Khai, độc giả còn bắt gặp hình bóng những tiền nhân từ thời mở nước, những bậc anh hùng, danh nhân văn hóa có công với nước. Từ Cao Lỗ, Ngô Quyền, Lý Bí đến Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, Ức Trai, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm... Có đến 11 bài thơ theo chủ đề này, tái hiện cả chặng đường dài lịch sử dân tộc và truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn”. Cùng với những gương mặt người đương thời tái hiện qua các bài thơ khác dưới góc nhìn của thi nhân am hiểu lịch sử, mang cảm hứng sử thi hào sảng, đặc biệt qua trường ca “Hoa bên cột mốc”, đất nước, con người Việt Nam hiện lên đẹp ngời ngời, đau thương mà quật cường:

Hoa
rờ rỡ hiện thân
rưng rưng sắc đỏ
bịn rịn dắt tay
xuyên đêm
xuyên ngày
hoa nở
mây tan
trời sáng
hòn đá to ngây ngô trong nắng
trai gái ném còn sang nhau
lạy đất
lạy trời
đời tiếp đời
hoa tiếp hoa thắp lửa
xa xa từng tấm mộ
nằm im bên đá
nằm im bên hoa
quần tụ bên hoa
cột mốc rịn mồ hôi
đội hoa
đội mặt trời đang sáng...

Bạn đọc chắc chắn sẽ hiểu vì sao Phùng Văn Khai hết lòng trân trọng tiền nhân, say mê với những trang sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Thơ là tiếng nói của trái tim. Đọc thơ Phùng Văn Khai, qua 4 bài “Tự khúc” của anh và 16 bài viết về dòng tộc, người thân, các nhà văn, bè bạn, bạn đọc sẽ hiểu thêm về tình yêu của anh với đất nước, quê hương, con người, chất kết dính hồn hậu để cấu trúc những áng văn thơ dào dạt cảm xúc, lấp lánh ánh xạ của lịch sử, văn hóa. Trái tim anh đã ngân rung nhịp đập đầy cảm xúc để dâng hiến cho đời những tác phẩm xanh tươi!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khi-nha-van-lam-tho-i686007/