Khi nhạc phim Việt bước từ phim ra đời

Không thể phủ nhận nhạc phim là điểm sáng chung của hầu hết các bộ phim điện ảnh Việt trong những năm trở lại đây.

“Chạy” gần như là ca khúc được đo ni đóng giày cho bộ phim “Ròm”

“Chạy” gần như là ca khúc được đo ni đóng giày cho bộ phim “Ròm”

Dẫu có những trồi sụt về mặt chất lượng nhưng không thể phủ nhận nhạc phim là điểm sáng chung của hầu hết các bộ phim điện ảnh Việt trong những năm trở lại đây. Thậm chí, không ít ca khúc nhạc phim còn có đời sống sinh động sau khi phim kết thúc.

Cạnh tranh sòng phẳng với MV ca nhạc

Xu hướng đưa ca khúc nhạc phim trở thành hit và có đời sống riêng sau khi phim kết thúc có lẽ được bắt đầu từ năm 2004 - khi phim “Những cô gái chân dài” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng cho ra mắt đĩa soundtrack với hàng loạt bản hit trong phim.

Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhạc phim được nhiều đạo diễn chú trọng, đầu tư hơn. Đây được xem là một trong những cách thức góp phần quảng bá và tiếp thị hiệu quả cho nhiều bộ phim trước khi ra rạp. Thậm chí, những ca khúc trong phim còn được đầu tư xây dựng như một MV, cạnh tranh sòng phẳng với các MV ca nhạc khi lọt Top thịnh hành trên YouTube.

Có thể kể đến những ca khúc như: “Chạy” (4 triệu lượt xem) của Wowy trong “Ròm” (2020), “Có chàng trai viết lên cây” (63 triệu lượt xem) của Phan Mạnh Quỳnh trong “Mắt biếc” (2019), “Tâm sự tuổi 30” (21 triệu lượt xem) của Trịnh Thăng Bình trong “Ông ngoại tuổi 30” (2018), “Nụ hôn đánh rơi” (6,4 triệu lượt xem) của Hoàng Yến Chibi trong “Tháng năm rực rỡ” (2018)… Đó là còn chưa kể đến rất nhiều bản cover cũng như lượt nghe, xem trên các mạng xã hội.

Một số ca khúc còn tạo hàng loạt câu nói thịnh hành trong giới trẻ như: “Màu son em thích là môi anh. Bình minh em muốn là tựa đầu vào vai anh” - “Sự thật vỡ đôi” (Bùi Lan Hương và Đạt G thể hiện) trong phim “Tiệc trăng máu” (2020), “Anh yêu em đến điên đầu, mà anh lại thấy như thế nó rất ngầu” - “Em là bà nội của anh” (Trọng Hiếu) trong bộ phim cùng tên năm 2017…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, trong giai đoạn nào, đạo diễn cũng ý thức được nhạc phim là điều quan trọng, giúp tạo nhịp phim và cảm xúc của nhân vật, giống như hơi thở của bộ phim vậy.

“Song trước đây, kinh phí cho một bộ phim không nhiều nên chi phí đầu tư cho nhạc phim cũng rất bèo bọt. Sau này, khi phim Việt được đầu tư nhiều hơn thì kinh phí đầu tư cho nhạc phim cũng tốt hơn, chỉn chu hơn. Có những bản nhạc phim thu ở các dàn nhạc lớn ở nước ngoài, được mời nhạc sĩ, ca sĩ hàng đầu thể hiện... Bởi, đây là yếu tố để làm chiến dịch quảng bá cho phim bằng cách ra ca khúc trước, làm MV cho ca khúc trong phim sau”, đạo diễn phim “Tiệc trăng máu” bày tỏ.

Dễ thấy, phương thức này đã giúp nhiều nhà sản xuất phim gặt hái hiệu ứng quảng bá rõ rệt. Đơn cử, như trường hợp của bộ phim “Gái già lắm chiêu” của cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito. Không chỉ giúp cho diễn viên Lan Ngọc ra mắt cả sản phẩm MV mà bộ phim này còn có cả tour diễn từ Bắc chí Nam với sự tham gia của các diễn viên cùng với tiết mục biểu diễn giao lưu thú vị. Tung ra MV ca khúc nhạc phim có tác dụng tạo được không khí chờ đợi, nhắc nhở khán giả về bộ phim sắp ra rạp. MV còn có sự tham gia diễn xuất minh họa của một số diễn viên trong phim nên tính hiệu quả quảng bá càng tăng.

Đạo diễn Bảo Nhân tiết lộ: “Bên cạnh nhạc phim (OST) do ca sĩ hát, chúng tôi còn thực hiện thêm những bản nhạc trẻ trung với chủ đề khác để tăng mức độ nhận diện và thu hút thêm những đối tượng khán giả mới. Chẳng hạn như bài: Gái già tuyển phi công (Gái già lắm chiêu 2) và Gái già muốn lấy chồng (Gái già lắm chiêu 3), câu chuyện phim đều được gắn liền với chủ đề bài hát mỗi phần”.

Công thức để có nhạc phim hấp dẫn

Trong "Tiệc trăng máu", toàn bộ phần nhạc nền trong phim xuất hiện đúng lúc, giúp đẩy được cao trào, khéo léo kết nối các tình tiết

Trong "Tiệc trăng máu", toàn bộ phần nhạc nền trong phim xuất hiện đúng lúc, giúp đẩy được cao trào, khéo léo kết nối các tình tiết

Sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian qua đã chứng minh, rõ ràng nhạc phim không còn bị khán giả coi là yếu tố gia vị, hay thì thích mà không hay cũng không sao. Cùng với đó là sự thay đổi tích cực nhất ở việc bản thân các ê-kíp đã rất ý thức đầu tư chuyên nghiệp, bài bản cho khâu này.

Minh chứng rõ nhất là ca khúc “Chạy” do Wowy thể hiện trong phim “Ròm”. Ra đời từ nhiều năm trước nhưng “Chạy” chưa từng có một MV chính thức.

Sau này, “Chạy” được đạo diễn Trần Thanh Huy và rapper Wowy mang đến một diện mạo mới trong MV “Chạy” phiên bản “Rồng”. Ca khúc được Wowy đọc rap trên nền nhạc chủ đạo là tiếng trống đệm. Bản rap mang nội dung truyền cảm hứng sống, cổ vũ tinh thần luôn tiến về phía trước, bất chấp con đường còn nhiều chông gai.

Trong khi đó, phần được nhạc sĩ Tôn Thất An - người làm nhạc “Vợ Ba, Song Lang” - phối lại hoàn toàn. Bản phối được thực hiện tại Pháp để thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật cũng như nghệ thuật của anh.

Tiếng trống đệm với nhịp điệu nhanh thúc giục xuyên suốt bản rap là điểm nhấn của MV, bên cạnh nhịp bước chân hối hả chạy của Ròm và những cậu bé đường phố trên khắp Sài Gòn.

Còn Victor Vũ lại sẵn sàng chi mạnh tay cho nhạc phim “Mắt biếc” khi mời dàn nhạc giao hưởng Bulgaria thực hiện phần nhạc nền. Đạo diễn Victor Vũ thừa nhận, việc sử dụng dàn nhạc giao hưởng làm nhạc phim là quyết định tốn kém nhưng nó góp đến 50% trong việc đẩy cảm xúc khán giả. “Đó là quyết định sáng suốt và cần thiết”, đạo diễn Victor Vũ khẳng định.

Còn theo nhà soạn nhạc Chris Wong, để diễn tả muôn ngàn cung bậc nhớ và ngập tràn lãng mạn trong ”Mắt biếc”, việc thu âm trực tiếp phần nhạc nền với dàn nhạc giao hưởng sẽ giúp cảm xúc của người xem được đẩy lên cao nhất.

Từng được đào tạo về âm nhạc trước khi bén duyên với nghề đạo diễn, đạo diễn Dũng “Khùng” cho biết, không phải cứ nhạc trên phim sẽ là nhạc phim. Cái khó nhất của bản nhạc phim hay, chất lượng là nhạc nền. Đây vốn là yếu tố tạo hơi thở của phim mà khán giả ít để ý đến nó hơn.

“Hiện nay, kinh phí nhạc phim không chiếm nhiều, phụ thuộc vào nội dung phim. Thông thường, phần nhạc chiếm khoảng 2 - 5% tổng kinh phí phim. Chẳng hạn, với phim về ca nhạc như “Những nụ hôn rực rỡ” (2010) có khoảng 6 tỷ đồng đầu tư, phần nhạc phim chiếm 300 triệu đồng. Kinh phí cho nhạc phim “Tiệc trăng máu” chỉ chiếm khoảng 1 - 2% tổng kinh phí phim. Đó còn chưa kể việc thu âm ở các dàn nhạc tại nước ngoài, đặc biệt, chúng ta có thể mất hàng trăm ngàn USD cho các dàn nhạc ở Bulgaria”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.

Song, chắc chắn độ hoành tráng không quyết định nhạc phim có hay hay không. Một ca khúc lọt Top thịnh hành với hàng triệu lượt xem cũng chưa hẳn đã quyết định khả năng thành - bại của một bộ phim. Nhạc phim phải phù hợp với nội dung phim. Nhiều bộ phim nhanh chóng đi vào quên lãng dù ca khúc trong phim được yêu mến suốt một thời gian dài.

Bộ phim có kinh phí 26 tỷ đồng - “Fan cuồng” (2016) là một ví dụ. Trong khi bộ phim chỉ thu về 9 tỷ đồng thì các ca khúc trong phim như: “Một nhành mai”, “Hạnh phúc bắt đầu”, “Đi về yêu thương”… lại có sức sống lâu bền, liên tục trụ hạng trong các bảng xếp hạng trong nước.

Tương tự, “Yêu đi đừng sợ” (2017) cũng khiêm tốn với doanh thu 28 tỷ đồng. Trong khi đó, ca khúc cùng tên trong phim do Only C thể hiện lại trở thành một hiện tượng, phủ sóng trên mạng xã hội.

Việc chủ động đặt hàng ca khúc, sáng tác phần nhạc phim đang là hướng đi đúng đắn của đạo diễn và nhà sản xuất. Điều này cũng tránh được chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc - vấn đề mà không ít tác phẩm điện ảnh Việt từng gặp phải. Đặc biệt, khi trận chiến ngoài rạp ngày càng khốc liệt thì việc đầu tư kỹ lưỡng cho các ca khúc trong phim một cách thông minh là điều vô cùng cần thiết.

Phương Thảo

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-nhac-phim-viet-buoc-tu-phim-ra-doi-d487069.html