'Khi nhiễm COVID-19, tôi không bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính, tại sao vậy?'
Một bác sĩ bị lây COVID-19 từ người nhà, nhưng thật kỳ lạ, bác sĩ này xét nghiệm đi xét nghiệm lại vẫn là âm tính, kể cả lúc có triệu chứng. Vậy chúng ta nên nghĩ thế nào và bác sĩ này nói gì về việc xét nghiệm?
Vào giữa tháng 6, bệnh viện nơi tôi làm việc trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Chính vào thời điểm đó, chồng tôi, cũng là một bác sĩ cấp cứu, bị nhiễm COVID-19.
Dù không có triệu chứng gì, nhưng tôi có nguy cơ đã lây bệnh. Vì vậy, tôi được yêu cầu xét nghiệm. Kết quả là âm tính.
Chồng tôi lập tức tự cách ly ở một khách sạn chuyên dành cho nhân viên y tế, còn tôi vẫn ở nhà. Hai ngày sau, tôi được xét nghiệm lại lần nữa, bằng cách xét nghiệm nhanh kháng thể. Vẫn âm tính. Điều này không đáng ngạc nhiên lắm vì tôi vẫn chưa có triệu chứng.
Để chính xác hơn, tôi lại được xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR và phải chờ hai ngày mới có kết quả. Trong khi đó, tôi rất lo rằng mình sẽ lây bệnh cho con trai, mới có 11 tuổi.
Chẳng biết làm cách nào, tôi điên cuồng lau sạch các bề mặt trong nhà, đeo khẩu trang mỗi khi lại gần thằng bé và bảo nó ngồi chơi điện tử trong một căn phòng mà tôi không bước chân vào.
Ngày hôm sau, tôi hơi bị ho và ớn lạnh. Tôi biết có chuyện không ổn, nhưng tôi không sốt. Tôi thực hiện xét nghiệm COVID-19 lần thứ tư và kết quả (lại) âm tính. Tôi không chắc rằng mình có nên yên tâm khi xét nghiệm đã 3 lần âm tính không (vẫn chưa có kết quả xét nghiệm PCR). Là bác sĩ, tôi biết rằng có những kết quả âm tính giả, nên tôi chỉ có thể tiếp tục theo dõi các triệu chứng của mình.
Trong khi chờ đợi, tôi tìm hiểu thêm về độ chính xác của xét nghiệm COVID-19. Tôi biết rằng, nếu các xét nghiệm tìm virus hoặc kháng thể được thực hiện quá sớm, thì bệnh nhân có thể nhận kết quả âm tính giả.
Điều này đã được miêu tả bởi Mayo Clinic hồi tháng 6. Có trường hợp một người đàn ông 30 tuổi ở Trung Quốc đã có đến 7 lần xét nghiệm PCR âm tính, trước khi nhận kết quả dương tính vào ngày thứ 8 kể từ khi phát bệnh. Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Johns Hopkins, thì có đến 67% khả năng là bệnh nhân sẽ nhận kết quả âm tính giả nếu họ được xét nghiệm trong vòng 4 ngày kể từ khi nhiễm virus.
Còn khi được xét nghiệm vào ngày có triệu chứng - thường là 4 ngày sau khi bị nhiễm, thì khả năng nhận kết quả âm tính giả "chỉ" là 38%. Xét nghiệm sẽ chính xác hơn nếu được thực hiện vào thời điểm 3-4 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng. Nhưng ngay cả khi đó, thì khả năng âm tính giả vẫn là 20%.
Bởi vậy, Tạp chí Y học New England đã kết luận rằng, các bác sĩ “không nên tin các kết quả âm tính bất ngờ”, tức là, hãy coi một kết quả âm tính là “âm tính giả” ở một người có triệu chứng điển hình và có tiếp xúc với nguồn lây.
Tôi liên tục nhắc bệnh nhân có tiếp xúc với nguồn lây COVID-19 và có thể có triệu chứng nhẹ, rằng họ phải tự cách ly ngay, dù chưa được xét nghiệm tiếp. Một kết quả âm tính giả sẽ tạo ra cảm giác an toàn giả, điều đó là rất nguy hiểm.
Với tôi, sau 48 giờ với các triệu chứng nặng hơn, người rất đau, lại bị tiêu chảy, tôi gần như chắc chắn rằng mình nhiễm COVID-19, nhưng kết quả PCR của tôi cũng âm tính. Hai ngày nữa trôi qua, con trai tôi bắt đầu sốt. Tôi quyết định đi cấp cứu và đề nghị xét nghiệm cả hai mẹ con. Xét nghiệm của tôi vẫn âm tính, còn của con trai tôi là dương tính. Mà vì tôi là người duy nhất chăm sóc nó trong những ngày qua, nên tôi tin rằng nó lây COVID-19 từ tôi. Dù rằng tôi chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Thật may mắn, giờ thì cả gia đình tôi đều đã bình phục. Tôi và chồng đều đã quay lại làm việc. Vừa rồi, cả gia đình tôi đều có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể COVID-19. Điều này chính thức xác nhận rằng tôi đã nhiễm COVID-19, dù đã có 5 lần xét nghiệm âm tính khi đang bị bệnh.
Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải tìm hiểu về căn bệnh này. Trong khi đó, chúng ta nên lắng nghe cơ thể mình và các chuyên gia y tế. Nếu bạn có tiếp xúc với nguồn lây và có triệu chứng nhẹ, bạn nên ở nhà tự cách ly ngay và liên lạc với cơ sở y tế. Dù thế nào, hãy nhớ rằng một kết quả xét nghiệm âm tính không nhất thiết có nghĩa là bạn không nhiễm bệnh, hoặc không thể lây bệnh cho những người xung quanh mình.
*Bài viết của bác sĩ Christine Zink, một bác sĩ cấp cứu ở San Antonio (Texas, Mỹ).
Thục Hân
(Theo Huff Post)