Khi những bà nội trợ xử lý rác thải

Để xử lý triệt để rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn, thị tứ, thị trấn hay những điểm nóng về rác thải, thời gian qua Hội phụ nữ huyện Đô Lương (Nghệ An) đã triển khai mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh khá hiệu quả. Với mô hình này, không những hạn chế việc ô nhiễm mỗi trường mà còn xử lý triệt để nhiều loại rác thải nguy hại khác.

Mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh được Hội Phụ nữ huyện Đô Lương (Nghệ An) phát động và triển khai khá hiệu quả.

Mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh được Hội Phụ nữ huyện Đô Lương (Nghệ An) phát động và triển khai khá hiệu quả.

Là địa phương có dân số nông thôn đông, hàng ngày trên địa bàn khu dân cư của huyện Đô Lương, lượng rác rải sinh hoạt thải ra môi trường rất lớn nhưng việc thu gom rác thải mang đến nhà máy xử lý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là rác thải hữu cơ, việc phân loại rác chưa thực sự được người dân quan tâm. Không những vậy, địa phương này còn có nhiều bãi rác tự phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của người dân.

Nhận thức được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải, từ đầu năm 2019, UBND huyện Đô Lương đã phối hợp Hội phụ nữ huyện Đô Lương triển khai mô hình thu gom xử lý rác thải bằng phân vi sinh tại các khu dân cư, triển khai sâu rộng đến tận các hộ gia đình.

Bà Thái Thị Hiền – Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đô Lương cho biết, xuất phát từ thực trạng rác thải sinh hoạt tại nông thôn do không được thu gom, xử lý dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đề án của huyện, Hội đã phát động chị em thực hiện mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh.

Được phát động từ 6/2019, ban đầu chỉ làm điểm tại các xã Ngọc Sơn, Trung Sơn, Hòa Sơn...sau đó nhân rộng ra toàn huyện. Đến nay, đã có 300 hộ gia đình thực hiện xử lý rác thải bằng men vi sinh. Việc thực hiện xử lý rác bằng men vi sinh là chủ đạo, nhưng trên cơ sở đó là hình thành cho mỗi chị, em ở khu dân cư có thói quen phân loại rác như rác hữu cơ, rác thải rắn.

Cũng theo chị Hiền, nguồn kinh phí để mua men, thùng rác được trích từ quỹ môi trường của các địa phương. Ngoài ra, mô hình này cũng giúp chị em trong quá trình xử lý phân loại được các loại rác thải tái chế, dùng số quỹ này để tái đầu tư như mua men vi sinh, thùng xử lý....

Có mặt tại gia đình chị Lưu Thị Na - xóm Đồng Tâm, xã Hòa Sơn, thành viên thực hiện mô hình này, chị Na cho biết, sau khi Hội phụ nữ triển khai mô hình thu gom và phân loại rác thải thì gia đình chị đã thực hiện theo hướng dẫn, phân loại rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ. Rác thải hữu cơ bao gồm (cơm, thức ăn dư thừa...) thu gom riêng và sau đó thì bỏ vào thùng, khoảng 2 tuần cho men vi sinh vào xử lý. Còn rác thải hữu cơ gồm (chai nhựa, lon bia...) được thu gom lại để Hội phụ nữ bán và ủng hộ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng giống như chị Na, tại gia đình chị Lan ở xóm Ngọc Sơn, sau khi Hội phụ nữ phát động, chị đã hưởng ứng ngay. Sau hơn 1 năm triển khai, gia đình chị đã có hàng chục kilogam men vi sinh phục vụ cho sản xuất.

“Không những giải quyết được thực trạng vứt rác bừa bãi, với mô hình này chúng tôi còn có một lượng phân vi sinh để sản xuất và đặc biệt khi phân loại rác, những rác thải như chai nhựa, lon bia, giấy loại...bán lấy tiền ủng hộ nhiều “sự kiện” của hội, hay giúp đỡ những chị em mà gia đình chưa có mô hình này”, chị Lan cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Hợi, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Đô Lương đánh giá cao vai trò của Hội phụ nữ khi triển khai mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh.

“Giao việc này cho “những bà nội trợ” là các chị em phụ nữ rất phù hợp và thiết thực. Bởi rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại ngay từ gốc, được chuyển đến đúng địa chỉ và xử lý an toàn trước lúc ra môi trường. Mô hình thu gom rác thải tại hộ gia đình, xử lý bằng men vi sinh đã làm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, hiệu quả”, bà Hợi khẳng định.

Từ tháng 6/ 2019 Hội phụ nữ huyện Đô Lương đã tổ chức Hội nghị Truyền thông thu gom rác thải hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6 và triển khai mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh. Các phương pháp, kĩ năng phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ, cách đào hố chôn lấp rác thải ngay tại vườn nhà được hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, hội viên trong hội phụ nữ còn được hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường 5 không 3 sạch trong xây dựng nông thôn mới với các nội dung như: xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, thu gom xử lý chất thải rắn và chất thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-nhung-ba-noi-tro-xu-ly-rac-thai-490377.html