Khi những gã trai hận tình biến thành kẻ sát nhân

Chỉ trong 10 ngày qua trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ trọng án thương tâm, đáng chú ý, trong đó có những vụ án mà nạn nhân và hung thủ từng có thời gian gắn bó, yêu thương nhau. Án mạng xuất phát từ lòng ích kỷ, thù hận trong tình yêu dường như đang có xu hướng gia tăng trong xã hội. Nguyên nhân do đâu mà những sự hận thù này lại không có cách hóa giải!

Khi tình yêu bỗng hóa lòng thù hận

Sáng sớm 16-9, hai nữ sinh cùng 19 tuổi, Sùng Thị M.L, quê ở Điện Biên, và Ngô Thị X, quê ở Hải Dương, đã bị sát hại tại phòng trọ ở phố Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Giàng A Dông, SN 1996, quê ở Điện Biên, có quan hệ tình cảm với Sùng Thị M.L,đã dùng dao cướp đi mạng sống của hai cô gái và tiếp tục truy sát ba nữ sinh còn lại trong phòng nhưng rất may, cả ba đã kịp chạy thoát thân. Ngay sau khi gây tội ác, Giàng A Dông đã tự tử. Nguyên nhân là do A Dông ghen tuông rồi cuồng sát.

Nghi phạm Giàng A Dông.

Nghi phạm Giàng A Dông.

Vụ án tại Hà Nội vừa gây chấn động thì tại Đồng Nai lại xẩy ra vụ án đau lòng, khi người chồng cũng vì ghen tuông đã dùng kéo đâm chết vợ.

Đáng buồn là đây không phải là những trường hợp hiếp gặp do mâu thuẫn và ghen tuông mù quáng. Bởi trước đó, rất nhiều vụ án thương tâm vì nguyên nhân tương tự cũng đã xảy ra.

Cuối tháng 3-2019, Lê Quốc Khải, 33 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, đã dùng dao đâm chết người yêu vì ghen.

Tháng 10-2018, tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Phạm Văn Viên, Sn 1994, quê ở Hải Dương, cũng sát hại người yêu bằng dao găm...

Theo số liệu từ Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho thấy, mỗi năm có khoảng 90% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội như mâu thuẫn ái tình, hiềm khích, trả thù cá nhân…, đặc biệt trong số các vụ giết người thì có 18-20% là do những người thân, người quen giết nhau.

Góc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu tội phạm học

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng hay những người đã từng yêu thương nhau lại nhẫn tâm sát hại nhau:

“Thứ nhất, tình yêu, niềm tin dành cho nhau chưa đủ lớn. Những người này thật sự ích kỷ, muốn có sự chiếm hữu; Thứ hai, do cái tôi của những người trong cuộc quá cao, không làm chủ được bản thân mỗi khi xảy ra mâu thuẫn; Thứ ba, những yếu tố bên ngoài như: rượu, ma túy, các chất kích thích...cũng là những tác nhân, khiến người ta không kiềm chế được cơn nóng giận”.

Sau khi sát hại 2 nữ sinh viên tại Hà Nội, nghi phạm nhảy lầu tự tử.

Sau khi sát hại 2 nữ sinh viên tại Hà Nội, nghi phạm nhảy lầu tự tử.

Dưới góc nhìn của Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học ở Bộ Công an, các vụ án do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến đoạt mạng đều tập trung ở hai động cơ. Thứ nhất là do ghen tuông, thứ hai là do thù tức.

Qua điều tra nguyên nhân các vụ án cho thấy có những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội hiện nay. Và những tiêu cực đó tồn tại trong môi trường sống hàng ngày, tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người, nhất là với giới trẻ.

Theo phân tích của Trung tá Đào Trung Hiếu, với những vụ trọng án xuất phát từ tình ái, thù tức, ghen tuông thì thủ phạm sống trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động nên có xu hướng chọn giải pháp “tự xử” - dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Vậy làm thế nào để có thể hóa giải được những hận thù, sự ghen tuông mù quáng trong tình yêu, hôn nhân, hay những mối quan hệ xã hội khác? PGS.Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, bên cạnh sự tự ý thức, các tổ chức xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thúc đẩy việc mở lớp học kỹ năng sống, lớp tiền hôn nhân, giúp họ có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, khúc mắc giữa vợ chồng…

Kỹ năng hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, trong mỗi gia đình là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó tự thân mỗi người cần phải biết yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình, sống có trách nhiệm.

P.Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/khi-nhung-ga-trai-han-tinh-bien-thanh-ke-sat-nhan/825796.antd