Khi những người phụ nữ bước vào thế giới của đàn ông
Từ bóng đá là bộ môn dành cho phái mạnh… đến bóng đá dành cho tất cả mọi người, không phân biệt nam – nữ. Quan điểm về đối tượng tiếp cận bóng đá được thay đổi, khi những người phụ nữ dấn thân vào thế giới của đàn ông.
Tiêu chuẩn của phái mạnh
Đá bóng vì đam mê, đá bóng để thể hiện mình, đá bóng – được coi như một nghề để kiếm tiền. Khi tiếp cận từ việc tại sao con người tìm đến bóng đá, thì chẳng có sự mặc định giới tính nào cả, nam – nữ đều như nhau.
Mà thực ra, cũng chưa có một bức ảnh nào chộp được khoảnh khắc chơi bóng ban đầu, để khẳng định nam hay nữ, đâu mới là giới tính đến với bóng đá trước. Chúng ta tự suy luận mà ra, suy luận từ vấn đề sinh lí, từ vòng quay của trái bóng tròn, để khẳng định “nam giới đến với bóng đá trước”.
Cũng không sao, cứ mặc định, nam giới đến vào bóng đá trước, đi vào thế giới bóng đá trước, thì bây giờ sẽ đến lượt những người phụ nữ, họ cũng sẽ đi vào, để tận hưởng thú vui của bản thân.
Ấy vậy, khi nữ giới tiếp cận đến bóng đá, đi vào thế giới bóng đá của đàn ông, họ bị soi xét, họ bị mặc cảm, họ bị tiếp nhận một cách thiếu công bằng.
Chính đàn ông, khi đến với bóng đá trước, đã thiết lập cuộc chơi, một tiêu chuẩn riêng của bộ môn này, từ tốc độ, chiến thuật, tư duy chơi bóng,… Và khi người phụ nữ bước vào, họ bị so sánh, bị đối chiếu, với một cái nhìn cực kỳ khắt khe và có phần lạc hậu.
Thậm chí, có những nền thể thao còn cố gắng mặc định, bóng đá chỉ phù hợp cho nam giới, giống như các cô gái trong đội tuyển Cộng hòa Ireland đã phải mượn những bộ đồ thể thao từ đội trẻ của nam, để thay trong nhà vệ sinh công cộng khi trên đường đến SVĐ thi đấu.
Cái lạ nữa, người phụ nữ khi bước lên sân bóng, họ được quan tâm và chỉ được quan tâm - khi họ đẹp, như trường hợp của nữ tuyển thủ Thụy Sĩ, Lehmann, đang thi đấu tại kỳ World Cup lần này chẳng hạn, cô đạt đến 14 triệu lượt theo dõi trên Instagram, mặc dù không quá giỏi bóng đá.
Thưởng thức và tôn vinh sắc đẹp của người phụ nữ đúng là tuyệt vời. Nhưng trên sân bóng – nơi mà mọi cô gái đều muốn tận hưởng niềm đang mê chơi bóng, sắc đẹp được lấy là tiêu chí, tiêu chuẩn, để cố lấn áp, che mờ đi những điều quan trọng nhất, thì thật thiếu thỏa đáng.
Giáo sư Jorid Hovden, một người luôn đấu tranh cho sự bình đẳng giới trong thể thao, đã nêu lên quan điểm của mình như sau: "Nếu bạn chơi bóng đá giỏi như một người đàn ông, bạn được mô tả là đồng tính nữ hoặc giới tính thứ ba. Nếu bạn nữ tính, bạn được coi là đẹp gái và hấp dẫn trước ánh nhìn của đàn ông, và không phù hợp bóng đá. Có quá nhiều sự khinh miệt đối với phụ nữ!”.
Khi người phụ nữ đấu tranh…
“Rồi mọi chuyện sẽ tốt lên thôi”. Câu nói này đã quá quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng, muốn cho mọi chuyện tốt lên, người hoặc cộng đồng người trong cuộc không thể đứng yên, mà họ phải đấu tranh, đòi hỏi cho cuộc sống của mình tích cực hơn.
Điều này cũng giống với bóng đá nữ - nó đang tốt lên, khi người phụ nữ đấu tranh đòi hỏi sự công bằng cho họ.
Bóng đá nữ đấu tranh cho bình đẳng giới, như cách Brandi Chastain đã cởi phăng áo đấu để ăn mừng, để lộ bên trong chiếc áo lót đen. Một thông điệp: cái gì các anh làm được, chúng tôi cũng làm được.
Bóng đá nữ đấu tranh cho sự công bằng về mức đãi ngộ, đội tuyển nữ Hoa Kỳ đã đệ đơn lên liên đoàn bóng đá nước này, yêu cầu phải có sự công bằng về mặt tài chính giữa nam và nữ. Và rồi, ngày 22/02/2022, Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ (US Soccer) đã phải cam kết mức lương giữa các nữ cầu thủ và nam cầu thủ sẽ được bảo đảm tương đương nhau.
Bóng đá nữ chứng minh, tình yêu trái bóng tròn đối với các cô cũng mãnh liệt, như cái cách các tuyển thủ nữ New Zealand khóc nức nở ăn mừng chiến thắng đầu tiên của họ tại World Cup, bất chấp trước trận đấu, ngay tại nơi diễn ra lễ khai mạc, một vụ xả súng đã làm chết 3 người và 6 người bị thương.
Bóng đá nữ chưa thể bằng và có thể không bao giờ bằng bóng đá nam về lượng người xem, doanh thu về quảng cáo,… Điều này đúng, nhưng thật vô lý khi đòi hỏi bóng đá nữ phải giống bóng đá nam, điều quan trọng mà những người phụ nữ cần ở đây, là sự ghi nhận, tôn trọng, khi họ chơi bóng.
Khi phụ nữ chơi bóng, họ thích mạo hiểm
Công ty thể thao Thụy Điển Spiideo đã khám phá sự khác biệt chính giữa bóng đá nam và nữ, bằng cách so sánh dữ liệu từ Euro nữ ở Anh và World Cup nam ở Qatar (cả hai giải đấu này đều diễn ra vào năm ngoái).
Nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ ít sợ rủi ro hơn với những pha chuyền bóng và sút bóng của họ, dẫn đến nhiều bàn thắng được ghi hơn.
Đường chuyền trung bình trong trận đấu của nam có hệ số rủi ro là 21%, trong khi đường chuyền trung bình trong trận đấu của phụ nữ có hệ số rủi ro là 23%.
Matthew Penn, một chuyên gia thống kê, người đứng đầu phân tích so sánh cho biết: "Chúng tôi thấy bóng đá của phụ nữ là thứ bóng đá được chơi tự do hơn nhiều. Nó dựa trên tấn công nhiều hơn. Điều đó trái ngược với lối chơi của nam giới, nơi mọi người đều sợ bị thủng lưới”.
Dữ liệu cũng tiết lộ rằng, bóng đá nữ cũng ít bị cắt xén thời gian hơn so với bóng đá nam. Ở bóng đá nam, trung bình có tới 27,7 pha phạm lỗi mỗi trận, so với chỉ 20,1 pha phạm lỗi trong mỗi trận đấu của nữ.
Nhìn về lịch sử bóng đá, chúng ta thấy cách mà người phụ nữ đến với bóng đá, chiến đấu để sống chung với bóng đá, thật ngoạn mục và phi thường.
Và người hâm mộ - nếu yêu bóng đá đẹp, hãy dang tay ra để đón nhận những điều tuyệt vời mà các cô gái mang lại!.
Thắng Nguyễn
Nguồn ảnh: Internet, Goal.com.