Khi nội ra riêng...

Ông nội dọn ra ở riêng. Bữa đó, má càm ràm suốt cả ngày. Đi tới đâu, má cũng bị người ta đàm tiếu là con dâu hà khắc nên ông già chồng mới bỏ ra ở riêng, dựng cái chòi cặp mé sông.

Ông nội dọn ra ở riêng. Bữa đó, má càm ràm suốt cả ngày. Đi tới đâu, má cũng bị người ta đàm tiếu là con dâu hà khắc nên ông già chồng mới bỏ ra ở riêng, dựng cái chòi cặp mé sông. Ba thì mang tiếng sợ vợ, không có tiếng nói trong nhà.

Nội nói, nội thèm ngủ trong căn nhà lá cặp mé sông, đêm về nghe những đợt gió thổi qua bờ lá, tiếng bần rơi lủm tủm dưới sông. Mấy ông bạn già của nội, người cặm cột, người lợp lá, dừng vách. Chẳng mấy chốc, nội có căn nhà như mơ ước. Hành trang nội mang theo chỉ vài bộ quần áo với bộ ấm trà đựng trong cái gáo dừa.

Căn chòi dựng tạm cặp mé sông, ngay trên nền đất ngôi nhà cũ của nội. Mấy dạo trời trở gió, nội ho nhiều. Má bảo tôi xuống ngủ với nội. Nội nằm đung đưa trên võng, lâu lâu lại nhắc nhớ về ngày xưa, từ chuyện đánh giặc, gặp bà nội đến lúc nhỏ ba nghịch ngợm ra sao. Tiếng võng vẫn đều đều, ký ức của nội như dài thêm.

Nằm trong mùng, tôi nghe tiếng cá quẫy dưới sông, bìm bịp kêu, thấy bóng vầng trăng lấp lánh dưới sông. Cảm giác đó thật bình yên! Đánh thức tôi mỗi sáng là tiếng gà gáy vang và tiếng nói chuyện từ mấy ông bạn già của nội. Mỗi người một câu chuyện khác nhau. Chú Tám than, trời trở gió nên khó ngủ, cứ đi ra, đi vào nhà, trông trời sáng để gặp mấy ông bạn già cho vui. Ông nội cười nói, tối ngủ với thằng cháu nội, có nó hủ hỉ cũng đỡ buồn. Chú Bảy thì khoe hàm răng giả mới làm, chưa quen nhưng ăn uống cũng được hơn. Tôi nằm lắng tai nghe những câu chuyện đời của bạn nội, tự dưng thấy sống vậy mà vui.

Nội đứng khum tay che nắng nhìn ra sân rồi nói, nắng này chắc còn lâu mới có mưa. Ngày mai, mày kiếm cho nội cái lu nước để trước cửa nhà, để bà con đi ngang có khát thì uống. Buổi chiều, nội gom mớ ván gỗ đóng một hàng ghế dưới gốc bàng. Nội nói, có chỗ cho xóm giềng dừng chân nghỉ mệt. Dường như, người ở quê luôn biết nghĩ cho nhau. Khi một nhà nấu chè, cả xóm đều được ăn. Nhà nào có đám tiệc, người trong xóm chia nhau từng việc nhỏ để phụ giúp. Khi xong việc, mọi người lại cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, trầm trồ khen món này con chị bảy làm thiệt khéo tay, ai có phước mới được nó làm dâu. Đám thanh niên trong xóm ngó sang bàn bên kia làm cô gái đỏ mặt. Tàn tiệc, nhà có đám tiệc lại bảo con cháu đem đồ ăn, bánh, trái cho hàng xóm. Lúc nhỏ, tôi thường nói với má, nhận làm gì, nhà mình có thiếu thốn gì đâu. Má nhìn tôi cười rồi bảo, đây là tấm lòng thơm thảo của bà con xứ mình, có tiền chưa chắc gì mua được.

Ngày nghỉ, tôi lui cui với cuốc xẻng, cây trồng giống má. Ngồi trong nhà ngó ra, nội trệu trạo, có thêm cái ao nuôi cá thì hay phải biết. Tôi lên mấy giồng khoai, trồng mớ cải, mấy dây bầu, dây mướp. Nội hỏi trồng chi cho nhiều, tôi nhìn nội cười, nói mình ăn không hết thì cho bà con trong xóm. Nghĩ trước nhà phải có thêm vài giò lan, mấy khóm hoa thì chắc mấy ông bạn của nội đến chơi sẽ thích lắm. Rồi tôi cảm thấy, tương lai của mình quanh quẩn đâu đó trong căn chòi này.

Từ lúc “ra riêng”, nội khỏe hẳn ra. Hôm má nhắc làm tôi chưng hửng, nội bớt ho rồi, sao mày còn ở dưới miết không chịu về? Tôi gãi đầu trả lời, con ở đây hủ hỉ với nội cho vui./.

Nguyễn Chí Ngoan

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/khi-noi-ra-rieng--a82415.html