Khi nông dân Đắk Nông chọn kinh tế tập thể

Nhiều nông dân ở Đắk Nông tham gia vào kinh tế tập thể để phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao, ổn định cuộc sống.

Nông dân chuyên nghiệp hóa

Gia đình chị Hứa Thị Nên ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô có hàng chục năm trồng lúa. Thế nhưng, từ khi trở thành thành viên của HTX Nông nghiệp xã Buôn Choáh chị mới thực sự thay đổi tư duy sản xuất.

Chị Hứa Thị Nên (bên trái) ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô là một trong những nông dân đầu tiên ở Đắk Nông trồng lúa VietGAP nhờ tham gia HTX

Chị Hứa Thị Nên (bên trái) ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô là một trong những nông dân đầu tiên ở Đắk Nông trồng lúa VietGAP nhờ tham gia HTX

Chị Nên là một trong những người đầu tiên sản xuất lúa ST24, ST25 được chứng nhận VietGAP. Đây là những giống lúa chất lượng cao, tạo ra gạo đặc sản ở Đắk Nông.

Chị Nên cho biết, năm 2020, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh được thành lập với tư cách thành viên. Lúc bấy giờ, chính quyền địa phương tuyên truyền nên chị hiểu được vai trò của HTX trong việc giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. "Vào HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa VietGAP. Trồng lúa ST24, ST25 là những loại lúa được thế giới đánh giá chất lượng gạo ngon nhất thế giới, giúp chúng tôi bán được giá cao”, chị Nên chia sẻ.

Buôn Choáh là vùng đất trồng lúa khá thuận lợi, mỗi năm nông dân sản xuất được 2 vụ. Nông dân được các HTX tập huấn kỹ thuật lại trồng những giống lúa chất lượng cao nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Với 1,5ha trồng lúa ST24, ST25, mỗi vụ gia đình chị Nên thu hoạch từ 15-18 tấn lúa tươi. “Mấy vụ gần đây giá lúa tăng cao đã giúp gia đình phát triển kinh tế. Vừa rồi, gia đình bán lúa tươi giá 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tính thu về lợi nhuận tầm 60 triệu đồng/ha”, chị Nên cho biết.

Cánh đồng lúa VietGAP ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô

Cánh đồng lúa VietGAP ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô

Từ hiệu quả kinh tế của gia đình, chị Nên cùng HTX đã chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa VietGAP cho nhiều nông dân. Đến nay, những nông dân trở thành thành viên các HTX đều thấy rõ tham gia kinh tế tập thể là hướng đi đúng đắn.

Chị Bùi Thị Tuyến, xã Buôn Choáh cho biết, trước đây chị trồng những giống lúa năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 1-2 tấn/ha nên chỉ dùng để phục vụ trong gia đình và chăn nuôi gà, vịt cải thiện bữa ăn.

Từ khi trở thành thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, chị chuyển sang sản xuất lúa quy mô hàng hóa, bài bản. HTX có kế hoạch sản xuất ngay từ đầu mùa vụ. HTX đầu tư máy móc nên huy động làm đất, gieo sạ, làm cỏ đến thu hoạch lúa theo lịch cụ thể cho từng khu vực nên phòng trừ được sâu bệnh hại, tăng năng suất.

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh hiện có 304 hộ trở thành thành viên, với tổng diện tích lúa đạt VietGAP trên 440ha. Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc HTX cho biết, để có được diện tích lúa đặc sản như hiện nay, HXT phải xây dựng mô hình sau đó rút kinh nghiệm rồi mới chia sẻ cho bà con.

Trong quá trình sản xuất, HTX tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng cho nông dân và mua lúa với giá cao, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. “Những năm trước, sau 3 tháng trồng, nông dân trồng lúa trừ chi phí thu lời khoảng 30-40 triệu đồng/ha. Năm nay, giá lúa tươi tăng, lợi nhuận đạt từ 50-60 triệu đồng/ha nên nông dân rất phấn khởi”, ông Phạm Xuân Lai chia sẻ.

Xã Buôn Choáh được ví là vựa lúa của Đắk Nông. Nơi đây có diện tích lúa mỗi vụ lên tới 700ha. Trên địa bàn xã hiện có 2 HTX thu hút trên 400 nông dân trồng lúa trở thành thành viên.

Các HTX định hướng cho nông dân trồng lúa đặc sản và hướng dẫn kỹ thuật đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân. Đến nay, toàn bộ cánh đồng lúa đều sản xuất theo tiêu chuẩn và được chứng nhận VietGAP.

HTX thu hút gần 18.000 nông dân

Đắk Nông hiện có 177 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, các HTX không đơn thuần sản xuất mà còn đầu tư chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm. Đây cũng là điểm cộng ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều nông dân tham gia kinh tế tập thể.

Chị Nguyễn Thị Tốt, thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song chia sẻ kỹ thuật ủ phân sinh học cho các nông dân

Chị Nguyễn Thị Tốt, thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song chia sẻ kỹ thuật ủ phân sinh học cho các nông dân

Chị Nguyễn Thị Tốt, thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 3ha cà phê. Chị Tốt cho biết, chị đã có 20 năm trồng cà phê nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình làm phân bón hữu cơ, thuốc hữu cơ để phục vụ trồng cà phê hữu cơ. Chị không nghĩ đến việc rang, xay, thử nếm loại nông sản này. Thế nhưng, khi trở thành thành viên HTX thì chị đã nắm bắt toàn bộ kiến thức trên.

HTX Tia Sáng, TP. Gia Nghĩa đóng gói sầu riêng xuất khẩu

HTX Tia Sáng, TP. Gia Nghĩa đóng gói sầu riêng xuất khẩu

Chị được HTX hướng dẫn kỹ thuật ủ phân sinh học, thuốc sinh học từ những phụ phẩm nông nghiệp. HTX bố trí cho các thành viên học tập kỹ thuật rang, xay, chế biến pha cà phê…

"Những điều này trước đây, tôi không hề nghĩ đến và nó giúp tăng kinh tế cao hơn hẳn cho gia đình. Giờ đây, tôi không chỉ đơn thuần là nông dân chỉ biết trồng trọt mà còn trở thành kỹ thuật chế biến nông sản của HTX”, chị Tốt chia sẻ.

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông cũng như nhiều HTX khác ở Đắk Nông hiện đã sản xuất khép kín và thu hút được nhiều nông dân. Nông sản của nông dân được HTX thu mua đã tạo đầu ra thuận lợi, không bị ép giá, thậm chí cao hơn nhiều so với thị trường.

Đắk Nông hiện có 294 HTX, 181 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Các HTX có tổng vốn điều lệ trên 338 tỷ đồng, thu hút gần 18.000 nông dân trở thành thành viên, thành viên liên kết và tạo việc làm cho trên 8.200 lao động.

Những năm qua, kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với tầm quan trọng đó, Đắk Nông đang đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết, đơn vị đang phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Ở Đắk Nông ngày càng có nhiều nông dân mong muốn tham gia kinh tế tập thể để phát triển kinh tế. Kinh tế tập thể ngày càng thể hiện rõ sứ mệnh, vai trò dẫn dắt nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Đồ họa: Thanh Nga

Đồ họa: Thanh Nga

Ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá: Đắk Nông là tỉnh nông nghiệp, có tới 70% nông dân. Đời sống của nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, các huyện, thành phố đã có nhiều HTX sản xuất hiệu quả. Các HTX đã tổ chức sản xuất, thu mua nông sản, chế biến sâu các loại nông sản. Nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, được thị trường trong nước, quốc tế đánh giá tốt, góp phần nâng cao kinh tế cho nông dân.

Đắk Nông đang thực hiện Chương trình hành động số 54-CTr/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 272 về thực hiện Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là những tiền đề quan trọng để kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 300 tổ hợp tác, với trên 4.200 thành viên; 360 HTX, với 17.000 thành viên. Đến năm 2045, Đắk Nông thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; bảo đảm trên 90% đơn vị hoạt động có hiệu quả, trong đó ít nhất 75% tham gia chuỗi liên kết.

Phan Thanh Nga

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/khi-nong-dan-dak-nong-chon-kinh-te-tap-the-228254.html