Khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất
Vốn là dân 'tay ngang' nhưng với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, nhiều nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Men theo con đường đất, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thu Hằng (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) để tìm hiểu về mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4, chị Hằng kể: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên nhưng lại rất thích trồng trọt, chăn nuôi nên thường lên mạng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi khác nhau. Sau thời gian nghiên cứu, vợ chồng tôi quyết định mua 40 con chim trĩ đỏ giống với giá 1,2 triệu đồng về nuôi thử nghiệm”.
Hiện nay, vợ chồng chị Hằng nuôi 50 con chim trĩ đỏ, trong đó có 28 con chim trĩ đỏ mái, bình quân mỗi ngày thu hoạch khoảng 23 trứng. Chim trĩ đỏ có sức đề kháng mạnh nên rất ít bệnh. Thức ăn cho chim giống thức ăn cho gà. Hơn 6 tháng, chim trĩ đỏ mái bắt đầu đẻ trứng, mỗi con mái trưởng thành trong một năm có thể đẻ từ 90-120 trứng (tùy theo điều kiện chăm sóc). Thịt chim trĩ đỏ và trứng được đánh giá không chỉ thơm ngon mà còn giàu protein, vitamin, sắt,... nên có giá khá cao, khoảng 160.000 đồng/kg; 10.000 đồng/trứng và 30.000 đồng/con chim trĩ đỏ giống. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Hằng có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Chị Hằng cho biết: “Về đầu ra của sản phẩm, chúng tôi không lo bởi hiện nay, nhu cầu thị trường rất lớn, trong đó có nhà hàng đặt hàng mà vợ chồng tôi không dám nhận. Nuôi chim trĩ đỏ khó nhất là khâu ấp trứng và nuôi trong 1 tháng đầu sau khi trứng nở thành chim giống. Do đó, chồng tôi phải nghiên cứu máy ấp trứng, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Sau thời gian đầu gặp khó khăn, giờ đây, vợ chồng tôi đã nắm vững kỹ thuật ấp trứng và chăm sóc chim giống sau khi nở. Ít tốn công chăm sóc, ít tốn chi phí, lợi nhuận cao,... là những hiệu quả của mô hình nuôi chim trĩ đỏ mang lại cho gia đình tôi. Dự kiến, thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi chim trĩ đỏ”.
2. Ngược về xã Phước Lâm, chúng tôi đến tham quan vườn táo ruột hồng da xanh của anh Phùng Trí Tài. Để có được mảnh vườn 4.000m2 trồng táo ruột hồng da xanh, mang về thu nhập cao cho gia đình, ít ai biết rằng, anh Tài cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả để tìm kiếm được mô hình phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng. Anh Tài chia sẻ: “Trước đây, 4.000m2 đất này được gia đình trồng các loại rau. Song, do việc trồng rau cần nhiều thời gian chăm sóc, trong khi giá cả lại bấp bênh nên tôi tìm kiếm các mô hình trồng trọt khác. Sau thời gian nghiên cứu, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm vài gốc táo ruột hồng da xanh. Do đặc tính dễ trồng và thích hợp với thổ nhưỡng nên sau nhiều vụ, thấy năng suất cao, tôi nhân rộng ra trên 4.000m2 với hơn 200 gốc táo”.
Kỹ thuật trồng táo ruột hồng da xanh rất đơn giản, chủ yếu là phòng rầy và ruồi vàng đục trái. Theo đó, anh Tài dùng cách đặt bẫy để diệt rầy và ruồi thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Giống táo này trồng khoảng 6 tháng là bắt đầu cho trái nên anh Tài trồng xoay vòng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như bảo đảm được đầu ra. Bình quân mỗi ngày, anh Tài cung cấp cho thị trường từ 20-30kg táo với giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng thu về lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng.
Trong nông nghiệp, việc thay đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với nhu cầu của thị trường là đều dễ hiểu. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả thì đòi hỏi nông dân phải chịu khó tìm hỏi, nắm bắt thời cuộc để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho năng suất cao và được thị trường đón nhận, tránh vấp phải câu chuyện “cung vượt cầu”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-nong-dan-thay-doi-tu-duy-san-xuat-a140930.html