Khi nông dân Việt làm 'Nhạc kịch Broadway'
Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của những người nông dân mang tên 'Dòng sông không chảy ngược'.
(Toquoc)-Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của những người nông dân mang tên “Dòng sông không chảy ngược” sẽ diễn ra tnormal">rong hai ngày 30 và 31/08/2014 tại sân đình làng Khúc Thủy và Khê Tang thuộc xã Cự Khê - huyện Thanh Oai - Hà Nội.
Được nhào nặn từ chính những câu chuyện thường ngày của người nông dân, vở nhạc kịch này không chỉ kể chuyện, mà còn dành chỗ để người dân chủ động cất lên tiếng nói về những câu chuyện của bản thân mình, bằng một hình thức nghệ thuật vốn vẫn còn xa lạ ngay cả với những cư dân thành phố - nhạc kịch theo phong cách Broadway. Tuy nhiên, vở “nhạc kịch theo phong cách Broadway” này lại vô cùng gần gũi và mang đậm hồn cốt Việt.
Vở kịch là câu chuyện về cuộc đời của một con người gắn liền với dòng sông quê hương. Từ những tháng ngày êm đềm bên dòng sông, nhân vật Thạch ra đi và trở về với làng quê của mình. Thế nhưng, những kí ức mà Thạch vẫn trân trọng giữ gìn giờ chỉ còn trong tâm trí ông, khi dòng sông đã đổi khác và không còn như xưa. Trở ngại lớn nhất cũng như mong ước của ông Thạch, đó là thuyết phục chính vợ con và người làng mình thay đổi để cùng đồng lòng bảo vệ con sông.
Vở kịch không hướng tới việc xoáy sâu vào vấn đề và tìm xem lỗi của ai mà hướng tới tương lai, tình yêu và trách nhiệm. Những cảm xúc và sự nhân văn mà khán giả thường không mong chờ có thể có ở một sân khấu kịch mang tính tuyên truyền - giáo dục. Chắc chắn khi theo dõi vở kịch, khán giả sẽ có những giây phút được khóc, được cười, được sống cùng nhân vật và những câu chuyện của họ. Vở kịch sẽ không thiếu những khoảnh khắc khiến khán giả phải suy ngẫm.
Kết thúc vở kịch, người dân sẽ tự xây dựng cái kết cho vở kịch trong phần “diễn kịch giải pháp”. Thông qua sự định hướng và hỗ trợ về đạo cụ của Dự án, người dân hai địa phương sẽ tự xây dựng kịch bản, tự diễn xuất để thể hiện các giải pháp cải thiện môi trường nước sông Nhuê. Qua phần thi này, người dân sẽ thể hiện được cái nhìn của mình cũng như tự đưa ra các giải pháp thân thiện và thực tế với chính địa phương họ.
Không chỉ đơn thuần là kịch nói có nhạc, “Dòng sông không chảy ngược” kết hợp nhuần nhuyễn các bài hát Việt bất hủ cùng với vũ đạo và diễn xuất sáng tạo để tạo nên một vở nhạc kịch thật sự. Nhận xét về vở kịch này, chị Nguyễn Thị Bích Tâm, Trung tâm nâng cao năng lực Cộng đồng – CECEM chia sẻ: “Vở kịch có những đoạn làm tôi thực sự xúc động và rởn hết gai ốc. Tôi thực sự bất ngờ!”.
Trong khi đó, nhà báo Tạ Bích Loan đã nhận xét rằng: “Đây là một dự án mà các tác giả còn rụt rè về quy mô hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự thận trọng và mức độ quyết tâm của nhóm bạn trẻ này. Dựa trên phát hiện cụ thể về vấn đề lien quan đến môi trường và sức khỏe của người dân ở hai xã, các tác giả đã có một ý tưởng mới mẻ để tác động thay đổi nhận thức của người dân để cải thiện chất lượng cuộc sống. Dự án Đi và Mở đã thể hiện được tính sáng tạo cũng như ý thức trách nhiệm với cộng đồng của người trẻ thế hệ mới. Những nỗ lực đó rất đáng trân trọng và nuôi dưỡng.”
Cũng trong dịp này sẽ diễn ra buổi triễn lãm tranh “Dòng sông ước mơ” với việc trưng bày 30 bức tranh ý nghĩa và sáng tạo nhất được giải của 30 em học sinh tới từ trường tiểu học Cự Khê – xã Cự Khê – huyện thanh Oai – Hà Nội. Đây chính là những bức tranh được các em hoàn thành trong cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ xanh” diễn ra ngày 11/08/2014 tại trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ của các em về con sông Nhuệ quê hương.
Dự án “Đi và Mở” là một dự án phi lợi nhuận của sinh viên được thành lập vào đầu tháng 6 năm 2014 do Ban Thanh thiếu niên – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên Nước (WARECOD), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Trung tâm Đào tạo và Truyền thông về Môi trường (CETAC), Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) bảo trợ và được tài trợ của SLINE Club, và chương trình Quà tặng tương lai.
Thông qua các hoạt động nghệ thuật, dự án mong muốn nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên nước của người dân các làng nghề trong khu vực nhằm góp phần hồi sinh hai con sông và giúp cho người dân nơi đây, hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và bền vững hơn./.