Khi nông dân 'vượt lũy tre làng'
Nông dân trong giai đoạn hội nhập hiện nay không còn quanh quẩn sau lũy tre làng với mảnh ruộng riêng của mình. Nhiều nông dân đã đi Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tìm hiểu những nền sản xuất tiên tiến cũng như thị trường thế giới và áp dụng những hiểu biết mới vào việc sản xuất.
Nông dân cũng chủ động hơn trong việc tham gia các chuyến đi học thực tế từ những mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh, thành, tự tổ chức đưa nông sản đi hội chợ để tìm kênh tiêu thụ cho nông sản sạch, đặc sản địa phương.
* Xuất ngoại, học “sàng khôn”
Khởi nghiệp từ một vườn lan nhỏ, đến nay, ông Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Minh Quang (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã đầu tư được nhiều trang trại hoa lan công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương và các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ... Cứ mỗi trại lan, ông Hoài cho trồng thuần 1 giống hoa, chuyên nghiệp hóa từ đầu tư hạ tầng, quy trình trồng đến đội ngũ kỹ thuật. Để xây dựng được những vườn lan công nghệ cao, ông Hoài phải tự “lặn lội” đến tận vườn các công ty hoa lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan nhập cây giống, học kinh nghiệm chăm hoa, trồng hoa lan. Theo ông Hoài: “Tôi là đối tác của nhiều trang trại, công ty sản xuất, trồng lan công nghệ cao của Thái Lan, Đài Loan để được chuyển giao những công nghệ mới nhất của họ về giống. Xuất ngoại sản phẩm còn giúp tôi không ngừng nâng cao tay nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa theo hướng hữu cơ để hoa bền và đẹp. Tôi cũng học được rất nhiều về việc phát triển thị trường, xu hướng mới trong thiết kế mẫu mã trưng bày mà thị trường thế giới đang ưa chuộng”.
Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trái cây đặc sản tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cũng không tiếc tiền để xuất ngoại đi học làm nông công nghệ cao. Trang trại của ông được tổ chức theo mô hình trang trại của các nước hiện đại, làm nông thân thiện với môi trường, có khu xử lý rác thải, sản xuất an toàn. Ông Minh nhận xét, nhiều nông dân ngày nay bỏ tiền túi đi học kinh nghiệm làm nông của các nước để tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật mới của họ; cách tổ chức chuỗi tiêu thụ nông sản sạch, sản xuất hữu cơ...
Có thể, nông dân chưa ứng dụng được ngay hoặc chỉ một phần kiến thức, kinh nghiệm được tiếp cận nhưng quan trọng nhất là việc đi và học hỏi này giúp họ thay đổi về tầm nhìn khi tiếp cận, tìm hiểu về xu hướng và nhu cầu của thị trường thế giới. “Riêng tôi rất quan tâm đến những công nghệ, kỹ thuật mới mang tính đột phá của nông nghiệp thế giới. Cụ thể như ở Thái Lan, họ đầu tư rất mạnh khâu sản xuất giống, học và tìm hiểu kỹ về cấu trúc gen của từng loại cây trồng từ đó lập được quy trình chăm sóc phù hợp giúp nông sản không chỉ đạt về chất lượng mà có hình thức đẹp là yếu tố quan trọng nhất bán được giá tốt” - ông Minh nói.
* Tìm cơ hội bán hàng
Trước yêu cầu hội nhập, nông dân cũng dần thay đổi về tư duy không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất mà quan tâm đầu tư phát triển về thị trường để có đầu ra bền vững. Theo đó, Đồng Nai không thiếu những giám đốc hợp tác xã kiểu mới, chủ trang trại có tư duy quản lý, kinh doanh như một chủ doanh nghiệp thực thụ. Họ nhanh nhạy tiếp cận nhiều kênh bán hàng hiện đại nên cung cấp được hàng vào siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh thương mại điện tử; thậm chí xuất khẩu được sản phẩm từ vườn nhà.
Một trong những nội dung được Hội Nông dân tỉnh chú trọng là hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ qua các chương trình tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Dù qua tuổi 70 nhưng lão nông Nguyễn Long Sang, chủ trang trại nông nghiệp tổng hợp Quang Sang (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) vẫn ngược xuôi theo các chương trình hội chợ, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để quảng bá và tìm kênh tiêu thụ cho trái quýt đường và những trái cây đặc sản của địa phương. Theo ông Sang: “Làm nông thời hội nhập khác biệt rất nhiều so với cách làm truyền thống. Nếu muốn có đầu ra bền vững, nông dân không chỉ thay đổi về tư duy sản xuất mà phải đầu tư đúng mức để làm nhãn hàng hóa cũng như nỗ lực quảng bá để sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn”.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Nhật Tâm ngụ tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) chấp nhận bỏ công, bỏ của đi Thái Lan, Israel để tìm hiểu về cách làm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn trước khi đầu tư nhà màng trồng dưa lưới. Nhưng với người nông dân năng động này, thị trường mới là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại cho sự đầu tư của nông dân ngày nay. Ông mang mẫu trái cây sau thu hoạch đi kiểm tra để chứng minh đây là trái cây đạt chuẩn an toàn dù là bán hàng ở chợ huyện miền núi hay chào bán vào các cửa hàng trái cây sạch tại các khu đô thị lớn. Ông cũng lập kênh bán hàng online để quảng bá sản phẩm... “Sản phẩm của tôi hiện có doanh nghiệp ứng vốn trước và bao tiêu sản phẩm cho đơn hàng xuất khẩu. Tôi cũng đã xây dựng được mạng lưới khách hàng từ Nam ra Bắc; trong đó có nhiều đối tác là các hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp” - ông Tâm nói.
* Cơ hội không chờ đợi nông dân
Nông sản Việt đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Nông dân muốn có đầu ra bền vững thì phải chủ động thay đổi tư duy, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó, việc tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là lời giải cho bài toán phát triển bền vững.
Trước khi trở thành nông dân, ông Bùi Đình Anh ngụ xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) từng đi xuất khẩu lao động và có gần 10 năm sống ở các nước như: Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô (cũ)... Nhưng khi đầu tư trang trại trồng thanh long ruột đỏ rộng 40 hécta chuyên cung cấp cho thị trường xuất khẩu, ông vẫn thường xuyên đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc để nắm rõ những tiêu chuẩn cũng như nhu cầu tiêu thụ trái thanh long của các nước.
Ông Bùi Đình Anh nhận xét: “Muốn thành công trong giai đoạn hội nhập, nông dân không chỉ phải giỏi ở khâu sản xuất mà phải hiểu rõ nông sản mình làm ra sẽ bán đi đâu, bán cho ai và nhu cầu của họ là gì; những thay đổi về xu hướng của thị trường nội địa và thế giới...”.
TS.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng cho rằng, muốn xây dựng được những chuỗi liên kết đạt chuẩn xuất khẩu thì cần phải có những hợp tác xã vững mạnh làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Ở đây cần chính sách hỗ trợ đồng bộ từ quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn, vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu nông sản...
“Nhưng con người mới chính là yếu tố quyết định. Địa phương nên tạo điều kiện cho lãnh đạo của hợp tác xã và cả nông dân trong chuỗi liên kết đi tham quan, học tập những mô hình nông nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước để nâng cao sự hiểu biết, qua đó giúp họ đổi mới cả về tư duy và hành động trong sản xuất, kinh doanh” - TS.Trần Công Thắng gợi ý.
Kết quả trong 9 tháng của năm 2019, Hội Nông dân đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 304 lớp tập huấn, 212 buổi hội thảo cho trên 31,6 ngàn lượt cán bộ, hội viên về những công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất. Hội Nông dân các huyện và cơ sở cũng tổ chức được 26 đợt học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh cho 821 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Ngoài ra, Hội còn chú trọng hỗ trợ cho hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.