Khi nữ điều tra viên 'trái tim lầm chỗ để lên đầu'

Chuyện xảy ra vào đầu những năm 1990 tại trại giam 'Kresty' ở Leningrad khiến cả Liên bang Xôviết choáng váng. Sergey Maduev, một tên tướng cướp khét tiếng sắp bị kết án tử hình, đã thực hiện một hành động vượt ngục táo bạo bằng vũ khí mà nữ điều tra viên Natalya Vorontsova tự nguyện trao cho y. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc mối tình vừa chớm nở giữa hai con người đặc biệt này.

"Robin Hood" mang súng lục

Dưới thời Xôviết, Kazakhstan trở thành chốn nương thân của nhiều người của các dân tộc bị trục xuất. Tại đây, năm 1956, cậu bé Sergey Maduev đã chào đời. Bố cậu là người Chechnya và mẹ người Triều Tiên từng bị giam giữ tại một nhà tù địa phương, vì vậy con trai họ cũng trải qua những năm đầu đời sau hàng rào thép gai. Năm Sergey lên 6 tuổi, bố cậu đi theo người phụ nữ khác, còn mẹ cậu bắt đầu uống rượu và đưa người tình vào nhà. Bị bố mẹ bỏ rơi, Sergey sớm giao du với đám bạn bè chuyên hành nghề trộm cắp.

Nữ điều tra viên Natalya Vorontsova

Nữ điều tra viên Natalya Vorontsova

Tháng 8 năm 1974, Sergey bị kết án 6 năm tù vì tham gia một vụ trộm. 10 tháng sau khi được trả tự do, y lại lấy trộm hơn 50.000 rúp, một khoản tiền rất lớn vào thời kỳ ấy, từ két sắt của nông trang mang tên 30 năm nước Cộng hòa XHCN Xôviết Kazakhstan, vì thế lại phải ngồi tù 15 năm. Trong tù, Sergey hành xử như ở nhà, y được các bạn tù nể trọng, tự nhận mình là “tên trộm ngoài vòng pháp luật”. Điều này không làm hài lòng những tên trùm tội phạm địa phương. Không biết mâu thuẫn này sẽ kết thúc như thế nào, nếu Sergey không bị chuyển đến một trại giam khác, nơi y đã vươt ngục trót lọt vào năm 1988.

Maduev bị đưa vào danh sách truy nã toàn Liên bang, nhưng việc theo dõi và truy bắt tên tội phạm khét tiếng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Chưa đầy vài tháng sau khi vượt ngục, Maduev đã cùng đồng bọn tham gia một vụ cướp dã man ở tỉnh Rostov, bắn chết cặp vợ chồng. Cướp xong, chúng phóng hỏa đốt nhà. Sau này, Maduev thú nhận rằng có đứa bé một tuổi ở phòng ngủ đã chết trong lúc hỏa hoạn.

Phạm nhân Sergey Maduev

Phạm nhân Sergey Maduev

Tháng 10 năm 1989, bàn tay Maduev lại dính máu nạn nhân thứ tư: y bắn trọng thương nữ chủ nhân một căn hộ ở Leningrad, khi bà ta tìm cách gọi điện báo cảnh sát. Và vài tháng sau, Maduev lại bắn chết người gác cửa của một quán cà phê ở Leningrad, khi anh ta bắt y cởi bỏ áo ngoài. Tên tội phạm im lặng lắng nghe lời nhắc nhở của người gác cửa, sau đó bình tĩnh hỏi: "Mày đã nói xong chưa?". Trong giây lát, y rút súng lục nã đạn vào người gác cửa trước sự chứng kiến của hàng chục người. Quay lại, Maduev hỏi các thực khách đang vô cùng sửng sốt: "Các vị còn muốn gì nữa không?"

Maduev rất khoái những trò diễn như vậy. Thậm chí trong đời thường, y cũng không bỏ lỡ cơ hội để phô diễn sự độc đáo của mình, y thường diện bộ vest lịch sự, tay xách chiếc cặp ngoại giao da hợp mốt, mời kem bọn trẻ trong sân hoặc trả tiền boa hậu hĩnh khi đi taxi. Dĩ nhiên, y cũng chinh phục được nhiều trái tim phụ nữ bằng những cử chỉ hào hiệp như vậy, khiến họ phải lòng y ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bằng những lời có cánh và quà tặng đắt tiền, y có thể sai khiến những người tình của mình làm bất cứ điều gì từ dâng hiến y trong lần gặp đầu tiên đến cho phép y tá túc trong căn hộ của họ. Không một người tình nào của y mảy may nghi ngờ rằng bên cạnh mình là một tên giết người máu lạnh ẩn sau chiếc mặt nạ của một quý ông hào hiệp.

Dần dần, cái tên Sergey Maduev được bao phủ bởi nhiều huyền thoại. Dân gian đồn thổi y chỉ cướp những doanh nhân ngầm làm giàu bất chính, và đối xử tử tế với những người nghèo. Vì thế, Sergey Maduev được mệnh danh là "Robin Hood" của Liên Xô. Thực ra, y là một kẻ sát nhân tàn nhẫn có “những hành động đẹp” chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình.

"Nếu yêu anh, em sẽ tự hủy hoại mình"

Mãi đến ngày 8 tháng 1 năm 1990, Sergey Maduev mới bị bắt giữ tại một ga tàu hỏa, khi y đang tìm cách đáp chuyến tàu Tashkent-Moscow. Ngay lập tức, các chiến sĩ đặc nhiệm tịch thu khẩu súng lục của y, nhưng lại quên kiểm tra quần áo. Do đó, chọn đúng thời điểm, Maduev rút một quả lựu đạn ra khỏi túi quần, dùng răng cắn chốt và tuyên bố sẽ buông tay, nếu họ không cung cấp cho y một chiếc ô tô và một cặp đựng tiền. May mắn thay, tình huống đã được giải cứu bởi một tay súng bắn tỉa từ một vị trí gần đó: anh ta bắn vào tay Maduev khiến y đánh rơi quả lựu đạn. Không có tiếng nổ, hóa ra, lựu đạn giả. Tên tội phạm vô cùng tức giận: y mua phải của rởm!

Đại tá KGB Vladimir Georgyev

Đại tá KGB Vladimir Georgyev

Ít lâu sau, Maduev được chuyển đến trại giam "Kresty" ở Leningrad (nay là Saint-Petersburg), và nhóm điều tra của Viện Công tố Liên Xô đã tiến hành thẩm vấn y. Phạm nhân bị tình nghi thực hiện khoảng 60 vụ cướp của, giết người, nên ai cũng hiểu là y sẽ bị kết án tử hình. Bản thân Maduev cũng nhận thức rõ điều đó nên quyết định câu giờ: y thay đổi lời khai của mình, thú nhận cả những tội ác mà y không hề phạm phải và kể đủ thứ chuyện bịa đặt.

Trong các cuộc hỏi cung, Maduev xử sự như một diễn viên thực thụ - y xuất hiện trước mặt các điều tra viên trong bộ vest trắng, chậm rãi châm thuốc hút, thích triết lý, cười đùa liên tục. Quả thật, điều đó có tác dụng như thôi miên người khác. Ngay cả Trưởng nhóm điều tra, Leonid Proshkin, cũng thừa nhận rằng Maduev là một người dễ tiếp xúc và lôi cuốn. Rõ ràng, Maduev hy vọng y có thể tác động đến Proshkin, thuyết phục ông về sự vô tội của mình. Tuy nhiên, thủ đoạn đó không đánh lừa được ông, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.

Viễn cảnh về án tử càng hiện rõ trước mắt, Maduev càng tuyệt vọng tìm kiếm một người trong số các điều tra viên có thể bị y lôi cuốn. Một người sẵn sàng mạo hiểm tất cả để cứu y. Ít lâu sau, y được nữ điều tra viên Natalya Vorontsova thẩm vấn, cô là nữ điều tra viên duy nhất cho những vụ án đặc biệt quan trọng trong nhóm của Proshkin. Không, cô không phải lòng y ngay từ cái nhìn đầu tiên. Là một cán bộ xuất sắc và cầu toàn, Vorontsova bình tĩnh, nhất quán khám phá nhiều vụ án cực kỳ phức tạp và đưa ra ánh sáng những tên tội phạm nguy hiểm nhất, vì thế cô được vào làm việc tại Viện Công tố Liên Xô. Cô đã dành biết bao công sức phấn đấu cho sự nghiệp của mình để có thể chấp nhận hy sinh nó vì nụ cười của một tên tướng cướp.

Trại giam “Kresty” ở Saint Petersburg

Trại giam “Kresty” ở Saint Petersburg

Vì vậy, Maduev hiểu rằng phải hành động thận trọng và từ từ. Trước hết, y tìm thấy một "nhược điểm" của Vorontsova - ý thức về lẽ công bằng. Y quyết định tác động vào điều đó. “Làm sao tôi có thể giết người này, nếu có bằng chứng cho thấy vào thời điểm xảy ra vụ án, tôi đang dự đám cưới ở một nơi hoàn toàn khác?” - Maduev cầu khẩn nhìn vào mắt nữ điều tra viên nói. Người phụ nữ lật lại tất cả các tài liệu đính kèm hồ sơ vụ án và nhận ra rằng quả thật có điều gì đó bất ổn. Càng phát hiện ra nhiều mâu thuẫn, cô càng hoài nghi: có thể con người này chỉ phạm một phần nhỏ tội ác, nhưng những người khác cố tình buộc tội anh ta để khép lại một vụ án không thể khám phá? Cô báo cho Proshkin về những hoài nghi của mình, nhưng ông gạt phăng: “Chỉ cần hai vụ giết người mà tên cướp đã gây ra ở Leningrad cũng đã đủ để xử tử y rồi. Có gì khác đâu?”.

Nhưng Vorontsova quả là không thể nhắm mắt làm ngơ trước điều đó. Nhận thấy nữ điều tra viên có thiện cảm với mình, Maduev quyết định tiếp xúc gần gũi hơn với cô. Trong các cuộc thẩm vấn, y ngày càng cố tình đi lạc đề, y kể cho Vorontsova nghe về gia đình mình, chia sẻ với cô những tình cảm và ước mơ thầm kín. Nghe y nói, nữ điều tra viên nghĩ bụng: Maduev không phải là người xấu như vậy, đơn giản là cuộc sống quá tàn nhẫn với y. Và đến một lúc nào đó, cô hiểu rằng cô sẵn sàng làm tất cả vì người đàn ông này. Maduev mỉm cười trìu mến đáp lại và dang tay ôm cô, trên đó có xăm dòng chữ: “Nếu yêu anh, em sẽ hủy hoại chính mình”.

Đầu hàng

Sáng ngày 3/5/1991, Sergey Maduev đã thực hiện một trong những hành động liều lĩnh nhất để trốn khỏi trại “Kresty”. Ngày hôm đó, y bị dẫn đến Moscow để điều tra. Rời phòng giam cùng với những người áp giải, tên tội phạm bất ngờ rút khẩu súng lục đã nạp đạn và bắn vào tường. Một người áp giải bị Maduev bắn vào bụng khi định ngăn cản y. Sau đó, phạm nhân chạy ra hành lang để tẩu thoát, nhưng cửa vẫn đóng. Đúng lúc đó, tiếng còi báo động vang lên. Maduev định bắn trả tốp lính gác cầm súng máy chạy vào hành lang, nhưng khẩu súng lục ổ quay của y bị kẹt. Y thả súng xuống sàn và giơ hai tay đầu hàng.

Rõ ràng, hành động đào tẩu táo bạo này khiến xã hội nổi giận. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất làm đau đầu Đại tá KGB Vladimir Georgyev, người được giao nhiệm vụ điều tra vụ này, là: Maduev lấy vũ khí ở đâu? Khẩu súng lục ổ quay của y được cất giữ trong kho vật chứng. Chỉ các thành viên trong nhóm điều tra của Leonid Proshkin mới được tiếp cận. Maduev từ chối hợp tác với nhóm điều tra và nêu tên kẻ tòng phạm. Nhưng khi Georgyev thông báo với y rằng họ biết chắc chắn chỉ Vorontsova mới có thể giao khẩu súng lục ổ quay cho y (vì những người khác đều có bằng chứng ngoại phạm), Maduev bắt đầu lo lắng. Viên đại tá nói thêm rằng chỉ một lời thú tội thẳng thắn mới có thể giảm nhẹ tội lỗi của cô ấy, và y đã đồng ý hợp tác.

Georgyev bố trí cuộc gặp giữa Maduev và Vorontsova. Một camera và micro đã được bí mật gắn trong bức tường phòng giam, nơi diễn ra cuộc gặp: các điều tra viên dự kiến rằng Maduev và Vorontsova sẽ nói về vụ vượt ngục bất thành và kẻ tòng phạm sẽ ra đầu thú. Nhưng mọi chuyện diễn ra thậm chí còn bất ngờ hơn mong đợi. “Maduev ngay lập tức ra hiệu cho Vorontsova ngồi xích lại để y có thể nói thầm, - đại tá nhớ lại. - Y sợ chúng tôi nghe lén, và quả thật, chúng tôi không nghe được họ nói gì. Nhưng rất nhanh sau đó, họ ôm hôn nhau, rõ ràng là quan hệ của họ đã vượt xa mối quan hệ giữa điều tra viên và phạm nhân. Tất nhiên, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, vì không lường trước một kịch bản như vậy. Nhưng điều này làm cho nhiệm vụ của chúng tôi dễ dàng hơn, còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật”.

Ngày hôm sau, Vorontsova bị bắt. Lúc đầu, cô ta không chịu thừa nhận tội lỗi của mình và tuyên bố sẽ viết đơn khiếu nại lên các cấp trên. Sau đó, Georgyev tiến tới màn hình TV và bình tĩnh nói: "Còn bây giờ, thưa chị Natalya, chúng ta hãy cùng xem phim". Trên màn hình, xuất hiện cảnh gặp gỡ giữa Vorontsova và Maduev. Không còn lý do để phản đối. Vorontsova bật khóc và chấp nhận viết lời thú nhận. Ngay lập tức, cô ta bị đuổi khỏi Viện Công tố Liên Xô, và năm 1993, bị kết án 7 năm tù.

Trần Đình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/khi-nu-dieu-tra-vien-trai-tim-lam-cho-de-len-dau-i691837/