'Khi oan sai, hội thẩm cũng phải bồi thường như thẩm phán'
Hội thẩm nhân dân vừa xác định sự thật của vụ án, vừa áp dụng pháp luật bằng biểu quyết tội gì và bao nhiêu năm; do đó khi xảy ra oan sai, hội thẩm cũng phải bồi thường.
Chiều 19-1, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân.
Tại phiên họp, TAND Tối cao đã trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh thẩm phán, giấy chứng minh hội thẩm.
Theo đó, TAND Tối cao đề xuất sửa đổi, thay thế trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân từ bộ comple thành áo choàng và bổ sung phù hiệu hội thẩm nhân dân.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết 16.000 hội thẩm nhân dân đều rất tha thiết đề nghị xin thay đổi sang trang phục áo choàng.
Bàn về tính nhân dân và vai trò của hội thẩm nhân dân, ông Bình cho rằng luật của chúng ta không giống bất cứ luật nào trên thế giới.
HĐXX có hai nhiệm vụ là xác định sự thật của vụ án và áp dụng pháp luật để đưa ra phán quyết. Ở các nước, khi tham gia xét xử, nhân dân chỉ được tham gia xác định sự thật của vụ án, không được tham gia áp dụng pháp luật.
“Nhưng chúng ta cho hội thẩm nhân dân vừa xác định sự thật của vụ án, vừa áp dụng pháp luật bằng biểu quyết tội gì và bao nhiêu năm. Chính vì vậy, trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi oan sai, hội thẩm nhân dân cũng phải bồi thường như thẩm phán” - ông Bình nói.
Ông Bình cũng một lần nữa khẳng định địa vị trong phiên xét xử của hội thẩm khác với tất cả quốc gia nên rất khó để tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc này.