Khi ông Troussier không cần cầu thủ chơi thực dụng

Các học trò HLV Troussier không được phép chơi thực dụng hay họ không còn sức để chống chọi với một đối thủ sung mãn trong khi Việt Nam đã hết quyền thay người từ phút 67…

Phút 90+6 tức thời gian của 6 phút bù giờ đã gần hết và tất cả đều chỉ chờ tiếng còi kết thúc trận đấu thì thủ môn Đặng Văn Lâm chuẩn bị phát bóng lên. Đó lại không phải là đường chuyền gần cho đồng đội tổ chức giữ bóng để chờ hết giờ mà là quả phát bóng dài lên quá nửa sân. Khi Đặng Văn Lâm lấy đà chuẩn bị phát bóng thì tất cả cầu thủ Việt Nam tràn hết lên trên qua cả phần sân Iraq với chủ đích tranh chấp xa cầu môn nhà.

Đuối sức, nằm sân cũng phải đá

Từ phần trống trải rộng lớn bên phần sân nhà đấy, Iraq cướp bóng và thoát xuống thật nhanh bằng tốc độ của những cầu thủ mới vào sân trong khi Tuấn Tài với cái chân đau bị căng cơ nhưng vẫn mím môi chạy trối chết về trong đau đớn. Tài không theo kịp cầu thủ Iraq vừa đau đớn vừa bất lực nhìn đối thủ thực hiện cú căng ngang cho Mohanad Ali lao như tên bắn giữa Việt Anh - Thanh Bình và thắng cả sải tay của Đặng Văn Lâm ghi bàn ở phút 90+7.

 Một trận thua đau đớn ở những giây cuối nhưng phải thừa nhận lực bất tòng tâm. Ảnh: HẢI THỊNH

Một trận thua đau đớn ở những giây cuối nhưng phải thừa nhận lực bất tòng tâm. Ảnh: HẢI THỊNH

Tuấn Tài ôm mặt khóc có lẽ vì tiếc nuối nhiều hơn đau đớn mà vẫn phải cày ải vì đội đã hết quyền thay người từ phút 67. Các đồng đội của Tài cũng đổ xuống sân tiếc cho những nỗ lực vắt kiệt đến phút cuối để rồi phải nhận bàn thua quá đau, quá khắc nghiệt.

Họ, các cầu thủ xứng đáng nhận những lời khen vì tinh thần thi đấu và vì sự quả cảm nhưng đâu đó vẫn có những tiếc nuối “Giá mà họ thực dụng một tí thì không phải đón nhận cái thua đau như thế!”.

Con đường cho chiến dịch World Cup còn rất dài nhưng qua những lần chạm trán thực thụ với những đối tượng khác nhau có lẽ ông Troussier càng hiểu hơn về sự thực dụng cần thiết.

Ông Troussier không muốn các học trò mình chơi thứ bóng đá thực dụng kể cả suốt 90+6 phút kiên cường với 1 điểm cộng từ trận đấu và cũng là điểm cộng từ tinh thần. Dù không muốn nhưng người xem không thể không nhận ra ông sững sờ như thế nào với hình ảnh bất động sau bàn thua ở những giây cuối. Bàn thua mà ông nói rằng như thế sẽ giúp các học trò ông có những bài học thật hữu ích nhưng rõ ràng ai cũng thích học được mà có điểm hơn bởi họ xứng đáng được như thế.

Lối chơi kiểm soát bóng không tác dụng

Sự mâu thuẫn thể hiện rất rõ trong trận thua Iraq 0-1 từ triết lý kiểm soát bóng nhưng suốt trận đấu các học trò ông Troussier chỉ có vài pha lên bóng vào những phút đầu hiệp 2 với họa hoằn một lần xuống được đáy biên của Tuấn Hải. Mâu thuẫn đấy càng lớn hơn khi chỉ vào giây hết trận mà các học trò ông Troussier đẩy lên rất cao để tranh chấp xa cầu môn hơn là cầm bóng, giữ bóng từ sân nhà vì sợ không đủ sức để tranh chấp với một đối thủ quá sung, quá khỏe.

Đá với một đối thủ mạnh chắc chắn phải chơi nặng về phòng ngự nhưng giữa phá bóng và tổ chức phòng ngự và lấy phòng ngự làm nền tảng để phản công thì các học trò HLV Troussier vẫn chưa thực hiện được.

Sau trận thua Iraq, nhiều cầu hỏi đề cập đến Hoàng Đức, đến Hùng Dũng, những mẫu cầu thủ có khả năng giữ bóng và tổ chức tốt ở giữa sân thì HLV Troussier trả lời thẳng thắn rằng các cầu thủ đấy chưa phù hợp và chưa thích nghi được với lối chơi và triết lý của ông. Ngay cả các trang báo quốc tế và AFC cũng đề cập nhiều về một đội bóng trẻ và phân tích cái thua của những người trẻ.

Con đường cho chiến dịch World Cup còn rất dài nhưng qua những lần chạm trán thực thụ với những đối tượng khác nhau có lẽ ông Troussier càng hiểu hơn về sự thực dụng cần thiết.

Một trận thắng Philippines được chính ông Troussier thừa nhận là chưa tận dụng tốt và một trận thua với tỉ số tối thiểu nhưng lại vỡ ra nhiều vấn đề. Liệu sang năm 2024 với bốn trận còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2026 có những thay đổi cần thiết để tiếp tục mục tiêu dài hơi của bóng đá Việt Nam?

NGUYỄN HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-ong-troussier-khong-can-cau-thu-choi-thuc-dung-post762929.html