Khí phách của nữ đặc nhiệm Iran tung hoành trên sa mạc
Iran hiện có 4.000 phụ nữ được đào tạo để trở thành ninja nữ. Họ chuyên tâm luyện tập mọi kỹ năng trên sa mạc mênh mông từ võ thuật, đao pháp, cung tên… để trở thành những nữ chiến binh dũng mãnh. Đàn ông Hàn Quốc đầu tư làm đẹp; Bang Alabama (Mỹ) đang cân nhắc áp dụng biện pháp thiến hóa học đối với tội phạm ấu dâm là những tin giới nổi bật ngày 11/6.
1. Iran có một đội nữ đặc nhiệm được đào tạo võ thuật tấn công và thành thục các kỹ năng. Đơn vị này có trụ sở ở lâu đài Jughin được thành lập từ năm 1989, cách thủ đô Tehran khoảng 40km.
Iran hiện có 4.000 phụ nữ được đào tạo để trở thành kunoichi - ninja nữ. Họ chuyên tâm luyện tập mọi kỹ năng trên sa mạc mênh mông từ võ thuật, đao pháp, cung tên… để trở thành những nữ chiến binh dũng mãnh. Những nữ chiến binh thường mặc đồng phục ngụy trang thực hiện những cú đá cao - một trong những kỹ năng học được trong quá trình đào tạo. Các nữ chiến binh còn học cách leo trèo và nhảy tường trong quá trình huấn luyện. Họ cũng học cách xử lý những vũ khí khổng lồ là thanh long đao với độ chính xác cực cao.
2. Tại Hàn Quốc, quốc gia được xem là trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới, ngày càng có nhiều đàn ông luôn cảm thấy mình chưa đủ đẹp.
Với suy nghĩ đẹp sẽ thành công, nam giới tại “xứ sở Kim chi” ngày nay quan tâm hơn đến ngoại hình và sẵn sàng chi tiền để "dao kéo" cải thiện nhan sắc.
Theo Andrew Dunne - giảng viên Đại học Chosun ở Gwangju, nhiều người Hàn Quốc xem phẫu thuật thẩm mỹ là một khoản đầu tư xứng đáng. Ông Dunne chỉ ra rằng, tại Hàn Quốc những định kiến liên quan đến vẻ ngoài rất phổ biến và tồn tại trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhà nghiên cứu lấy ví dụ một số người mai mối ở Hàn thường đánh giá khuôn mặt là yếu tố hấp dẫn nhất, thậm chí quan trọng hơn các phẩm chất khác như tính cách, học vấn, gia đình của một đối tượng.
Trong một cuộc khảo sát gần đây với hơn 200 nhà tuyển dụng Hàn Quốc, gần 70% thừa nhận rằng vẻ ngoài của ứng viên ảnh hưởng nhiều đến quyết định của họ.
3. Các nhà lập pháp bang Alabama (Mỹ) đã phê duyệt dự luật về việc áp dụng thiến hóa học đối với tội phạm ấu dâm lần cuối cùng vào tuần trước và đang đệ trình lên Thống đốc bang Kay Ivey để chờ phê duyệt.
Dự luật yêu cầu tội phạm ấu dâm tự trả tiền thuốc, dù các khoản phí có thể miễn đối với những đối tượng không đủ khả năng mua. Luật cũng sẽ yêu cầu một nhân viên của Sở Y tế Alabama quản lý thuốc.
Thiến hóa học liên quan đến việc dùng thuốc ngăn chặn sản xuất testosterone để làm giảm ham muốn tình dục của nam giới. Nếu dự luật được thông qua thành luật, Alabama sẽ trở thành bang thứ 8 ở Mỹ áp dụng biện pháp thiến hóa học hoặc vật lý đối với tội phạm ấu dâm.
Trên thế giới, ngoài Mỹ, một số nước như Ba Lan, Nga, Anh, Indonesia và Hàn Quốc cũng áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với các tội phạm ấu dâm.