Khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình, người dân có thể báo tin cho ai, bằng hình thức nào?
* Bạn đọc Sùng Mí Mua ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình, người dân có thể báo tin cho ai, bằng hình thức nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 19, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:
1. Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
b) Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
d) Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 điều này thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Gọi điện, nhắn tin;
b) Gửi đơn, thư;
c) Trực tiếp báo tin.
* Bạn đọc Đỗ Viết Mẫn ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, theo quy định mới thì thông tin thiết yếu ở cơ sở gồm những nội dung gì?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Cụ thể như sau:
1. Thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, những sự kiện quan trọng liên quan đến người dân ở địa phương.
2. Những thông tin liên quan đến người dân ở địa phương:
a) Thông tin về dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương;
b) Thông tin liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;
c) Thông tin liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và công tác quân sự ở địa phương;
d) Thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; hỏa hoạn; cấp cứu, dịch bệnh; thảm họa xảy ra ở địa phương hoặc có ảnh hưởng đến địa phương;
đ) Thông tin về gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực;
e) Thông tin các biện pháp đấu tranh phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
g) Thông tin sản phẩm, dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống của người dân ở địa phương.
3. Những thông tin khác theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.