Khi phim tài liệu ra rạp

Theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập là một thử thách. Để phát hành và có lợi nhuận, quả là gian nan lắm thay.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Thời của phim tài liệu chiếu rạp không còn nữa! Chúng ta thường nghe lời cảm thán này từ những người yêu thích dòng phim tài liệu, kể từ khi làn sóng kinh tế thị trường lớp lớp chi phối hoạt động, chiến lược kinh doanh của các rạp chiếu. Phim thương mại luôn là ưu tiên số một, bởi dễ tiếp cận số đông khán giả, mang về doanh thu lớn cho nhà làm phim và nhà rạp.

Thế nên, rất dễ hiểu vì sao một tác phẩm phim truyện dù được giải thưởng từ các liên hoan phim danh giá, nếu trong vòng một tuần không tạo được lợi nhuận tốt thì cũng phải vui vẻ rời rạp chiếu, nói gì đến những bộ phim tài liệu. Hơn nữa lại là phim tài liệu độc lập với thời lượng ngang một phim truyện dài.

Trong danh sách ít ỏi các phim tài liệu độc lập tiếp cận được với một lượng khán giả ngoài rạp chiếu, có thể kể ra ngay: “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo, “Màu cỏ úa” của đạo diễn Lan Nguyên.

Những phim này, ngoài chất lượng thì để ra được rạp còn nhiều yếu tố hỗ trợ: Tên tuổi hay số phận đặc biệt của nhân vật, cách khai thác đề tài của đạo diễn, tìm được nhà phát hành tốt, sự hỗ trợ nhất định từ phía nhà rạp…

Ở thời điểm này, bộ phim tài liệu độc lập “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm cũng đang tìm đường ra rạp, sau khi đã đi một vòng tham gia các liên hoan phim tài liệu lớn nhỏ trên thế giới.

Cần phải xin các giấy phép, cần phải tìm một đơn vị phát hành, cần phải thỏa thuận mức giá thuê rạp chiếu… Rất nhiều thứ “cần phải” trong khi nhà sản xuất không đủ năng lực về tài chính.

Và tất nhiên, tài chính luôn là gánh nặng lớn nhất, khi việc làm phim ở nước ta vẫn chưa được vận hành trên một nền tảng chuyên nghiệp. Huống chi, đó lại là dòng phim tài liệu độc lập còn đầy mới mẻ, các dự án phim được lên kế hoạch từ cá nhân và thường phải nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ của các quỹ điện ảnh, các chợ dự án trên thế giới.

Đến bao giờ phim tài liệu mới bình đẳng ngoài rạp chiếu? Ra rạp rồi thì làm thế nào để trụ được ở rạp? Làm thế nào để nhà sản xuất có thể thu hồi vốn, tái đầu tư cho những dự án sau?

Rất nhiều câu hỏi. Những câu hỏi thường ở trong một vòng luẩn quẩn như thế. Và câu trả lời lại vượt khả năng, vượt tầm kiểm soát của những cá nhân, những tổ chức đơn lẻ.

Theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập là một thử thách. Để phát hành và có lợi nhuận, quả là gian nan lắm thay!

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-phim-tai-lieu-ra-rap-post628251.html