Khi phim truyền hình không cần... nhân vật chính
Phim truyền hình Việt vẫn đang tiếp tục nhận được tình cảm yêu mến của khán giả thông qua những bộ phim chân thực, gần gũi. Để có được điều này, các nhà làm phim đã không ngừng làm mới các khâu từ kịch bản, chọn diễn viên đến cách làm phim... Và một trong những thay đổi khá hiệu quả đó là tập trung đầu tư 'đa số hóa' vai diễn, kéo gần khoảng cách các vai chính - phụ...
Nếu như trước đây, ở những bộ phim truyền hình 1 tập, ngắn tập hay dài tập, câu chuyện phim thường chỉ tập trung vào 1-2 nhân vật chính. Và nội dung phim cơ bản xoay quanh diễn biến của cuộc đời, số phận số ít nhân vật này. Vì thế, nhân vật chính được chăm chút từ tính cách, tâm lý, số phận đến việc lựa chọn ai thể hiện vai diễn ấy. Ngoài các nhân vật chính, thông thường các nhân vật phụ còn lại trong phim ít được đầu tư nên tính cách, tâm lý khá mờ nhạt.
Kết quả là những nghệ sĩ đảm nhiệm vai phụ cũng ít có đất diễn, nhạt nhòa sau mỗi bộ phim. Sau khi bộ phim kết thúc, khán giả chỉ nhớ tới nhân vật chính mà gần như không còn chút ấn tượng nào với những nhân vật phụ. Điều này đã mang đến không ít thiệt thòi cho các nghệ sĩ chuyên đóng vai phụ. Có khả năng diễn xuất, nhưng vai chính ít, vì lý do tuổi tác, ngoại hình nên có những nghệ sĩ thường xuyên xuất hiện trên phim với những vai phụ lướt qua màn ảnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những người làm phim truyền hình đã có sự thay đổi, làm mới để giữ chân khán giả. Một trong số những thay đổi, trở thành xu hướng rõ rệt nhất ở những bộ phim truyền hình gần đây là khâu xây dựng kịch bản. Thay vì chỉ tập trung cho 1- 2 nhân vật chính, các phim dành sự đầu tư cho nhiều nhân vật hơn. Điều này khiến cho nhân vật nào cũng giữ vai trò quan trọng ngang nhau trong việc chuyển tải thông điệp của phim.
Bộ phim "Làng trong phố" vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình với những câu chuyện đời thường tại một xóm trọ nơi thành phố. Bộ phim được coi là phần 2 của "Phố trong làng" bởi có sự xuất hiện tiếp theo của một số nhân vật như Mến, Thương, Hoài, Hiếu… Tuy nhiên, thay vì bối cảnh phim là một ngôi làng đang trong quá trình "đô thị hóa", phần 2 của phim có bối cảnh là xóm trọ của những người xa quê lên thành phố mưu sinh.
Chuyện phim bắt đầu bằng việc vợ chồng Hiếu - Hoài (Duy Hưng và Trần Vân thủ vai) quyết định rời quê lên thành phố kiếm sống. Mạch phim tiếp diễn với những buồn vui xoay quanh cuộc đời, số phận của những người đến từ nhiều vùng quê khác nhau ở cùng xóm trọ. Nếu như ở "Phố trong làng", Mến, Hưng là tuyến nhân vật phụ mang đến những rắc rối khiến bộ ba đồng chí Công an xã không khỏi đau đầu. Sang tới "Làng trong phố", Mến, Hiếu được xây dựng thành những nhân vật dài hơi hơn. Cùng với các nhân vật khác như Hoài, Hùng, Thoan, Bản… góp phần tạo nên một xóm trọ với đầy đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố.
Điều đáng nói là các nhân vật trong phim đều được chăm chút với những hoàn cảnh, tính cách riêng. Hoài (vợ của Hiếu) là cô gái bé nhỏ nhưng thẳng thắn, mạnh mẽ, làm công nhân may cáng đáng cả gia đình. Là Hùng (Tiến Lộc đóng), tổ trưởng ở một xưởng may có vẻ ngoài lạnh lùng, ít nói nhưng lại là người chững chạc, trách nhiệm. Là Thoan, một cô gái nông thôn lên thành phố làm thợ may với một gánh nặng gia đình đè nặng trên vai… Áp lực của cuộc sống vất vả mưu sinh đôi khi khiến những con người chất phác ấy mâu thuẫn, hiểu lầm, thậm chí vấp ngã nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là sự ấm áp của tình người. Đạo diễn Nguyễn Mai Hiền đã tiếp tục khai thác thế mạnh của mình khi khai thác chất mộc mạc trong cuộc sống của những người lao động nhưng vẫn làm toát lên tinh thần lạc quan, sự tích cực qua từng nhân vật.
Phát sóng cùng thời điểm với "Làng trong phố" là bộ phim "Gia đình mình vui bất thình lình". Mặc dù sức hút của bộ phim không được như kỳ vọng ban đầu nhưng phim vẫn giữ được không ít khán giả vui buồn với những câu chuyện của gia đình ông Toại - bà Cúc. Bối cảnh phim là đại gia đình với 4 cặp vợ chồng sống chung dưới 1 mái nhà. Ba cặp vợ chồng con trai Công - Phương, Thành - Hà, Danh - Trâm Anh với tâm tính khác nhau, phải đối mặt với những rắc rối riêng. Với kịch bản như vậy nên thật khó có thể xác định đâu là nhân vật chính, đâu là nhân vật phụ. Nên có thể nói, phim nhiều nhân vật chính hay không cần nhân vật chính cũng đúng vì mỗi người đều được chăm chút, đầu tư khá đồng đều.
Chia sóng VTV3 cùng "Gia đình mình vui bất thình lình" là bộ phim "Món quà của cha" (đạo diễn Vũ Minh Trí). Tương tự như những bộ phim đã và đang phát sóng gần đây, "Món quà của cha" cũng không còn 1- 2 nhân vật chính như những phim truyền thống. Phim kể về cuộc sống của ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam thủ vai) cùng 3 người con: Nghĩa, Thảo và Hiếu. Trong đó, ông Nhân làm nghề đóng quan tài, vớt xác chết đuối ở vùng quê nuôi các con trưởng thành. Nghĩa lập gia đình với một cô gái con nhà giàu trên thành phố, Thảo là một sinh viên thanh nhạc chập chững vào đời. Hiếu là con trai út sống cùng ông ở quê. Mỗi người con của ông đều có những khó khăn, rắc rối riêng và phải đối mặt với nhiều biến cố khác nhau khi trưởng thành.
Sự thay đổi từ việc tập trung khắc họa 1- 2 nhân vật chính sang đầu tư đồng đều cho nhiều nhân vật đã trở thành xu hướng của không ít bộ phim gần đây. Ngoài một số đại diện kể trên còn có ở những bộ phim như "Lối về miền hoa", "Đấu trí", "Thương ngày nắng về", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Dưới bóng cây hạnh phúc"… Có thể thấy, việc những bộ phim truyền hình "không cần nhân vật chính" vì nhiều nhân vật chính đã khiến bức tranh đời sống trong phim đa dạng, phong phú hơn. Các nhà làm phim có cơ hội khai thác mọi khía cạnh trong tính cách con người, từ đó cũng mang đến cái nhìn bao quát, cảm thông hơn từ phía người xem. Tính cách nhân vật cũng không đơn thuần, một chiều tốt - xấu mà "người" hơn với sự đan xen ưu điểm - nhược điểm…
Đặc biệt, việc mở rộng số lượng nhân vật, chú trọng vào hệ thống nhân vật giúp cho đạo diễn có thể khai thác được tài năng của nhiều nghệ sĩ trẻ. Nếu như cách làm phim thông thường, chỉ tập trung vào 1- 2 nhân vật chính đồng nghĩa với việc chỉ có một số ít nghệ sĩ được đảm nhiệm vai chính. Những nghệ sĩ thể hiện vai phụ khó có cơ hội bộc lộ tài năng vì ít đất diễn, chủ yếu "làm nền" cho nhân vật chính. Cách làm phim mới đã góp phần mang đến cho phim truyền hình nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng mới.
Doãn Quốc Đam là một ví dụ. Từ khi xuất hiện, anh không ngừng làm mới mình trong mỗi vai diễn từ tạo hình đến tính cách. Ngay từ những vai diễn phụ đầu tiên nhưng Doãn Quốc Đam đều để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả. Nhìn ra được tố chất đó, miền sáng tạo trong mỗi nhân vật của Doãn Quốc Đam cứ ngày một nhiều lên, bất luận chính diện hay phản diện. Từ Phống - một gã trai bản ngông nghênh, sinh ra trong một gia đình có điều kiện tưởng sẽ có mọi thứ nhưng cuộc đời chứa đầy bi kịch ở "Lặng yên dưới vực sâu". Phúc trong "Hướng dương ngược nắng" với lý lịch phức tạp, từng đi tù về vì nhận tội thay lại đầy nam tính ấm áp. Đến vai Cương "chột" trong "Hồ sơ cá sấu", doanh nhân Tuấn "nháy" trong "Đấu trí", Mến nát rượu trong "Phố trong làng" và Mến "hoàn lương" trong "Làng trong phố" đều được Doãn Quốc Đam hóa thân xuất sắc.
Tương tự, Duy Hưng cũng dần cho thấy sự tiến bộ của mình trong mỗi vai diễn. Từ vai giang hồ "lướt qua màn ảnh" trong "Quỳnh búp bê", Duy Hưng khiến khán giả bất ngờ với vai Đồng, người đàn ông gà trống nuôi con cục cằn nhưng tốt tính trong "Mùa hoa tìm lại". Đột ngột anh lại khiến khán giả cười ngất với vai Trung trong phim "Gara hạnh phúc". Và giờ là vai Hiếu trong "Làng trong phố". Ngoài ra, phải kể tới những gương mặt trẻ tài năng như Anh Đào, Trọng Lân, Tô Dũng, Trần Vân…
Sự thay đổi trong cách xây dựng kịch bản phim này đã giúp cho những nghệ sĩ tên tuổi, từng "một thời vang bóng" lại có cơ hội thể hiện tài năng qua vai diễn ấn tượng. Thay vì những vai "phụ huynh" nhạt nhòa, đời sống phim truyền hình ghi nhận sự tái xuất đầy ấn tượng của những nghệ sĩ như NSND Thu Hà, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Minh Hòa, NSƯT Võ Hoài Nam, NSƯT Tú Oanh… thông qua những nhân vật có tính cách, số phận. Rõ ràng, việc giữ tình yêu của khán giả vẫn là nhiệm vụ quan trọng của những nhà làm phim, vì thế mỗi một thay đổi mang lại hiệu quả cần được ghi nhận và phát huy.