Khi phụ nữ đam mê nghệ thuật
Nghệ thuật không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, mà còn là sân chơi để những người đam mê thể hiện tài năng, cống hiến và lan tỏa tình yêu của mình đến với cộng đồng.

Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Long Thành trao giấy khen cho nghệ nhân Linh Phụng (thứ 2 từ phải qua). Ảnh: C.T.V
Tại Đồng Nai, nhiều phụ nữ đã và đang tỏa sáng với tình yêu nghệ thuật, góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống lẫn hiện đại.
1. Là nghệ sĩ tâm huyết với đờn ca tài tử (ĐCTT), nghệ nhân Nguyễn Thị Phụng (nghệ danh Linh Phụng) đã dành nhiều năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Không chỉ biểu diễn, bà còn tích cực kết nối những người yêu mến ĐCTT, truyền dạy cho đội ngũ kế thừa ĐCTT huyện Long Thành, giúp họ hiểu và yêu hơn bộ môn nghệ thuật đậm chất Nam Bộ này.
Nghệ nhân Linh Phụng cho biết, gia đình bà vốn không có ai theo con đường nghệ thuật. Trước khi đến với ĐCTT, bà từng tham gia đoàn văn công của địa phương, rồi làm diễn viên của Đoàn Cải lương Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai). Đó là vào khoảng những năm 1970-1980. Đến năm 1987, bà chuyển về Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang 2, hoạt động một thời gian, sau đó vì hoàn cảnh gia đình bà đã gác lại việc theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Năm 2008, nghệ nhân Linh Phụng quay trở lại với nghệ thuật bằng cách tham gia Phong trào Văn hóa, văn nghệ của thị trấn Long Thành. Hiện nay, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Long Thành, bà cùng với các tài tử, nghệ nhân ở địa phương đưa ĐCTT của huyện vượt ra khỏi “ao làng”, đến với các liên hoan ĐCTT khu vực, toàn quốc, mang về nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương.
Mới đây nhất, ngành văn hóa Đồng Nai đã tổ chức lấy ý kiến khu dân cư về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân Linh Phụng trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của bà trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Qua đó, tôn vinh, tri ân người nghệ nhân hết lòng vì nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
2. Là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, tác giả Hoàng Thị Quỳnh Trang đang từng bước khẳng định tên tuổi trong làng văn học trẻ. Với văn phong mượt mà, sâu sắc, các tác phẩm của chị mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh những câu chuyện đời thường, đầy tính nhân văn cũng như sự nhạy bén trong tư duy nghệ thuật.
Tác giả Quỳnh Trang cho hay, sáng tác của chị đa dạng về đề tài và chủ đề, trong đó chú trọng đến những câu chuyện về giáo dục, tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn - những giá trị gần gũi nhưng luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài viết truyện, chị còn thử sức với lĩnh vực sân khấu. Nhiều kịch bản của chị được dàn dựng, phát sóng, phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đây chính là động lực truyền lửa và tiếp thêm sức mạnh để chị và những người theo đuổi nghệ thuật tiếp tục sáng tạo, cống hiến.
Trong tác phẩm 45 năm văn học Đồng Nai, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình Bùi Công Thuấn, Ban Văn học, Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, chia sẻ: “Hoàng Thị Quỳnh Trang sinh năm 1993, quê tỉnh Hải Dương, là giáo viên dạy Văn. Quỳnh Trang có kỹ thuật viết điêu luyện, có nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, có khám phá và sáng tạo riêng ở những đề tài tác giả quan tâm. Tôi nghĩ, hành trình văn chương của Quỳnh Trang sẽ là một con đường nhiều hoa đẹp”.
Dù ở lĩnh vực nào, từ văn chương, âm nhạc đến thủ công mỹ nghệ, những người phụ nữ như nghệ nhân Linh Phụng, Quỳnh Trang, Yến Nhi đều đã chứng minh rằng, khi đam mê, phụ nữ hoàn toàn có thể tạo nên những giá trị đặc biệt. Câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng cho những ai đang theo đuổi đam mê, để hiểu rằng nghệ thuật không có ranh giới - miễn có đủ tình yêu và sự kiên trì.
3. Bên cạnh văn chương và âm nhạc, nghệ thuật còn hiện diện trong những món đồ thủ công tinh xảo.
Chị Huỳnh Anh Yến Nhi - chủ shop “Cuộn len mặp” tại phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) là một trong những người đã biến tình yêu, đam mê với len sợi thành một công việc ý nghĩa.

Chị Huỳnh Anh Yến Nhi (phải, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) giới thiệu sản phẩm móc len thủ công đến khách hàng. Ảnh: L.Na
Từ sở thích đan len, chị Yến Nhi đã kiên trì học hỏi, sáng tạo để làm ra những sản phẩm móc len độc đáo, giàu tính nghệ thuật như: hoa, thú bông, tranh treo tường, túi xách, cây xanh, giày dép, khăn choàng móc hình quốc kỳ... Mỗi món đồ không chỉ đẹp về hình thức, mà còn chứa đựng sự chăm chút, tỉ mỉ của người làm ra nó. Không dừng lại ở việc sáng tạo, chị còn biến sở thích thành công việc kinh doanh nghiêm túc.
“Cuộn len mặp” không chỉ là nơi bán những sản phẩm len handmade, mà còn là không gian để chia sẻ, kết nối những người có cùng niềm đam mê, tình yêu với len nói riêng và nghệ thuật nói chung. Những buổi giao lưu, workshop đã và đang thu hút nhiều người yêu thích len, tạo nên một cộng đồng đan móc đầy đam mê và sáng tạo.
Khi phụ nữ đam mê nghệ thuật thì không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo hay nghề nghiệp, chỉ cần có lòng yêu nghề và quyết tâm theo đuổi, bất kỳ ai cũng có thể chạm đến thành công, mang lại những giá trị tinh thần quý báu cho cộng đồng và xã hội.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202503/khi-phu-nu-dam-me-nghe-thuat-d20627c/