Khi phụ nữ đối thoại với cấp ủy, chính quyền

Hội viên, phụ nữ nêu lên những đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phú Hòa. Ảnh: THÁI HÀ

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phú Hòa. Đây là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương lắng nghe ý kiến và giải đáp những kiến nghị mà hội viên, phụ nữ quan tâm; đồng thời có giải pháp can thiệp kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng

Tại hội nghị, đại diện Hội LHPN huyện Phú Hòa và hội viên, phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có 20 lượt ý kiến bày tỏ những suy nghĩ, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị xung quanh các vấn đề bức xúc trong xã hội và liên quan đến lợi ích của phụ nữ như: Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; quản lý đất đai; cách giải quyết vấn đề học sinh bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội; thiếu các lớp học bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em…

Có cơ hội đối thoại cùng lãnh đạo huyện, bà Phạm Thị Nam ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, kiến nghị về vấn đề đất đai. Bà Nam cho biết, đất gia đình bà ở từ năm 1985 đến nay. Năm 2019, bà đến UBND xã Hòa Định Tây để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cán bộ địa chính hướng dẫn và làm thủ tục đầy đủ chuyển xuống huyện.

Tuy nhiên, huyện trả lời đất này là đất núi nên không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông thường mà cần gom 5 hồ sơ lại mới làm một lần. Đến nay, huyện vẫn chưa trả kết quả. Trong khi đó, đất ở của các hộ bên cạnh nhà bà Nam, theo như bà nói thì đã có sổ đỏ. Bà Nam đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết.

Đại diện Hội LHPN xã Hòa An kiến nghị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ nhỏ lẻ, tự phát hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Trong đó, nhiều hàng hóa tại chợ không có nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và không có thời hạn sử dụng… Vì vậy, các cơ quan, ban ngành cần thường xuyên kiểm tra hàng hóa được bày bán ở chợ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hội LHPN thị trấn Phú Hòa ý kiến rằng, hiện nay ở địa bàn thị trấn nói riêng, huyện Phú Hòa nói chung thiếu các lớp dạy bơi cho trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng một số thanh thiếu niên lêu lỏng thường lôi kéo các em học sinh cấp 2 vào con đường ăn chơi, bỏ học… Do đó, nhiều người kiến nghị đưa công tác xã hội vào học đường.

Cấp ủy, chính quyền nắm bắt và xử lý

Tại hội nghị đối thoại, chủ trì và lãnh đạo các cơ quan đã lắng nghe, chia sẻ, giải đáp, trả lời những ý kiến của các đại biểu.

Trả lời vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ hiện nay, ông Phạm Tùng Tin, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Hòa cho biết thời gian qua, phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện định kỳ 3 đợt/năm và nhiều đợt kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện một số trường hợp kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng. Khi phát hiện, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính chuyển giao UBND các xã, thị trấn xử lý theo quy định.

Bên cạnh xử lý vi phạm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng cũng hướng dẫn, kết hợp tuyên truyền để các tiểu thương nâng cao hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các quầy hàng, điểm kinh doanh ở các chợ.

Trả lời kiến nghị về việc tổ chức các lớp học bơi nhằm thu hút trẻ em trên địa bàn thị trấn tham gia rèn luyện sức khỏe, phòng chống đuối nước, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Hòa cho biết, năm 2023, phòng phối hợp với phòng GD-ĐT huyện tổ chức 4 lớp dạy bơi cho 200 trẻ từ 8-12 tuổi, tại các hồ bơi Trường tiểu học Hòa Thắng 1, Trường tiểu học Hòa Trị 1 và Trường tiểu học Hòa An 2. Hiện nay, nhu cầu học bơi của trẻ em các địa phương còn rất lớn, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ tổ chức được 4-5 lớp bơi/năm. Để đáp ứng nhu cầu của trẻ, đề nghị UBND các xã, thị trấn và nhà trường khuyến khích xã hội hóa trong việc mở các lớp dạy bơi cho trẻ em.

Vấn đề làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phạm Thị Nam đã được giải thích rằng, hồ sơ trước đó không hợp lệ nên huyện đã trả về và bà Phạm Thị Nam đến UBND xã Hòa Định Tây để được hướng dẫn làm lại hồ sơ theo quy định…

Ngoài các vấn đề được trả lời trực tiếp tại hội nghị, những kiến nghị còn lại được đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương cam kết sẽ tập trung bàn giải pháp để sớm có phương án giải quyết. Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị đối thoại lần này, ông Phạm Khi, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Hòa cho rằng, hội nghị là dịp để cấp ủy, chính quyền huyện Phú Hòa có điều kiện nắm bắt kịp thời, đầy đủ hơn những tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề quan tâm của hội viên, phụ nữ và người dân để qua đó, lãnh đạo địa phương và các ban ngành thông tin, tuyên truyền, giải thích đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các vấn đề đưa ra tại hội nghị đã được trao đổi thẳng thắn. Những vấn đề giải quyết được lãnh đạo địa phương cam kết sẽ xử lý. Các ý kiến không thuộc thẩm quyền của cấp huyện đã được tiếp thu và sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền.

Hội nghị đối thoại là cơ hội để hội viên, phụ nữ đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước các vấn đề của xã hội; tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/303425/khi-phu-nu-doi-thoai-voi-cap-uy-chinh-quyen.html