Khi phụ nữ viết văn

Thời hiện đại, đàn ông đàn bà bình đẳng như nhau và gần như bất cứ việc gì đàn ông làm được thì đàn bà cũng 'làm ngon', kể cả việc viết văn và nhiều khi phụ nữ còn có những ưu thế mà đàn ông không có được.

Tất nhiên từ xa xưa phụ nữ không có cái quyền như thế, được đi học, biết chữ dường như là đặc quyền của đàn ông và vì thế văn chương ngày xưa gần như là thế giới của nam giới. Thời cổ đại, trung đại, ta rất khó tìm thấy một tác giả là nữ giới. Rồi ở nước Anh bắt đầu xuất hiện những nữ nhà văn xuất sắc đầu tiên.

Trong các nữ nhà văn của nước Anh, ba chị em nhà Bronte chiếm vị trí quan trọng, đặc biệt là Emily Bronte, người đã viết nên kiệt tác "Đồi gió hú" làm say đắm độc giả bao thế hệ. Khó mà hình dung nổi một phụ nữ gần như ốm yếu quanh năm và chưa đi đâu quá xa khỏi vùng đất của mình như Emily Bronte lại viết được những trang tiểu thuyết đầy dữ dội và tạo ra được một trong những nhân vật nam phản diện, cuồng nhiệt bậc nhất trong thế giới văn học: Heathcliff.

Nếu câu chuyện đầy tính bạo liệt và có cấu trúc khá mới thời đó là của nam giới thì không mấy ai lạ, nhưng của một phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối thì là một sự rất đáng kinh ngạc. Chính người chị gái của Emily Bronte, nhà văn Charlotte Bronte khi giới thiệu cuốn sách của em gái mình đã viết những nhận xét rất xác đáng: "Đồi gió hú" đẽo tạc trong một xưởng hoang dại bằng những dụng cụ đơn sơ, từ chất liệu mộc mạc.

Nhà văn charlotte bronte.

Nhà văn charlotte bronte.

Nhà điêu khắc thấy một khối đá granit trên một cánh đồng hoang quạnh quẽ... Chàng làm việc với một cái đục thô sơ và không theo mẫu nào ngoài thị ảnh từ những suy tư của chàng. Với thời gian và lao động, khối đá mang hình người.

Và kia, nó sừng sững đứng, đồ sộ, đen đúa và cau có, nửa tượng, nửa núi đá: là tượng thì khủng khiếp và giống như quỷ; là núi đá thì hầu như đẹp, vì nó có màu xám dịu và mặc lớp rêu của đồng hoang và đám thạch nam với những chùm hoa hình chuông và hương thơm ngạt ngào của nó, vẫn thủy chung mọc sát dưới chân gã khổng lồ ấy".

Cùng với em gái của mình, Charlotte Bronte cũng có cuốn "Jane Eyre" lừng danh, sách ngang với kiệt tác của cô em gái và một người em gái nữa, Anne Bronte có cuốn "Người tá điền đồi Wildfell". Ba chị em nhà Bronte đã làm nên hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học khi đều là những nhà văn nổi tiếng trong cùng một nhà.

Ví dụ của chị em nhà Bronte để chứng minh rằng, nữ giới có thể viết văn rất hay và thậm chí dữ dội, bạo liệt - một phẩm chất mà nhiều người thường nghĩ rằng chỉ nam giới mới có. Nước Anh cổ điển còn có một nữ nhà văn nổi tiếng là Jane Austen với những tác phẩm nổi tiếng như "Kiêu hãnh và định kiến", "Lý trí và tình cảm"…

Ở Việt Nam, thời hiện đại cũng không thiếu những nữ nhà văn chiếm lĩnh văn đàn, ngang ngửa nam giới. Đó là những Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... Những lớp kế cận có thể kể đến Trần Thanh Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Như Bình, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Kim Hòa... và còn rất nhiều những cây bút trẻ hơn nữa đang nối tiếp con đường sáng tạo.

Nhưng có đúng là phụ nữ viết văn dễ dàng như nam giới? Nhìn vào bề nổi thì đúng như vậy nhưng xét những yếu tố chi tiết thì phụ nữ dường như có nhiều khó khăn để vượt qua hơn rất nhiều so với nam giới.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một phát biểu có vẻ mang hơi hướng "áp đặt" kiểu đàn ông đã cho rằng, phụ nữ chỉ cần mỗi tháng vật vã với kinh kì của họ đã đủ mệt rồi chứ nói gì đến việc viết văn nặng nhọc! Ý của Nguyễn Huy Thiệp là với những hạn chế nhất định về thể chất so với nam giới và các nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ của mình, phụ nữ có ít thời gian để viết hoặc thường viết những tác phẩm xinh xẻo, vừa phải mà thôi.

Nhận định có vẻ "vui miệng" của Nguyễn Huy Thiệp không phải không có lý, nhưng nó chỉ đúng một phần và ngày càng thay đổi. Đúng là phụ nữ với thể trạng của mình, họ bị thách thức hơn khi làm những công việc nặng nhọc. Viết văn là công việc nặng nhọc, ít nhất là về mặt tinh thần. Nó chưa hề dễ dàng với bất cứ ai, kể cả là nam giới, nếu muốn sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị thực sự.

Ngoài ra với thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ hầu như không có thời gian rảnh rỗi cho mình, mà viết văn là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và tĩnh tâm, hầu như các nhà văn đều phải làm một nghề khác để kiếm sống, những người chỉ viết văn để sống khá ít.

Phụ nữ thường không có không gian, thời gian và tâm thế xã hội ủng hộ. Thậm chí một nữ nhà văn tiên phong trong cách tân văn học là Virginia Woolf đã viết hẳn một cuốn tiểu luận "Căn phòng riêng" để thuyết trình vấn đề "phụ nữ và tiểu thuyết", sự đấu tranh của phụ nữ để có quyền viết văn như nam giới, cùng với vai trò và khả năng của phụ nữ trong nghề.

Nhà văn Trần Thùy Mai.

Nhà văn Trần Thùy Mai.

Nhưng sự thay đổi trong xã hội hiện đại ngày càng nhiều, phụ nữ cơ bản đã được giải phóng từ gánh nặng nữ giới và trách nhiệm gia đình. Họ có các phương tiện hiện đại hỗ trợ và đàn ông phải chia sẻ một phần trách nhiệm. Phụ nữ có nhiều thời gian hơn, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần được cải thiện.

Nhiều nhà văn nữ đã bước vào con đường chuyên nghiệp, trở thành những tác giả nổi tiếng và bán chạy, họ có thể sống bằng nghề. Nước Mỹ có nhà văn Ayn Rand với những cuốn tiểu thuyết lừng danh như "Suối nguồn", "Atlas vươn mình" từng có tác động rất lớn đến những người trẻ, là sách gối đầu cho rất nhiều thế hệ.

Nước Anh tiếp tục truyền thống với những nữ nhà văn lừng danh, hiện giờ là J.K Rowling với bộ truyện "Harry Potter" siêu bán chạy đã giúp bà trở thành tỉ phú và trở thành một trong những nhà văn giàu có nhất nước Anh và cả thế giới. Ở Việt Nam có thể kể đến hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư khi chị luôn lọt vào danh sách những người có tác phẩm bán chạy nhất và có thể sống khỏe bằng nghề.

Nhưng nói đi thì nói lại, các nhà văn nữ ở mặt nào đó vẫn có những giới hạn nhất định. Đa số các nhà văn nữ vẫn thường viết những tác phẩm nhẹ nhàng xinh xẻo, thường thiên về thơ và truyện ngắn, những thể loại phù hợp với khí chất của mình. Những người viết tiểu thuyết không nhiều hoặc có những tác phẩm hoành tráng, dữ dội như chị em nhà Bronte, Jane Austen hay Ayn Rand thì càng hiếm.

Tuy có ít những tác phẩm hoành tráng như nam giới nhưng phụ nữ viết văn lại sở hữu những lợi thế mà đôi khi nam giới không có được. Đó là sự tinh tế, giàu cảm xúc trong những trang viết, sự miêu tả tâm lí sắc sảo và nữ tính. Tôi khá ngạc nhiên khi những trang viết của nhiều nhà văn nữ miêu tả tâm lí đàn ông còn sắc sảo và cá tính hơn cả nam giới. Đôi khi nhìn từ giới tính khác, sự nhận diện về "đối phương" có thể sẽ khách quan và tỉnh táo hơn. Cũng như rất nhiều nhà văn nam giới miêu tả tâm lí và những biến chuyển của phụ nữ cực kì chính xác và thuyết phục, các nhà văn nữ cũng không hề thua kém về phương diện này khi miêu tả giới mình và "giới bên kia."

Và phụ nữ, khi viết họ ưa thích nhất điều gì? Theo quan sát của tôi và những gì tôi đọc thì các nhà văn nữ ưa thích viết chính về giới nữ, gia đình và tình yêu. Những trang sách viết về thân phận phụ nữ xuất hiện rất nhiều, đặc biệt gia đình và tình yêu chiếm một vị trí quan trọng.

Ta có thể dễ dàng kể ra những tác phẩm nổi tiếng nhất của các nhà văn nữ Việt Nam với đề tài này. Y Ban với "Thư gửi mẹ Âu Cơ", Nguyễn Thị Thu Huệ với "Hậu thiên đường", Dạ Ngân với "Gia đình bé mọn", Thùy Linh với "Mặt trời bé con của tôi", Nguyễn Ngọc Tư với "Cánh đồng bất tận"... Chủ đề về giới, gia đình, tình yêu là sự quen thuộc gần gũi, cũng phù hợp với khí chất và sở trường của phụ nữ.

Nhưng nói thế không phải hiếm thấy những tác phẩm hoành tráng của phụ nữ hoặc viết về những đề tài khó như chiến tranh, lịch sử. Vẫn ở nước Anh bây giờ xuất hiện một cây bút nữ tầm cỡ, Hilary Mantel với hai cuốn tiểu thuyết "Lâu đài sói" và "Dựng xây thể chế" (Bring up the Bodies) đều về đề tài lịch sử và đoạt hai giải Man Booker.

Tôi tin rằng Hilary Mantel sẽ là nhân vật được nhắc tới những năm tiếp theo của lịch sử văn học. Bên kia bờ Đại Tây dương, ở Canada có nữ nhà văn Margaret Atwood với rất nhiều kì vọng sẽ đạt giải Nobel với những tiểu thuyết rất ấn tượng như "Chuyện người tùy nữ", "Tay sát thủ mù", "Những chúc thư"... Ở Việt Nam, đề tài lịch sử cũng không phải độc quyền của nam giới, có thể kể đến những cuốn rất "nặng kí" của các nhà văn nữ. Gần đây là Trần Thùy Mai với "Từ Dụ thái hậu"...

Viết văn không phải là độc quyền của bất cứ ai, những ai có tài năng, khát vọng và sẵn sàng lao động nghiêm túc đều có thể làm nên sự nghiệp. Phụ nữ đã phải trải qua một thời gian dài của bất bình đẳng nhưng trạng thái ấy đang mất dần. Những nhà văn nữ vẫn sẽ miệt mài sáng tạo trên con đường của mình, họ là một nửa thế giới và lịch sử văn học vẫn luôn dành những không gian xứng đáng, trang trọng cho những người đàn bà cầm bút.

Uông Triều

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khi-phu-nu-viet-van-568999/