Khi quần vợt xuất hiện ở sân trường đại học

Một buổi học môn quần vợt tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: NHẬT HUY

Trường đại học Xây dựng Miền Trung là trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa môn quần vợt vào chương trình giảng dạy chính khóa từ năm 2020 đến nay. Đây được xem là việc làm ý nghĩa, vừa tạo sân chơi thể thao cho giảng viên, sinh viên của trường, vừa rèn luyện sức khỏe và trang bị thêm kỹ năng cho sinh viên khi ra trường tìm việc làm…

Mạnh dạn tạo đột phá

Cụm sân quần vợt của Trường đại học Xây dựng Miền Trung là một trong những sân quần vợt mới và được đầu tư hiện đại bậc nhất Phú Yên hiện nay. Ngoài việc phục vụ tập luyện cho đội ngũ giảng viên, cán bộ, sinh viên của trường, nơi đây còn là điểm đến của những giải quần vợt do Liên đoàn Quần vợt tỉnh và cộng đồng quần vợt tại Phú Yên tổ chức.

Nếu như cầu lông, bóng đá, aerobic, võ thuật là những môn đã có mặt tại các chương trình giảng dạy ở hầu hết trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì quần vợt vẫn là môn thể thao khá xa lạ với nhiều sinh viên.

Trong suy nghĩ của nhiều người, quần vợt là môn thể thao kén người chơi và cần sự đầu tư lớn nếu theo đuổi môn này. Thực tế cho thấy, nếu muốn chơi quần vợt một cách chuyên nghiệp, người chơi phải bỏ ra số tiền không nhỏ để trang bị các trang thiết bị phục vụ việc tập luyện môn thể thao được xem là “quý tộc” này.

“Tuy nhiên, với sinh viên, quần áo chuyên nghiệp thì không cần, vợt có thể dùng vợt cũ, tiền thuê sân mua bóng hàng tháng nếu biết cách lựa chọn thì không quá tốn kém. Qua 2 năm đưa môn quần vợt vào chương trình giảng dạy, tôi cảm nhận sinh viên chọn tập luyện môn này tỏ ra hứng khởi và ngày càng có nhiều em chọn môn quần vợt để tập luyện”, anh Lê Văn Đông, giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất - Quốc phòng (Khoa Khoa học cơ bản) cho biết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa môn quần vợt vào sân trường, Ban Giám hiệu Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã hỗ trợ và kêu gọi xã hội hóa 15 cây vợt, bóng để đảm bảo việc giảng dạy và tập luyện của giáo viên và sinh viên. Đến nay, môn quần vợt là một trong những môn thể thao thành công nhất trong số các môn thể thao tự chọn trong hệ thống giảng dạy tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung.

Vượt ngoài giá trị thể thao

Trong suy nghĩ của nhiều sinh viên, môn quần vợt là điều khá xa lạ. Thực tế cho thấy, để đưa môn thể thao này vào chương trình giảng dạy chính khóa, Ban Giám hiệu và các giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất - Quốc phòng Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã nỗ lực rất lớn.

Ngoài việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều cốt lõi là phải làm cho sinh viên hiểu được đây là môn thể thao có thể giúp cho các bạn thiết lập mối quan hệ ngoại giao khi hoàn thành chương trình học tại trường.

Theo anh Lê Văn Đông, ngoài việc rèn luyện sức khỏe, môn quần vợt sẽ giúp các sinh viên khi ra trường xây dựng mối quan hệ xã hội tốt hơn, vì không ít những người chơi môn thể thao này là doanh nhân, người thành đạt trong xã hội, qua đó giúp sinh viên có thêm cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Em Nguyễn Văn Đạt, sinh viên lớp D19X1, nói: “Em và các bạn đều rất hứng thú khi được nhà trường tạo điều kiện để tập luyện môn quần vợt. Sau một thời gian đăng ký học, hiện tại em được trang bị các kỹ thuật cơ bản về phát bóng, đỡ bóng, đánh thuận tay và trái tay. Đó là những nền tảng để em có thể tập luyện và thi đấu môn quần vợt trong thời gian tới. Em cảm nhận môn quần vợt sẽ rất có ích, giúp em thuận lợi hơn trong việc xây dựng mối quan hệ sau này”.

Khi biết Trường đại học Xây dựng Miền Trung mở các lớp tập luyện môn quần vợt, anh Nguyễn Duy Phước (shop Phước Hiền) đã ủng hộ nhà trường 5 cây vợt, giúp sinh viên có điều kiện tập luyện. “Tôi hy vọng sự đóng góp của mình sẽ giúp các em tiếp cận với môn quần vợt và đóng góp cho phong trào quần vợt Phú Yên ngày càng phát triển”, anh Phước nói.

Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, môn quần vợt sẽ giúp các sinh viên khi ra trường xây dựng mối quan hệ xã hội tốt hơn, vì không ít những người chơi môn thể thao này là doanh nhân, người thành đạt trong xã hội, qua đó giúp sinh viên có thêm cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Anh Lê Văn Đông

Giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất - Quốc phòng Trường đại học Xây dựng Miền Trung

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/255767/khi-quan-vot-xuat-hien-o-san-truong-dai-hoc.html