Khi Quang Hải mang theo kỳ vọng của cả nền bóng đá
Xuất ngoại ở tuổi 25, Nguyễn Quang Hải buộc phải khẳng định giá trị của bản thân. Anh không còn thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Một tháng kể từ ngày đặt bút ký vào bản hợp đồng với CLB Pau, mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ với Quang Hải. Anh được ra sân trong cả 4 trận giao hữu của đội trong giai đoạn tiền mùa giải, ghi một bàn thắng và để lại nhiều dấu ấn.
Mới nhất, Quang Hải cũng được điền tên vào danh sách thi đấu trong trận gặp CLB Guingamp ở vòng một Ligue 2 mùa 2022/23. Hàng loạt tờ báo thể thao Pháp coi Quang Hải là nhân tố đáng chú ý.
Đó là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, phía sau đó, Quang Hải phải đối mặt với nhiều áp lực.
Vì sao Quang Hải nhận kỳ vọng?
Phải tới năm thứ 8 trong con đường bóng đá chuyên nghiệp, Quang Hải mới xuất ngoại để tìm kiếm những thử thách mới. Anh không phải là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam chơi bóng ở nước ngoài nhưng lại là người nhận nhiều kỳ vọng nhất.
Điểm đến của Quang Hải là Ligue 2, môi trường có thể nói là khắc nghiệt nhất nếu so sánh với các giải VĐQG Bỉ, Hà Lan hay K.League 2, J2 League mà những Công Phượng, Văn Hậu, Xuân Trường hay Tuấn Anh đã thử sức.
Quang Hải cũng ra đi ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp. "Hành trang" mà ngôi sao này mang đến Pháp là bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ. Anh có 3 chức vô địch quốc gia, một tấm huy chương vàng SEA Games và một danh hiệu AFF Cup. Ngoài ra, anh sở hữu một Quả bóng vàng. Có thể nói, tiền vệ sinh năm 1997 ra đi khi đang là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam, là nhân tố không thể thay thế ở đội tuyển quốc gia.
Trong khi đó, Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh xuất ngoại ở độ tuổi 20, 21. Họ được thử sức ở V.League nhưng không có nhiều dấu ấn đáng kể. Thời điểm ấy, những cầu thủ của HAGL vẫn được gắn mác "tài năng trẻ".
Thời hạn hợp đồng cũng là một yếu tố để cho thấy Quang Hải được đánh giá cao. Rời Hà Nội theo dạng chuyển nhượng tự do, anh ký hợp đồng 2 năm với CLB Pau. Điều này chứng tỏ đội bóng nước Pháp tin tưởng Quang Hải có thể đóng góp nhiều cho CLB.
Còn Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay cả Văn Hậu đều ký hợp đồng cho mượn và có thời hạn một năm. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để họ có thể thích nghi và thể hiện được giá trị. Cuối cùng, họ đều phải trở về nước.
Áp lực của Quang Hải
Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng là môi trường bóng đá hoàn toàn khác biệt với Việt Nam. Mọi yếu tố như thể lực, kỹ thuật, tốc độ, chiến thuật,... đều vượt trội V.League, Quang Hải phải thích nghi thật nhanh với điều đó.
Đó là những áp lực về mặt chuyên môn mà bất cứ cầu thủ nào khác phải đối mặt. Với mẫu cầu thủ chơi ở vị trí số 10 như Quang Hải, mọi chuyện còn khó khăn hơn khi anh phải thường xuyên nhận bóng trong tư thế quay lưng với khung thành đối phương và có thể bị pressing từ nhiều hướng.
Bên cạnh đó, cuộc sống đời thường của Quang Hải cũng đảo lộn. Anh phải tự lập, học cách chăm sóc bản thân, tự nấu ăn, học cách giao tiếp...
Định kiến về cầu thủ châu Á cũng là một trở ngại lớn. Công Vinh, người từng có khoảng thời gian khoác áo Leixoes (Bồ Đào Nha), từng tiết lộ anh không được đồng đội chuyền bóng trong 2 tháng đầu tiên.
Wittaya Laohakul, cựu HLV và Giám đốc Kỹ thuật của Thái Lan, chia sẻ điều tương tự. Khi còn là cầu thủ, ông từng được chơi bóng ở Bundesliga trong màu áo Hertha và 1.FC Saarbrucken.
Ông chia sẻ với Zing: "Năm đầu tiên của tôi ở Đức, mọi chuyện rất khó khăn. Họ luôn nghi ngờ cầu thủ châu Á và bạn phải chứng minh rằng bạn đủ đẳng cấp để thi đấu ở môi trường đó. Hãy chiến đấu. Hãy thay đổi tư duy. Bạn phải nghĩ rằng bản thân đủ sức đánh bại họ. Bạn phải dũng cảm".
Ngoài ra, Quang Hải cần phải thể hiện trình độ để trở thành người tiên phong cho bóng đá Việt Nam. Có thể nói, tiền vệ sinh năm 1997 cần làm được điều tương tự Chanathip Songkrasin ở J1 League.
"Các cầu thủ Thái Lan hưởng lợi từ Chanathip. Cậu ấy sắm vai người tiên phong và đã thể hiện quá tốt ở J1 League. Từ đó, các đội bóng ở đó chú ý hơn đến cầu thủ Thái Lan. Việt Nam có thể làm điều tương tự nếu có một cầu thủ chơi hay ở nước ngoài. Khi đó, họ có thể coi các bạn là một thị trường cầu thủ tiềm năng", ông Piyapong Pue-on, huyền thoại bóng đá Thái Lan, chia sẻ với Zing.
"Sang Ligue 2, Quang Hải sẽ trở thành hình mẫu để các cầu thủ trẻ ở Việt Nam theo đuổi. Ví dụ, ở Chonburi, chúng tôi có một cầu thủ chơi ở Tây Ban Nha, một ở Nhật Bản. Họ tạo ra tầm ảnh hưởng, trở thành động lực cho đàn em", ông Wittaya Laohakul nêu quan điểm.
"Cả đất nước Việt Nam sẽ theo dõi bước chân của Quang Hải", Nguyễn Van Bakel, cầu thủ nhập tịch gốc Hà Lan, nói với Zing. Nếu Quang Hải được ra sân trong cuộc đối đầu giữa CLB Guingamp và Pau, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ có một đêm mất ngủ.
Trận đấu này sẽ được diễn ra lúc 0h ngày 31/7 (giờ Hà Nội).
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-quang-hai-mang-theo-ky-vong-cua-ca-nen-bong-da-post1340722.html