Khi robot cạnh tranh công việc với con người, sinh viên phải làm gì?
Các diễn giả cho rằng sinh viên cần giỏi công nghệ, ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng mềm để bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 22/9, sự kiện Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ được tổ chức tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy sinh viên chủ động trang bị kiến thức về công nghệ, tăng cường cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại đây, hàng loạt con số ấn tượng được nêu ra. Trong báo cáo mới nhất của Brookings Institution đầu năm 2019, 1/4 lực lượng lao động tại Mỹ có thể bị thay thế bằng robot tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo với chính phủ các nước về việc tự động hóa, robot và toàn cầu hóa có thể xóa sổ gần một nửa số công việc trong 20 năm tới.
Trong đó, nhóm những người lao động trẻ, có tay nghề thấp, làm bán thời gian và ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Stefano Scarpetta - Giám đốc phụ trách các vấn đề việc làm, lao động và xã hội của OECD cho rằng công nghệ đang khiến các nền kinh tế thay đổi cấu trúc, mở ra nhiều cơ hội nhưng không phải ai cũng có thể trang bị tốt cho mình để nắm bắt những cơ hội này.
Bởi vậy, thế hệ Z (những bạn trẻ độ tuổi 1996-2012) cần chuẩn bị nhiều kỹ năng, kiến thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo diễn giả Đinh Trường Giang (sinh năm 1996)- là một “Z-er” xuất sắc của trường Đại học Bách khoa với nhiều phát minh ấn tượng có thể kể đến như: thiết bị chống ngủ gật cho người lái xe ô tô, robot leo tường, xe tự hành và hiện đang là kĩ sư phần mềm tại Viện hàng không vũ trụ Viettel cho biết:
Không một giáo trình, tài liệu nào cập nhật kịp thời những xu hướng phát triển mới ngoài kia. Môi trường cạnh tranh gay gắt không có chỗ cho tư duy cũ kỹ.
“Ở thời đại mà robot đang thay thế hàng trăm nghìn lao động mỗi năm thì bạn sẽ là ai khi bước ra thế giới nếu bạn không chủ động nắm bắt xu hướng, không chủ động tiếp cận tri thức?
Ở mọi ngành nghề, sự cạnh tranh giữa người với người, giữa người với robot đòi hỏi chúng ta càng ngày càng phải ‘khôn’ hơn, nhiều kĩ năng hơn, tích lũy tri thức ở tâm cao hơn, đặc biệt là về công nghệ và ngôn ngữ”, Trường Giang nói.
Nếu dạy học kiểu “thầy đọc – trò chép” thì robot làm tốt hơn người thầy
Cũng theo Trường Giang, 4 yếu tố giúp các Z-ers trở thành công dân toàn cầu đó là: Khả năng ứng dụng công nghệ, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, kĩ năng mềm và sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.
Nếu như Trường Giang truyền cho tân sinh viên bầu nhiệt huyết chủ động nắm bắt công nghệ để làm chủ tương lai thì diễn giả Lê Công Thành - CEO của start-up Infore Technology lại cung cấp cho các bạn tân sinh viên một bức tranh tổng quát.
Anh Thành chia sẻ, 80% phần mềm chúng ta sử dụng là do người nước ngoài cung cấp. Có nghĩa là họ đang ghi nhận lại toàn bộ dữ liệu của chúng ta. Họ đang hiểu chúng ta hơn cả chính bản thân chúng ta và rồi đến lúc họ sẽ điều phối hành vi chúng ta thông qua mạng internet.
Diễn giả Lê Công Thành gửi lời khuyên sinh viên hãy học tập và làm chủ công nghệ, nỗ lực tìm hiểu nhu cầu trong thực tiễn xã hội để phát minh thật nhiều, giúp ích cho đất nước.