Khi sắc màu bay lên
Năm 2002, lúc đó Nguyễn Tấn Hiền đang học Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Đắk Lắk, Khoa Toán thì bị tai nạn, gãy cột sống. Vụ tai nạn khiến anh bị liệt tứ chi, chỉ còn cử động duy nhất ngón cái tay phải. Năm 2008 anh bắt đầu học vẽ. Cánh cửa cuộc đời anh tưởng đã khép lại, đã hơn một lần được mở ra. Hiện Hiền sống và vẽ tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
Ở tận cùng nỗi đau
Nguyễn Tấn Hiền có dáng cao, gầy, nụ cười duyên và lẽ ra có một tương lai tươi sáng, nếu không có tai nạn xảy ra. Anh quê ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau khi hoàn thành 3 năm nghĩa vụ quân sự, với ước mơ làm một anh giáo, dạy học cho các em nhỏ vùng cao nguyên còn nghèo khó. Hiền tâm sự: “Tôi đã ôn luyện và thi vào Khoa Toán Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng học cho tốt để trở thành một người thầy giỏi và mới chỉ học năm thứ nhất, khi ước mơ còn chưa thành hiện thực thì tai nạn khiến tôi gắn liền với chiếc xe lăn”.
Đó là một buổi tối, năm 2002, khi anh đi học về bằng xe đạp, vì tránh chiếc xe tải rọi đèn lóa mắt ngược chiều anh đã rơi xuống hố ga không nắp. Hiền bị gãy đốt sống cổ và chấn thương nặng cột sống, động vào dây thần kinh sinh ra liệt người. Anh hồi tưởng: “Nhiều người nói tôi bị tai họa do người giáng. Vì nếu người ta làm việc có trách nhiệm một chút thì tôi đã không rơi xuống hố ga và rơi vào thảm cảnh như thế này. Khi mới bị tai nạn tôi không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào. Khi bác sĩ bảo là liệt luôn và phải ngồi xe lăn suốt cuộc đời, thời gian đó tôi buồn lắm, nhưng vẫn cố tỏ ra vui vẻ để gia đình khỏi lo lắng”.
Điều quan trọng với một người đàn ông như Hiền, là mình còn trẻ, nhưng mẹ thì già mà vẫn phải chăm sóc anh vì liệt toàn thân. Hiền nói suốt ba năm ấy, “tôi phiền mẹ tôi nhiều lắm”. Cho đến cuối năm 2005, đầu năm 2006 anh được đưa ra Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Đà Nẵng tập phục hồi chức năng. Có người chăm sóc, nhưng anh nghĩ là không bao giờ đi lại được nữa và đã xác định cả đời sẽ ngồi xe lăn. Anh đã cố gắng tự chăm sóc bản thân để mẹ khỏi lo lắng, khỏi phải vất vả vì mình. Hiền nghĩ nên làm việc gì đó cho đỡ buồn, anh đã học viết và vẽ. Nhờ vào một người bạn ở cùng phòng từng học kiến trúc chỉ bảo, tư vấn, Hiền đã được tiếp thêm quyết tâm. “Nhưng, làm gì cũng thấy khó khăn, vì 9 ngón tay tôi liệt hoàn toàn, chỉ cử động được ngón cái thôi. Tôi tập viết, có làm thơ nhưng rất dở, nghĩ mãi đến đầu năm 2007 tôi học vẽ” - Tấn Hiền thủ thỉ.
Hội họa và tình yêu cứu rỗi
Khi ở tận cùng nỗi đau khổ tuyệt vọng, người ta luôn mong muốn bấu víu vào một điều gì đó và rất cần những bàn tay nhân ái đưa ra. Tôi gặp không ít người tuyệt vọng đã bấu víu vào văn chương để có nghị lực sống tiếp. Rồi tôi lại gặp Nguyễn Tấn Hiền, người đàn ông ngồi xe lăn, bấu víu vào tranh vẽ để sống có ích. Hiền chia sẻ: “Trong hội họa tôi gặp muôn vàn khó khăn, từ sức khỏe kém, kiến thức về hội họa gần như số 0. Lúc đó trong bệnh viện chỗ tôi điều trị không có internet, nên không thể kết nối với thế giới bên ngoài. Sau đó rồi có vài người bạn cho tôi mượn sách về hội họa để đọc và học hỏi thêm”.
Khi cầm cọ vẽ, tay anh rất yếu nên phải nhờ người lấy dây thun cột chặt bút vào tay để tập với quyết tâm sẽ thi vào Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. Hiền có nộp hồ sơ thi nhưng không được chấp nhận vì lý do sức khỏe. Lúc đó, tim anh lại như vỡ tan và vô cùng tuyệt vọng, cảm thấy những cố gắng của mình tan biến như khói mây.
Thế rồi, cũng tại bệnh viện, Hiền đã gặp bà Virginia, tình nguyện viên người Mỹ và được bà nhờ vẽ vài tấm postcard. Bà cũng động viên Hiền và mua vài bức tranh chì của anh, từ đó anh say mê vẽ và hăng hái hơn. Nhưng để vẽ được, dù là những bức tranh đơn giản cũng rất khó khăn. Muốn vẽ được thì phải học, Hiền đã nhờ nhiều thầy, nhưng không được cho đến khi anh gặp thầy Nguyễn Hải dạy môn vẽ ký họa của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. Nhờ sự tận tình của thầy Hải, cộng với vốn kiến thức do tự học trong sách vở, Hiền đã có lưng vốn kha khá để khởi nghiệp. “Tôi học vẽ từ đầu năm 2007, ban đầu chỉ vẽ chì, cuối năm 2007 vẽ màu nước và cuối năm 2008 chuyển sang vẽ chất liệu acrylic. Đề tài tôi hướng tới chủ yếu là phong cảnh, phố cổ Hội An và chân dung”.
Tranh của Hiền gắn bó với hình ảnh quê hương, đất nước thân thương và gần gũi. Đó là những bức tranh màu sắc tươi sáng, tràn đầy sức sống, gợi nhớ quê hương với hoa sen, hoa súng, cây cỏ vườn nhà. Có khi là em bé chơi trên sân, đứng dưới cây khế… Tất cả gợi nhớ một cuộc sống thường nhật ít bon chen, như về với ký ức, như về với bản chất con người thuần túy. Bởi luôn là như thế, quê hương cho ta sự yên ả, tĩnh lặng, sự bình dị, thanh tịnh! Tác phẩm “Miền xanh thẳm”, “Mùa gặt”, “Hoa súng”… đã nói lên điều đó.
Những năm trước, Tấn Hiền thỉnh thoảng có những cuộc triển lãm tranh tại Huế và Hà Nội dưới sự giúp đỡ của nhiều người. Năm nay không tổ chức được, Tấn Hiền hơi buồn và anh đã chia sẻ những tác phẩm anh vẽ trong những ngày khó khăn vừa qua để bạn bè cùng thưởng lãm.
Có thể nói, nhờ bè bạn chung tay, nhờ những tình nguyện viên, tranh của Hiền được không ít người biết đến và đã được giới thiệu ở một vài gallery tại Đà Nẵng và Hội An. Cũng chính nhờ có hội họa mà anh chàng họa sĩ tật nguyền bất đắc dĩ đã khẳng định được tình yêu với cô con gái xứ Huế Nguyễn Thị Lý - sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng.
Chuyện nên duyên ngay từ khi cô vào Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Đà Nẵng - nơi anh Hiền điều trị để thực tập. Hiện Lý công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng.
Hiền kể rằng, Lý là nữ nên cô thường chăn sóc phụ nữ, một lần tình cờ bắt gặp, Lý đã thấy “xao xuyến” trước ánh mắt của một chàng trai ngồi xe lăn. Sau một số lần trò chuyện, hai người có tình cảm với nhau. Thế nhưng, cùng với tình yêu là một áp lực nặng nề từ phía gia đình Lý. Gia đình cô không cho phép con gái họ yêu một người tàn tật. Suối hơn ba năm trời đằng đẵng yêu nhau và thuyết phục gia đình, cuối cùng cha mẹ Lý cũng đồng ý.
Năm 2010, đám cưới của Hiền và Lý diễn ra thật đặc biệt. Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho họ trong niềm vui mừng, hạnh phúc khôn xiết của bạn bè, người thân nội, ngoại đôi bên. Có được một người vợ hiền, hết mực chịu thương, chịu khó bên cạnh, Hiền ngày một quyết tâm hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Được đắm mình trong hạnh phúc lứa đôi, nhiều bức tranh của Hiền đã mang hơi thở của cuộc sống, tình yêu nồng ấm.
Lý đã cho Hiền có niềm tin, nghị lực sống và đặc biệt hơn là một tình yêu không vụ lợi, đẹp như cổ tích. Hiện, vợ chồng anh đã có hai con một trai, một gái kháu khỉnh. Cậu con trai chơi đàn organ rất hay.
Tiếp xúc với Hiền và tình yêu của anh, tôi và chắc chắn nhiều người khác vẫn tin rằng tình yêu đẹp khiến người người rung động hẳn không chỉ là cổ tích. Và cũng từ nghị lực, sự kiên cường vượt qua số phận của bệnh nhân Nguyễn Tấn Hiền, lãnh đạo Bệnh viện chọn Hiền làm tình nguyện viên tâm lý để mỗi khi có bệnh nhân mới nhập viện, Hiền sẽ đến động viên giúp họ sớm vượt qua bệnh tật, trở thành người sống có ích, có lý tưởng.
Anh được học các lớp tập huấn, cả ở Nha Trang, Thái Lan để có thêm kinh nghiệm và kiến thức tâm lý. Vì đã làm tình nguyện viên là phải giỏi về phán đoán tâm lý người khác. Với công việc này, Hiền đã làm không ít người trở nên ấm lòng và muốn sống tiếp. Từ đó, anh được gắn với cái tên “Hiền tư vấn” và “Hiền họa sĩ”.
Sau 18 năm bị tai nạn phải ngồi xe lăn thì cơ duyên hội họa và tình yêu đã đưa Hiền trở lại với cuộc sống đầy lạc quan, yêu đời và tràn đầy hy vọng. Điều mong mỏi nhất lúc này của Hiền là bán được nhiều tranh hơn nữa để chia sẻ khó khăn với vợ. Cuộc sống luôn là như thế, sẽ không có cánh cửa nào khép lại với bất cứ ai! Sẽ luôn có phép màu nơi tận cùng tuyệt vọng, cho những ai xứng đáng!...
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khi-sac-mau-bay-len-526124.html