Khi sân bay thành… trung tâm thương mại

Khách cũng vào nhà ga, cũng qua cổng an ninh, mua sắm tại các cửa hàng bên trong sân bay, ăn các nhà hàng dành cho khách bay, chỉ mỗi không bay mà thôi. Một 'chiêu' kinh doanh mới của một số sân bay.

Mới đây, sân bay Quốc tế Orlando ở Mỹ vừa tung ra chương trình Du khách Trải nghiệm. Theo đó, khách hàng có thể đến tham quan bên trong sân bay mà không cần phải có vé máy bay. Khách sẽ được đi qua các trạm kiểm soát an ninh vào trong để ăn uống mua sắm như vào các trung tâm thương mại vậy.

Trước nay các sân bay vẫn cho phép khách không có vé vào bên trong với trường hợp đặc biệt như hỗ trợ trẻ vị thành niên chẳng hạn. Tuy nhiên ý tưởng cho khách vào để kinh doanh mới thực sự là mới mẻ.

Sân bay Orlando còn mời các nhà sáng tạo nội dung, những người có ảnh hưởng trên mạng đến trải nghiệm chương trình này. Mike Haffner, TikToker với hơn 26.000 người theo dõi, đã tham gia chương trình và chia sẻ anh rất thích trải nghiệm khám phá sân bay mới này, tuy nhiên cảm giác đi sân bay mà không mang hành lí vẫn có gì đó khác lạ. Anh chia sẻ: “Tôi cứ cảm giác thiếu thiếu một chiếc vali trên tay”.

Mọi người có vẻ rất thích thú với chương trình này. Vì là một ý tưởng mới, đang trong quá trình thử nghiệm nên mỗi ngày chỉ cho tối đa 50 khách tham gia và lúc nào cũng “cháy vé”. Đội điều hành sân bay Orlando đang tính chuyện mở rộng thêm hạn mức khách tham gia chương trình.

Giống như Orlando, sân bay Seattle và Pittsburgh cũng có những chương trình tương tự, cho phép khách vào mà không cần phải đi máy bay.

Sân bay Quốc tế Pittsburg đã thí điểm chương trình cấp thẻ cho khách công cộng vào năm 2017 với sự hợp tác của Cục Quản lý An ninh Vận tải. Sau đó các sân bay như Orlando và Seattle cũng triển khai các chương trình tương tự. Các sân bay nhỏ hơn như Flint, Mich, Pasco, Wash cũng áp dụng các chương trình này nhưng sau đó toàn bộ phải dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch.

Cục Quản lý An ninh Vận tải cho biết các sân bay phải giới hạn thời gian và số luộng người ra vào để tránh gây tắc nghẽn cho các trạm kiểm soát, số lượng thường là khoảng 300 người /ngày. Du khách phải nộp đơn xin thẻ từ trước để Cục kiểm tra, với giấy tờ tùy thân hợp lệ, và phải trải qua quy trình sàng lọc tiêu chuẩn.

Aubrey Hendershot có chồng là phi công và con trai rất thích xem máy bay. Cô cho biết những chương trình này rất thú vị, cô có thể mang con đến mà không bị áp lực giờ giấc, còn con trai thì rất thích đến sân bay chờ để đón bố, ngắm máy bay thoải mái và vẫy tay mỗi khi gặp phi hành đoàn.

Nipuna Dasi, một huấn luyện viên sống tại Bellevue Wash cho biết cô thường dùng chương trình này để gặp bạn bè và gia đình, do ở sân bay tiện đường, dễ đỗ xe, và nhà hàng đỡ đông người hơn nhiều. Cô cho biết: Tôi thích đưa bạn bè đến đó vì nó thuận tiện hơn là phải lái xe đến Seatlle và chật vật tìm chỗ đậu xe.

Đây là một mô hình kinh doanh linh hoạt dành cho những sân bay không có áp lực quá lớn về số lượng hành khách. Tuy nhiên để làm được như vậy cần sự linh hoạt của cơ quan quản lý và quy trình hoạt động của sân bay. Thêm vào đó, giá cả trong các cửa hàng, nhà hàng tại sân bay cũng cần phải không chênh lệch quá nhiều so với bên ngoài. Đối với những sân bay quá tải khách bay hay giá đồ ăn “trên trời” thì có lẽ khó lòng áp dụng được.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khi-san-bay-thanh-trung-tam-thuong-mai-696578.html