Khi sân khấu không còn giới hạn ở nhà hát
Từ ý tưởng sân khấu không nhất thiết phải biểu diễn trong nhà hát mà bất cứ đâu cũng có thể trở thành sân khấu, để gần với khán giả hơn, mô hình gắn sâu khấu với du lịch đã được đạo diễn Lê Quý Dương mạnh dạn thử nghiệm.
Bất cứ đâu cũng có thể trở thành sân khấu
Tại Festival Hội ngộ Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, một chương trình sân khấu - du lịch độc đáo đã diễn ra với sự quy tụ của hơn 140 nghệ sĩ, giáo sư, giảng viên và sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia.
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. Đây là lần thứ hai Festival này được tổ chức tại Việt Nam (lần đầu diễn ra vào năm 2013 tại TPHCM) nhưng là lần đầu tiên Festival được kết hợp với mô hình du lịch.
Đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế - ITI/UNESCO, Trưởng BTC chương trình Hội ngộ Sân khấu - Du lịch Quốc tế 2019 đã có những chia sẻ về mô hình sân khấu mới: "Mô hình mới tạo nên những thách thức để sinh viên, nghệ sĩ trẻ nâng cao năng lực thích nghi, trí tưởng tượng sáng tạo và sự kết nối chia sẻ giữa những bản sắc văn hóa khác biệt. Ngoài sân khấu lớn, các nghệ sĩ có thể biểu diễn, cháy hết mình ở bất cứ nơi đâu miễn nơi ấy có khán giả. Các bài tập thực hành và phát triển kỹ năng mẫu đã thể hiện trong chương trình đào tạo của từng trường.
Quan niệm truyền thống sân khấu phải diễn ra trong nhà hát và chỉ có nhà hát mới có nghệ thuật sân khấu đã được thay thế bằng một mô hình hiện đại hơn: Ở bất cứ nơi đâu có người nghệ sĩ sân khấu với tài năng, lòng đam mê, sự tôn trọng khán giả và truyền thống văn hóa thì ở đó sẽ có nghệ thuật sân khấu xuất hiện. Những không gian của phòng ăn, phòng họp, sân vườn, sảnh khách sạn đã được các thành viên với năng lực thích nghi đầy sáng tạo biến hóa thành những không gian thể hiện các kỹ năng sân khấu vô cùng độc đáo và mới lạ".
Từ quan niệm này, mô hình kết hợp giữa sân khấu với du lịch cũng xuất hiện. Bên cạnh việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất, các đại biểu được khám phá nhiều nét văn hóa, cảnh đẹp khắp nơi để qua đó, họ chính là những kênh quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.
Không còn là những buổi "biểu diễn xong xuôi tất cả lại về", Festival lần này đã mang đến một trải nghiệm khác biệt cho các nghệ sĩ. Họ được tiếp cận về sân khấu, văn hóa Việt Nam theo cách "trực quan" nhất thông qua các buổi trải nghiệm rối nước truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội, thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và đặc biệt ấn tượng khi đến thăm Văn Miếu - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngay sau đó, một số đoàn đã đăng ký khám phá vịnh Hạ Long, cố đô Hoa Lư và hứa hẹn những chuyến đi khác trong tương lai.
GS Yudiaryani đến từ Đại học Seni Indonesia, Yogyakarta, Nhật Bản khẳng định: "Đạo diễn Lê Quý Dương đã thực sự đưa ra một quan niệm rất mới trong việc giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn qua chương trình này. Đó là việc rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng tưởng tượng, sáng tạo và thích ứng trong mọi hoàn cảnh để biểu diễn một tác phẩm sân khấu. Thế giới đang đổi thay và nghệ thuật biểu diễn sân khấu cũng vậy. Rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi đời sống công nghệ càng phát triển thì chúng ta càng cần nghệ thuật sân khấu hơn rất nhiều".
GS Suresh Shama đến từ Trường Kịch nghệ Quốc gia Ấn Độ cũng đánh giá cao mô hình gắn sân khấu với du lịch: "Sân khấu cần nhưng không nhất thiết chỉ có thể diễn ra trong các nhà hát hay những không gian biểu diễn sang trọng được chuẩn bị sẵn. Sân khấu hiện đại cần mang trong nó một nội lực có thể diễn ra bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu khi khán giả cần nó. Chúng ta phải hướng tới một nghệ thuật sân khấu gần gũi với nhau hơn để học hỏi và chia sẻ, gắn bó với công chúng khán giả hơn và thân thiện với môi trường hơn để đi kịp với xu thế phát triển. Đó là nghệ thuật sân khấu của một thời đại mới, đòi hỏi cả người dạy và người học phải có đủ kỹ năng để hội nhập và thích ứng với những đổi thay bất ngờ của thế giới. Đây là một quan niệm rất tiến bộ và hiện đại. Nó phá vỡ đi những nguyên tắc truyền thống bấy lâu nay vẫn bó buộc chúng ta, chia tách chúng ta và làm chúng ta tự mình bị cô lập trong truyền thống của chính mình".
Bài học từ những bộ phim điện ảnh nổi tiếng
Để phát triển ngành du lịch nói chung, không một quốc gia nào không coi trọng du lịch văn hóa. Gắn văn hóa với du lịch không chỉ mang lại nguồn lợi bền vững mà còn góp phần thúc đẩy giá trị bảo tồn với các loại hình văn hóa, đặc biệt với sân khấu truyền thống.
Điều này được khẳng định khá rõ qua việc gắn điện ảnh với du lịch. Chỉ vài thước phim trên các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: "Đông Dương", "Người tình", "Người Mỹ trầm lặng"... và gần đây nhất là "Kong - Đảo đầu lâu" mà hình ảnh Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế một cách hiệu quả. Đặc biệt, "Kong - Đảo đầu lâu" khi được gắn với chiến lược truyền thông hiệu quả đã tạo nên cơn sốt du lịch với du khách trong nước và cả quốc tế.
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng là một thành tựu nổi bật của văn hóa với du lịch. Theo một thống kê, trước đây, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12-13%. Nhưng từ sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" gây tiếng vang, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch của Phú Yên tăng lên trên 25%. Thậm chí, nhiều tour du lịch ở địa phương còn lấy tên bộ phim đặt cho tên tour để thu hút du khách.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa số lượng du khách châu Á đến với Hàn Quốc là sau khi xem phim truyền hình của nước này. Họ đổ xô đến các điểm quay của Bức thư tình mùa đông và Hậu duệ mặt trời; hay tìm tới Busan, một "kinh đô" của điện ảnh Hàn Quốc, giúp địa phương này mỗi năm thu hút hơn 10 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch gấp 15 lần so với các hoạt động kinh tế khác. Hay như ở Thái Lan, du khách nước ngoài tìm đến đây tham quan nơi quay các bộ phim đình đám của Hollywood như Điệp viên 007 hay Nhiệm vụ bất khả thi… Không những thế, Thái Lan còn chú trọng phát triển dịch vụ làm phim và trở thành một trong những nơi cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn cho công tác sản xuất phim ảnh.
Sẽ rất khó để du lịch Việt xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới do chi phí cao, nhưng thông qua các bộ phim, qua các Festival như Hội ngộ Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, du lịch của Việt Nam sẽ có sức lan tỏa và bền vững hơn.