Khi sáng tác của nữ nhà văn được đưa lên màn ảnh
Văn chương và điện ảnh là hai bộ môn nghệ thuật song hành cùng nhau. Những trang viết lắng đọng, đầy tình cảm của các nữ nhà văn trở thành đề tài hấp dẫn của màn ảnh.
Ngoài Bến không chồng của Dương Hướng, Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh, hay Phiên bản của Nguyễn Đình Tú…, không thiếu tác phẩm ấn tượng của các cây bút nữ được chuyển thể thành phim.
Sáng tác của các nhà văn nữ luôn tinh tế, giàu cảm xúc và hình ảnh. Chúng đã khơi nên nguồn cảm hứng bất tận cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Hãy cùng điểm qua một số tiểu thuyết và truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim của các nhà văn nữ Việt Nam.
Cánh đồng bất tận
Nhắc đến tác phẩm văn học nổi tiếng được chuyển thể thành phim của các tác giả nữ, không thể bỏ qua Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư.
Truyện ngắn của nữ nhà văn đất Mũi đã được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể thành phim điện ảnh cách đây đúng một thập kỷ. Những nhân vật đầy ám ảnh như: Nương, Điền, Sương, Út Võ hiện ra sống động trên màn ảnh.
Ở thời điểm đó, sự thành công của tác phẩm văn học đã khiến khán giả dành sự quan tâm đặc biệt cho bộ phim. Bằng hai ngôn ngữ thể hiện khác nhau, cả Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Phan Quang Bình đều thể hiện được vẻ đẹp khắc khoải mà day dứt của miền Tây mỗi mùa vịt chạy đồng. Ở đó, có những con người dùng yêu thương để chiến thắng sự nghiệt ngã của số mệnh.
Tiếng đàn môi sau bờ rào đá
Đây là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Đỗ Bích Thúy, được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành phim điện ảnh Chuyện của Pao.
Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh người phụ nữ Mông ở vùng núi cao Hà Giang, suốt đời chịu cảnh lam lũ. Nếu không sinh được con, họ chỉ như "cục đá kê cột" cho nhà chồng.
Một bên là sự khao khát của phụ nữ luôn muốn được làm mẹ, một bên là câu chuyện của đứa con luôn đau đáu đi tìm mẹ ruột. Và, một người đàn bà khác, sinh con nhưng không thể nâng niu, bế bồng. Khó mà nói được ai là người khổ đau nhất.
Hình ảnh người phụ nữ Mông nhỏ bé, cô đơn giữa núi rừng hun hút, khiến cả người đọc và người xem phải day dứt. Bộ phim đã giành được giải Cánh diều vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc.
Trăng nơi đáy giếng
Nếu Đỗ Bích Thúy khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Mông lam lũ, cô đơn, thì Trần Thùy Mai lại tái hiện rất tinh tế hình ảnh người phụ nữ Huế chỉn chu, dịu dàng trong Trăng nơi đáy giếng.
Tác phẩm là câu chuyện buồn của Hạnh, phụ nữ chính chuyên, vì không sinh được con, phải đứng nhìn chồng chung sống với người khác.
Hết lòng vì chồng, người vợ ấy nghĩ chỉ cần nhường một bước sẽ có hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc sống nghiệt ngã đã giết chết những mộng tưởng. Với người đàn bà ấy, hạnh phúc chỉ là ảo ảnh như bóng trăng nơi giếng sâu.
Bằng những thước phim trau chuốt, chậm, đầy chất Huế, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn tái hiện khung cảnh thanh bình, đặc trưng của đất cố đô trong bộ phim cùng tên. Diễn xuất đầy đặn, giàu tâm trạng của nghệ sĩ Hồng Ánh khiến cô Hạnh hiện lên bằng xương, bằng thịt.
Lặng yên dưới vực sâu
Tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của nhà văn Đỗ Bích Thúy được đạo diễn Đào Duy Phúc chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên.
Một lần nữa, thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng của mảnh đất Hà Giang, lại hiện lên sống động mà đầy trữ tình trong văn của nữ tác giả 7X. Trên những đỉnh núi tai mèo cheo leo, có những mối tình da diết buộc phải dở dang.
Mù quáng trong tình yêu, Phống, chàng công tử bột ngạo nghễ, đã chia cắt tình yêu của Vừ và Súa. Những tưởng nhờ tục “bắt vợ”, đôi lứa yêu nhau sẽ được sống bên nhau, nhưng định mệnh vốn thích trêu chọc con người.
Tục lệ này khiến sơn nữ trong sáng là Súa phải sống trong cuộc hôn nhân không tình yêu. Để rồi, nỗi đau và những nuối tiếc đành chôn vùi vào vực sâu của quên lãng.
Vẻ đẹp của cao nguyên đá được tái hiện một cách chân thực, sống động và hùng vĩ từ trang văn đến màn ảnh. Ngoài câu chuyện tình buồn của đôi uyên ương mệnh khổ, xuyên suốt tác phẩm là màu tím hồng, đầy hoang dại của những đóa tam giác mạch, khiến người ta đau đáu khôn nguôi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-sang-tac-cua-nu-nha-van-duoc-dua-len-man-anh-post1109199.html