Khi sức người cộng hưởng

Không cam chịu khó khăn, chị em phụ nữ ở nhiều ngôi làng Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có cách giúp nhau thoát nghèo rất thực tế, sáng tạo và hiệu quả.

Gây quỹ trên đất bỏ hoang

Tháng 6, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, chị em phụ nữ Bahnar ở các chi hội làng Blen (xã Lơ Pang), làng Pơ Nang (xã Kon Thụp), làng Ktu (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) lại cùng nhau lên rẫy trồng cây gây quỹ. Mỗi chi hội phụ nữ mượn 1-3 ha đất rẫy bỏ hoang để trồng mì. Từ đây, các chi hội có nguồn quỹ ổn định hàng năm với số tiền hàng chục triệu đồng. Mỗi lần phát động trồng mì, tập thể đều thu hút 100% hội viên phụ nữ tham gia.

Mô hình gây quỹ theo cách mượn đất rẫy bỏ hoang để trồng mì cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kon Chiêng triển khai nhiều năm nay. Số tiền thu được, Hội mua bò giống giúp sinh kế cho các hội viên, phụ nữ nghèo. Chị Đinh Thị Hoài-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: “Sau 5 năm triển khai, đàn bò gây quỹ của Hội LHPN xã phát triển lên 26 con. Hội đã trao 22 con làm phương tiện sinh kế cho các hội viên nghèo, số ít bán lấy tiền cho các hội viên khác vay không tính lãi. Cùng với mô hình “Kho thóc tình thương”, trong 5 năm qua, mô hình trên đã giúp 108 phụ nữ thoát nghèo. Nhiều hội viên sau khi thoát nghèo đã quay lại giúp đỡ người khác cùng vươn lên trong cuộc sống”.

Phụ nữ các làng ở xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) đều có quỹ đất để trồng mì gây quỹ. Ảnh: Minh Châu

Phụ nữ các làng ở xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) đều có quỹ đất để trồng mì gây quỹ. Ảnh: Minh Châu

Trước đây, gia đình chị Byen (làng Ktu) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị được Hội LHPN xã trao cho 1 con bò sinh sản để làm phương tiện sinh kế. Chị cho biết: “Sau gần 6 năm chăm sóc, bò mẹ đẻ được 3 con bê, mình chia cho hội viên nghèo khác trong làng 1 con, còn lại bán 2 con. Số tiền bán bò mình lại mua thêm bò. Đến nay, đàn bò của gia đình đã có 6 con”. Từ nguồn lợi nuôi bò sinh sản mà gia đình chị Byen đã thoát nghèo, có thể lo cho con cái ăn học đầy đủ.

Tại các làng Bahnar của xã Kon Thụp, chị em phụ nữ phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhiều hoạt động, nhất là trong làm kinh tế. Ở làng Pơ Nang, gần 3 ha diện tích đất mượn để trồng mì gây quỹ được chị em hưởng ứng tích cực. Hay phụ nữ các làng Dơ Nâu, Đak Trang, Groi giúp gia đình hội viên khó khăn, neo đơn làm đất, làm cỏ, gieo sạ. Chị Hnhen-Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp-cho hay: “Mỗi lần phát động như vậy, làng nào cũng huy động hàng trăm chị em tham gia, mọi việc hoàn thành nhanh chóng. Khi xuống giống hay thu hoạch cũng vậy, chị em không chỉ giúp nhau công lao động mà còn thắt chặt tình đoàn kết”.

Phụ nữ Bahnar xã Kon Thụp giúp đỡ ngày công cho các gia đình hội viên khó khăn. Ảnh: Minh Châu

Phụ nữ Bahnar xã Kon Thụp giúp đỡ ngày công cho các gia đình hội viên khó khăn. Ảnh: Minh Châu

Cộng hưởng sức người

Giúp nhau thay đổi cuộc sống, thoát nghèo là việc làm có sức lan tỏa không chỉ ở các làng của huyện Mang Yang mà còn nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Đak Smar (huyện Kbang), bằng hình thức làm thuê, mỗi chi hội phụ nữ đã gây quỹ hội lên đến vài chục triệu đồng. Chị Đinh Thị Đéch-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1-kể: “Mấy năm trước, Chi hội mượn mấy sào từ quỹ đất dự phòng của xã để sản xuất gây quỹ. 2 năm nay phải trả lại đất cho xã nên nhận khoán thu hoạch các ruộng mì, sau đó triển khai để mọi người cùng làm. Tháng 4 vừa rồi, Chi hội vận động được trên 80 hội viên thu hoạch mì cho người dân, thu được hơn 10 triệu đồng. Đến nay, nguồn quỹ của Chi hội lên đến 25 triệu đồng, trích 1 phần cho những trường hợp khó khăn mượn không tính lãi để đầu tư sản xuất”.

Nhiều mô hình ra đời từ thực tiễn cuộc sống ở các địa phương là minh chứng cho tinh thần vượt khó, không cam tâm đói nghèo của phụ nữ. Chính sự cộng hưởng sức người, tinh thần đùm bọc, nâng đỡ nhau lúc khó khăn đã giúp phái yếu có được sức mạnh để lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202107/khi-suc-nguoi-cong-huong-5742361/