Khi tái chế trở thành dũng sĩ

Những chai nhựa biến thành lọ hoa, vỏ mì tôm được đan thành những chiếc đĩa, quần áo cũ trở thành túi xách. Đây chỉ là một trong vài ý tưởng biến rác thải sinh hoạt thành các sản phẩm hữu dụng mà nhóm 'Dũng sĩ tái chế' đang thực hiện.

Các thành viên nhóm “Dũng sĩ tái chế” đang cùng nhau sáng tạo từ những vật dụng bỏ đi

Các thành viên nhóm “Dũng sĩ tái chế” đang cùng nhau sáng tạo từ những vật dụng bỏ đi

“Bãi rác hạnh phúc”

Ra đời từ năm 2018, nhóm “Dũng sĩ tái chế” triển khai các hoạt động trồng cây xanh, thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường và đào tạo đại sứ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến với mọi người. Rất nhiều sự kiện, tọa đàm về các chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, sống xanh… đã được dự án tổ chức để cung cấp thêm thông tin hữu ích, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa.

Trong những ngày cả nước chống dịch COVID-19, các bạn trẻ của dự án đã lên chương trình thu gom chai lọ đã qua sử dụng để đựng nước rửa tay sát khuẩn tặng khu vực biên phòng và các trường học khó khăn ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Khi đó, các thành viên đã nghĩ, tại sao dọn rác lại là trào lưu mà đáng lẽ nó phải là hoạt động bình thường được diễn ra thường xuyên? Rác sau khi dọn xong thì sẽ được xử lý như thế nào?… Cứ thế những ý tưởng mới được “Dũng sĩ tái chế” nhen nhóm hình thành.

Dự án “Tái chế xuyên mùa dịch” bắt đầu hoạt động từ những ngày đầu tháng 4 khi cả nước tiến hành giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây nhiễm COVID-19. Nhận thấy tâm lý tích trữ lương thực, mì tôm, gạo, đồ hộp… sẽ thải ra môi trường các thứ vỏ bao mì, bì gạo, lon nước ngọt, giấy báo các loại, nhóm đã nảy sinh ý tưởng thu gom và tái chế.

Thời gian rảnh, các thành viên trong nhóm lại tổ chức đi nhặt nhạnh từng vỏ gói mì ăn liền, bìa carton, vỏ chai bia, quần áo cũ... Từ những phế thải tưởng chừng vứt đi ấy, dưới bàn tay khéo léo của những sinh viên trẻ đã trở thành những vật dụng, sản phẩm trang trí bắt mắt và tinh tế. Vỏ bao mì tôm trở thành túi xách, bình hoa, đĩa, gối ôm... Những tấm vải, quần áo cũ, nhóm may thành túi gối, ví, khăn, quần áo hay sản phẩm từ chai lọ cũ có thể biến thành hộp đựng bút, bình hoa…

Cao Thị Sao Mai, người sáng lập nhóm “Dũng sĩ tái chế”, cho biết: “Trong nhóm có một số bạn học ngành thiết kế thời trang và công nghệ may nên cả nhóm được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều. Khó khăn nhất chính là việc tái chế vỏ mì tôm vì nó đòi hỏi nhiều nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn thực hiện”.

Sau mỗi đợt thu gom, văn phòng của nhóm trông giống như một nhà kho tràn ngập phế liệu, rác thải. Nhưng bằng ý tưởng và hành động, những phế liệu đó đã trở thành mặt hàng có ích trong cuộc sống, góp phần giảm bớt gánh nặng cho môi trường nên các thành viên nhóm vẫn tự hào gọi văn phòng là “bãi rác hạnh phúc”. “Điều khiến chúng mình vui nhất là từ việc tái chế mọi người dần hình thành lối sống xanh. Họ dần có thói quen thu gom tích trữ vỏ, chai nhựa và chai thủy tinh để mang đi quyên góp tạo ra các sản phẩm tái chế thay vì vứt nó ra ngoài bãi rác như vẫn thường làm”, Sao Mai chia sẻ.

Hiện tại nhóm đang thực hiện làm các sản phẩm từ 5.000 vỏ gói mì tôm quyên góp tại Hà Nội. Giá bán các sản phẩm rất bình dân, với những sản phẩm đơn giản không cầu kỳ mất thời gian sẽ bán 30.000đ đến 40.000đ, còn những sản phẩm tốn kém thời gian, tỉ mỉ hơn sẽ bán cao hơn, với mức trung bình 250.000đ/cái.

Thời gian đầu dự án gặp nhiều khó khăn như nhân lực, việc thu gom rác thải, chi phí vận chuyển các chai thủy tinh, nơi để đồ… đặc biệt là cách tạo ra các sản phẩm tái chế sao cho đẹp và được nhiều người đón nhận. “Việc tìm kiếm những người tâm huyết sẵn sàng làm việc vì cộng đồng môi trường cũng là một thách thức”, trưởng nhóm Sao Mai khẳng định.

Dự án hiện có 20 thành viên nòng cốt chưa kể cộng tác viên. Do phần lớn vẫn đang theo học nên công việc chủ yếu được làm tại nhà, chỉ cuối tuần cả nhóm mới tụ tập để trao đổi và làm việc nhóm. Định hướng và kế hoạch sắp tới của “Dũng sĩ tái chế” là tiếp tục liên hệ và kết nối nhiều câu lạc bộ trường đại học để mở rộng hoạt động ý nghĩa này.

“Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn liên kết với các trung tâm bảo trợ xã hội, người khuyết tật, tiến hành đào tạo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt để giúp họ có một công việc kiếm thêm thu nhập, có cuộc sống tốt hơn. Với phương châm hình thành lối sống xanh, sau khi dịch COVID-19 đi qua, nhóm dự định sẽ đào tạo 10.000 đại sứ môi trường, đồng thời tiếp tục tái chế rác thải để tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống” - trưởng nhóm “Dũng sĩ tái chế” chia sẻ về dự định sắp tới.

Khi rác thải kết nối văn hóa đọc

Ngoài nhiệm vụ của những đại sứ môi trường, “Dũng sĩ tái chế” còn tiếp nối và phát huy sứ mệnh của “Điểm đọc Việt Nam”, cùng góp sức cho dự án mở các thư viện miễn phí. Với các hoạt động gây quỹ, sáng tạo sản phẩm từ rác thải, từ năm 2020, “Dũng sĩ tái chế” đã đóng góp cho quỹ “Điểm đọc Việt Nam” 10 triệu đồng, mở thêm các thư viện trên cả nước.

Cũng là người sáng lập ra dự án “Điểm đọc Việt Nam”, Cao Thị Sao Mai khẳng định: “Giới trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, vì xã hội hiện đại có quá nhiều những thú vui khác nên văn hóa đọc vẫn còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có những quan niệm, thói quen riêng rất khó thay đổi. Chính vì vậy, phải có một tư duy mới, những hoạt động thiết thực thì mới tạo được sự hứng thú, niềm đam mê sách đối với các bạn”.

Ra đời vào giữa năm 2018, hiện tại, “Điểm đọc Việt Nam” đã có mặt trên khắp 63 tỉnh thành, với số lượng thành viên tham gia lên tới gần 4.000 người. Nhóm “Dũng sĩ tái chế” đã kết nối với các quán cà phê, điểm du lịch lớn để có thể đặt các sản phẩm tái chế của mình, bán cho khách du lịch. Toàn bộ chi phí thu được sẽ sử dụng để gây quỹ mở những thư viện sách miễn phí. Vậy là, từ những đồ vật tưởng như bỏ đi, lại trở thành những sản phẩm có ích, góp phần để xây dựng những thư viện cho trẻ em trên toàn quốc. Đến nay, “Điểm đọc Việt Nam” đã xây dựng 40 thư viện miễn phí trên cả nước.

Sắp tới, nhóm sẽ mở thêm một không gian thư viện miễn phí tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Trưởng nhóm Sao Mai cũng cho biết, nhóm đang tích cực đẩy mạnh phát triển “Dũng sĩ tái chế” hơn nữa để có thêm nhiều nguồn quỹ đóng góp cho “Điểm đọc Việt Nam”, hướng tới mục tiêu tạo ra một cộng đồng đọc sách lớn nhất cả nước sau 5 năm và trong vòng 15 năm sẽ tạo ra 22.000 điểm đọc ở Việt Nam.

Những chiếc đĩa, túi xách… được làm từ vỏ mì tôm, quần áo cũ

Những chiếc đĩa, túi xách… được làm từ vỏ mì tôm, quần áo cũ

Trưởng nhóm Sao Mai cùng các “dũng sĩ nhí” trong một sự kiện tuyên truyền bảo vệ môi trường tới các em nhỏ

Trưởng nhóm Sao Mai cùng các “dũng sĩ nhí” trong một sự kiện tuyên truyền bảo vệ môi trường tới các em nhỏ

Diệp Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/khi-tai-che-tro-thanh-dung-si-1723828.tpo