Khi thần tượng ảo thay thế các ngôi sao

Trong lúc nhiều ngôi sao Trung Quốc vướng bê bối, thần tượng ảo được xem là lựa chọn thay thế lý tưởng cho thương hiệu thời trang.

Thần tượng ảo là những nhân vật được phát triển bằng AI, có hình dáng gần giống con người. Các biểu cảm trên khuôn mặt và chuyển động cơ thể của họ được thể hiện rất chân thật. Khi được "sinh ra", những nhân vật này chỉ có giọng nói và ngoại hình do người sáng tạo lập nên.

Kể từ đầu năm nay, một số thương hiệu ở đất nước tỷ dân đã chuyển sang việc trao danh phận cho thần tượng ảo thay vì người thật, theo Jing Daily. Công ty làm đẹp Florasis công bố đại sứ AI cùng tên hãng, nhãn hiệu chăm sóc tóc Centaine chọn một nhân vật làm người phát ngôn thương hiệu và nhà sản xuất trang sức Trung Quốc IDO đã tạo ra thần tượng kỹ thuật số Beco.

Những ví dụ trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thần tượng ảo. Nhiều người đặt ra câu hỏi: "Liệu chúng có thể thay thế thần tượng thật trong tương lai?".

Không vướng bê bối như ngôi sao thật

Một năm qua, nhiều thương hiệu thời trang gặp khó khăn trong việc ổn định đại sứ. Họ liên tục thay người khi đại sứ mắc phải lùm xùm đời tư, bị tẩy chay. Gần đây, các nhà mốt chót hợp tác với những ngôi sao trẻ vi phạm vấn đề đạo đức như Ngô Diệc Phàm hay Trịnh Sảng buộc phải tìm người mới thay thế.

 Nhân vật ảo Luo Tianyi có 5 triệu lượt theo dõi, đã tổ chức sinh nhật vào tháng 7 với fan. Ảnh: P.

Nhân vật ảo Luo Tianyi có 5 triệu lượt theo dõi, đã tổ chức sinh nhật vào tháng 7 với fan. Ảnh: P.

Sau nhiều vụ buộc phải thay đổi người đại diện, các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra những rủi ro thương hiệu có thể gặp phải. Cụ thể việc chạy theo thần tượng có thể thu hút đối tượng khách hàng trẻ. Tuy nhiên, nhãn hàng có thể không "trở tay" kịp nếu bê bối nổ ra.

Cùng với sự phát triển của môi trường kỹ thuật số và mối quan tâm dành cho nội dung ACG (anime, truyện tranh, trò chơi) đến từ gen Z, những thần tượng ảo có khả năng hợp tác với nhãn hàng để thu hút giới trẻ.

"Dù chưa thể thay thế những người nổi tiếng thực sự, chúng có lợi thế lớn nhất là khả năng thu thập dữ liệu và tương tác với từng khách hàng", Lisa Nan của Jing Daily bình luận.

Trong khi đó, Aslada Gu - Giám đốc sản phẩm tại Gusto Luxe - cho biết lợi thế rõ ràng của những người nổi tiếng ảo là hình ảnh có thể kiểm soát được. Chúng không thể tạo ra những vụ bê bối và có hành vi xấu. Trong khi người thật có những hạn chế, các kịch bản được áp dụng cho thần tượng ảo lại rộng rãi hơn. Hơn nữa, người phát ngôn ảo có thể hiện diện 24/7 trên nhiều trang web.

Sức ảnh hưởng của thần tượng ảo

Ayayi - ngôi sao ảo được tạo ra bởi Ranmai Technology - đảm nhận nhiều vai trò như nghệ sĩ, giám đốc thương hiệu thời trang… Nhiệm vụ đầu tiên của Ayayi là bán bánh trung thu cho dịp lễ vừa qua. Theo dữ liệu từ iiMedia Research, giá trị của Ayayi đã tăng lên 540 triệu USD vào năm 2020 (tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2019) và dự kiến đạt 970 triệu USD năm nay.

Sự gia tăng của những người có ảnh hưởng ảo không phải là ngẫu nhiên. Báo cáo cũng cho thấy 80% cư dân mạng chi khoảng 155 USD/tháng cho thần tượng ảo và 37,6% bày tỏ sự sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để ủng hộ. Do đó, các chuyên gia khuyên thương hiệu nên chủ động tìm hiểu cơ hội này.

 Thần tượng ảo Ayayi dự kiến đạt giá trị 970 triệu USD vào năm nay. Ảnh: WB.

Thần tượng ảo Ayayi dự kiến đạt giá trị 970 triệu USD vào năm nay. Ảnh: WB.

Gu nói thêm: "Thần tượng ảo là xu hướng tất yếu. Chúng là công cụ tiếp thị mà các thương hiệu cần bắt đầu chú ý đến nếu muốn kết nối với thế hệ trẻ".

Khi ngành công nghiệp thần tượng ảo đạt được sự phát triển, các nhà phân tích của công ty tư vấn iiMedia tin giá trị thương mại của những người nổi tiếng kỹ thuật số sẽ liên tục tăng trưởng.

Năm 2020, Luo Tianyi xuất hiện lần đầu tiên để livestream trên web bán hàng online, thu hút hơn 2,7 triệu người xem. Năm nay, nữ thần tượng ảo này đã được CCTV mời biểu diễn tại Gala Lễ hội mùa xuân. Giờ đây, Luo Tianyi hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Pechoin, Occitane, Clarins…

Mặt trái của thần tượng ảo

Thực tế, có hai loại thần tượng ảo là nhân vật thiên về giải trí và ảnh hưởng về thời trang.

Cũng giống như những người có ảnh hưởng thực sự, các thương hiệu cần lựa chọn nhân vật một cách cẩn thận. Trước tiên, họ phải xem xét liệu chúng có phù hợp với hình ảnh của nhãn hàng hay không. Thứ hai, họ cần khai thác nội dung tạo được tiếng vang tốt nhất với đối tượng khách hàng mình hướng tới. Cuối cùng, chuyên gia khuyên các nhãn hàng nên chọn nền tảng thích hợp nhất để quảng bá sản phẩm.

Dù số tiền đầu tư cho công nghệ hiện không phải là con số nhỏ, điều này có thể được giải quyết khi hình thức này càng phát triển và sử dụng rộng rãi. Trong tương lai, chuyên gia cho rằng mọi người có thể thấy dịch vụ khách hàng ảo, các chương trình phát sóng trực tiếp 24 giờ được tổ chức bởi nhân vật ảo.

 Mr. Ou đóng nhiều vai trò cho L'Oreál, chẳng hạn như giới thiệu các xu hướng làm đẹp mới nhất cho người tiêu dùng và đưa ra sáng kiến bền vững. Ảnh: LCW.

Mr. Ou đóng nhiều vai trò cho L'Oreál, chẳng hạn như giới thiệu các xu hướng làm đẹp mới nhất cho người tiêu dùng và đưa ra sáng kiến bền vững. Ảnh: LCW.

Ngày nay, các thương hiệu toàn cầu như Dior, L'Oreál và Florasis đã phát triển các thần tượng ảo nội bộ. Ví dụ, Mr. Ou của L'Oreál là nhân vật do công ty sáng tạo ra. Mr. Ou được xây dựng là doanh nhân làm đẹp 24 tuổi, người Pháp gốc Trung và đặc biệt quan tâm đến tính bền vững.

Dù mang lại cái nhìn mới mẻ và nhiều lợi ích, không có nghĩa là hình thức hợp tác này chẳng có rủi ro. Nếu thương hiệu chọn sản phẩm không phù hợp với hình ảnh của thần tượng ảo, khách hàng có thể quay lưng nhanh chóng. Nhìn chung, điều thương hiệu cần quan tâm nhất vẫn là đổi mới nhưng vẫn đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng thế hệ Z.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-than-tuong-ao-thay-the-cac-ngoi-sao-post1267888.html