Khi thanh niên chung sức thay đổi định kiến giới
'Thanh niên chuẩn – Nói không với định kiến giới' là chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Plan International Việt Nam triển khai nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi hành vi liên quan đến các định kiến giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Với thời gian thực hiện dự án là 14 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022), hướng tới đối tượng nam, nữ thanh niên độ tuổi 18 – 40 sống tại khu vực thành thị, chiến dịch truyền thông chia làm 4 giai đoạn thực hiện.
Bình đẳng giới qua những việc hàng ngày
Trung tuần tháng 6/2022, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết giai đoạn 1, giai đoạn 2 của chiến dịch truyền thông và tổng kết cuộc thi tương tác trực tuyến “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới”. Kết quả của cuộc thi tương tác cho thấy sức lan tỏa rất mạnh mẽ cả trong và ngoài nước với hơn 112.000 lượt tiếp cận; gần 53.000 lượt bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc của người tham gia.
Nhiều bạn trẻ cho biết rất ấn tượng với những vấn đề chiến dịch đề cập tới. Bởi vấn đề định kiến giới đôi khi vì nhiều lý do mà chính người trong cuộc cũng khó nhận ra. Đơn cử như câu chuyện việc nhà: hiện nay tại nhiều gia đình còn tồn tại không ít định kiến với phụ nữ và đàn ông trước các lựa chọn ở nhà chăm lo việc nội trợ hay làm trụ cột kinh tế của gia đình, cách cùng chia sẻ việc gia đình.
Để truyền thông về vấn đề này, trong khuôn khổ chiến dịch, talkshow với chủ đề “Gia đình mình: Chuyện tài chính để ai tính?” đã được tổ chức. Chia sẻ về những định kiến đối với vai trò tài chính của nam và nữ giới tại talkshow, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết: “Nam giới chịu áp lực rất nặng nề của định kiến giới. Có nhiều định kiến rằng đàn ông phải kiếm nhiều tiền hơn vợ, đàn ông phải làm trụ cột gia đình. Nếu không làm được thì là bất ổn. Và những định kiến giới cũng tấn công những người phụ nữ thành đạt cực kỳ kinh khủng, họ bị phán xét, bình luận ác ý là không chăm lo gia đình, bị đổ lỗi vì hôn nhân không hạnh phúc”. Blogger Hoàng Ngọc Diệp bình luận về cách giải quyết những áp lực đối với cả hai giới: “Hai vợ chồng nên tìm ra cách phù hợp với gia đình để đạt được hạnh phúc. Hôn nhân là một cuộc hành trình và có thể gặp nhiều thử thách. Do đó, rất cần hai vợ chồng cởi mở và chia sẻ với nhau”…
Tại Lễ tổng kết giai đoạn 1, giai đoạn 2 của chiến dịch truyền thông vừa diễn ra, ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn kêu gọi: “Đối với mỗi bạn đoàn viên, thanh niên xung kích thực hiện bình đẳng giới thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày để cùng nhau hành động, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi có định kiến giới, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, xây dựng một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục đồng hành cùng chiến dịch, có nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong đoàn viên, thanh niên và thiếu niên, nhi đồng; tuyên truyền giới thiệu các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương; nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng”.
Tháo gỡ sự trói buộc của định kiến giới
Cách đây không lâu, HSBC công bố “Báo cáo Phụ nữ làm kinh doanh” cho biết các doanh nhân nữ trên toàn cầu gọi vốn ít hơn 5% so với các doanh nhân nam, hơn một phần ba (35%) nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới. Được thực hiện với sự tham gia của hơn 1.200 doanh nhân ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và Hoa Kỳ, báo cáo cũng đã tìm thấy sự khác biệt lớn giữa các thị trường, trong đó các doanh nhân nữ ở Anh và Hoa Kỳ gặp mức độ định kiến về giới tính cao nhất (lần lượt là 54% và 46%), và những nữ doanh nhân ở Trung Hoa đại lục gặp phân biệt giới tính ít nhất, chỉ ở mức 17%. Tổng cộng có 58% nữ doanh nhân lo ngại về những định kiến khi huy động vốn. Mối quan tâm lớn thứ hai là chuẩn bị kế hoạch kinh doanh (58%) và thiếu sự hỗ trợ (41%)…
Đây cũng là một trong những khía cạnh mà giai đoạn 3 và 4 dịch với của chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn – Nói không với định kiến giới” hướng tới giải quyết. Giai đoạn 3 với chủ đề “Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phải giới tính” tập trung vào các hoạt động tuyên truyền thay đổi định kiến về phân công công việc, như định kiến cho rằng có những ngành nghề chỉ dành cho phụ nữ, có những ngành nghề chỉ dành cho nam giới và giai đoạn 4 với chủ đề “Phụ nữ cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo thành công” với mục đích tuyên truyền thay đổi định kiến cho rằng trong công việc, vai trò của phụ nữ là ở vị trí hỗ trợ, trong khi nam giới đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo.
Chia sẻ về những định kiến giới đối với sự phân công nghề nghiệp, Hoa hậu H’Hen Niê cho biết: “H’Hen nghĩ rằng suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động. Và nếu chúng ta có niềm tin, sự tin tưởng đối với hành động của mình thì đánh giá của người khác sẽ không quan trọng nữa. Có những hành động, suy nghĩ sẽ tạo nên thay đổi lớn. Chúng ta làm điều gì đó vì chúng ta nghĩ đó là điều hạnh phúc ta dành cho gia đình”. Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng đồng tình với ý kiến này: “Thay đổi nhận thức bên trong là điều rất quan trọng. Chiến dịch của chúng tôi đang rất nỗ lực để thay đổi nhận thức ở mỗi người, để mỗi người cùng hành động. Bởi vì định kiến giới là thứ trói buộc chúng ta và làm chúng ta không hạnh phúc”.
Có thể nói, chiến dịch “Thanh niên chuẩn – Nói không với định kiến giới” hướng tới việc tạo ra một cộng đồng đa dạng cùng hành động nhằm tạo ra những ảnh hưởng tích cực để thay đổi các định kiến giới. Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Plan International Việt Nam tin tưởng rằng với kết quả cuộc thi tương tác đã tiếp cận được hơn 100.000 người chỉ trong vòng hai tuần và rất nhiều người tham gia đã trả lời đúng các câu hỏi thì đây là minh chứng rõ nét rằng ngày càng có nhiều người trở thành các “thanh niên chuẩn” và con số này sẽ không chỉ dừng lại ở đó.