Khi thầy cô và trò 'lạc' trong khung chat: Thân thiết hay thiếu tôn trọng?

Khi khung chat trở thành lớp học thứ hai, mối quan hệ giữa thầy cô - học trò cũng cần ranh giới rõ ràng hơn để không 'lạc' giữa tự nhiên, thân thiện và sự tôn trọng cần có.

Một đoạn tin nhắn gây bão mạng

Câu chuyện bắt đầu khi một tài khoản đăng tải đoạn chat với giáo viên. Sau khi học sinh gửi tin nhắn và được giáo viên giải đáp thắc mắc, đoạn trò chuyện tiếp tục với hai dòng phản hồi gây tranh cãi: "Cô lười lắm. Con tìm chỗ khác mà học chương 1""Con không phù hợp với phương pháp dạy của cô nên con tìm nơi khác tốt hơn nhé".

Bài viết thu hút hơn 9.3 nghìn lượt tương tác, 1,1 nghìn lượt thảo luận trên Threads.

Bài viết thu hút hơn 9.3 nghìn lượt tương tác, 1,1 nghìn lượt thảo luận trên Threads.

Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một bên cho rằng giáo viên đã "lạc" khỏi vai trò chuyên nghiệp, với những lời từ chối có thể gây tổn thương cho học trò. Nhưng cũng có luồng ý kiến khác lại chỉ ra rằng, chính học sinh cũng đang "lạc" giữa ranh giới của sự vô tư và thiếu tôn trọng, khi nhắn tin vào ban đêm với ngôn ngữ quá thoải mái.

Vụ việc như một hồi chuông cảnh báo. Khi không còn bục giảng hay phòng học với những quy tắc rõ ràng, thầy cô và học trò dường như đang mất đi "tấm bản đồ" định hướng cho mối quan hệ. Ai cũng có lý lẽ của riêng mình, nhưng dường như tất cả đều đang loay hoay trong chính không gian số do mình tạo ra.

Đi tìm "tấm bản đồ" cho mối quan hệ thầy trò 4.0

Tranh cãi này không đơn thuần là một "tai nạn giao tiếp", nó phản ánh một sự chuyển dịch sâu sắc đang khiến nhiều người mất phương hướng.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ xã hội học, ThS. Thanh Vân cho rằng, gốc rễ của cuộc tranh cãi này có thể đến từ "xung đột hệ giá trị" trong quan niệm về nhà giáo. "Một bên là "tôn sư trọng đạo", xem giáo viên là một hình mẫu chuẩn mực, đáng kính. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại có xu hướng mong muốn giáo viên trở thành một người đồng hành trên con đường học tập", ThS. Vân phân tích.

Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện bên dưới bài viết.

Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện bên dưới bài viết.

Việc học sinh nhắn tin đêm khuya, theo thạc sĩ, không hẳn là thiếu chừng mực mà họ chỉ đang đi theo "lộ trình" sinh hoạt của riêng mình trong thời đại số.

Trong vai một người "dẫn đường" thực tế, cô Lan Phi - giáo viên tiếng Trung tại TP.HCM - đã tự tìm ra "lối đi" cho mình và học trò. Cô thường xuyên nhận được tin nhắn muộn nhưng chọn cách linh hoạt. "Điều quan trọng là đôi bên cùng vẽ ra ranh giới và tôn trọng nó", cô Lan Phi chia sẻ. Thay vì khó chịu, cô xem những chiếc meme của học trò gửi như một gia vị, miễn là mục tiêu chính - trao đổi kiến thức - không bị "đi chệch hướng".

"Tiếp xúc với nhiều học viên khác nhau giúp mình nhận ra rằng, sự đa dạng trong cách giao tiếp cũng chính là một nét thú vị của nghề giáo", cô Phi nói thêm.

"Tiếp xúc với nhiều học viên khác nhau giúp mình nhận ra rằng, sự đa dạng trong cách giao tiếp cũng chính là một nét thú vị của nghề giáo", cô Phi nói thêm.

Nhấn mạnh về vai trò của người thầy trong việc "dẫn lối", ThS. Vân cho biết: "Học sinh chịu hỏi thì giáo viên đã thành công rồi. Giáo viên không cần phản hồi ngay, nhưng đừng để học trò cảm thấy bơ vơ trong chính hành trình học tập của mình".

"Cắm cột mốc" để không ai lạc đường

Sự gần gũi là tốt, tuy nhiên cũng cần có giới hạn để đảm bảo một môi trường học tập chuyên nghiệp. Để không bị "lạc" trong sự thân thiết, ThS. Quỳnh Như (ngành Giảng dạy tiếng Hoa, ĐH Sư phạm Đài Loan) đề xuất một giải pháp rõ ràng: Hãy cùng nhau "cắm những cột mốc ranh giới".

Cô cho rằng, việc học online khiến đời sống cá nhân và công việc chồng lấn và dễ gây hiểu lầm. "Nếu có những quy tắc cơ bản khi tương tác - như thời gian liên hệ, cách phản hồi - thì cả giáo viên lẫn học sinh sẽ có một lộ trình an toàn và chuyên nghiệp hơn để đi cùng nhau", cô đề xuất.

Câu chuyện này không phải để tìm ra ai đã "đi sai đường". Nó cho thấy cả thầy và trò đều cần một "chiếc la bàn" để thoát khỏi "mê cung" khung chat. Sự tinh tế trong giao tiếp, thái độ lịch sự và rõ ràng trong trao đổi chính là "chiếc la bàn" đó. Nó không chỉ giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc, mà còn định hướng cho mối quan hệ thầy trò phát triển đúng hướng: Hiệu quả, tôn trọng và cùng nhau lớn lên.

Tôn Huy - Ảnh: Tổng hợp

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/khi-thay-co-va-tro-lac-trong-khung-chat-than-thiet-hay-thieu-ton-trong-post1757789.tpo